Lực lượng Hamas cho biết sẽ thả một số con tin nước ngoài trong những ngày tới nhưng không nói cụ thể.
Abu Obeida, người phát ngôn của Lữ đoàn Qassam thông báo việc này trong video đăng ngày 31/10, trong đó ông cũng tuyên bố sẽ biến Dải Gaza thành “nghĩa địa” và “vũng lầy” với quân đội Israel khi lực lượng này gia tăng tấn công trên bộ.
Hơn 230 người, trong đó có binh lính, dân thường Israel và công dân của nhiều quốc gia, bị Hamas và các nhóm vũ trang Palestine khác bắt giữ trong cuộc tấn công bất ngờ vào miền nam Israel ngày 7/10.
Israel, các nhóm nhân quyền và Liên Hợp Quốc kêu gọi thả các con tin ngay lập tức. Thân nhân những người bị giam giữ yêu cầu Chính phủ Israel đảm bảo việc thả họ.
Cho đến nay mới có 5 con tin được thả, hầu hết thông qua đàm phán với vai trò trung gian và hỗ trợ của Qatar và Ai Cập, còn một con tin được giải thoát sau cuộc đột kích của lực lượng Israel vào Dải Gaza.
Ngày 31/10, các gia đình Israel có thân nhân thiệt mạng trong cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10 kêu gọi Tòa án Hình sự quốc tế (ICC), cơ quan tài phán mà Israel không công nhận, điều tra các vụ giết người và bắt cóc.
Luật sư Yael Vias Gvirsman đại diện cho gia đình của hơn 34 nạn nhân kêu gọi công tố viên ICC Karim Khan điều tra các tội ác trong phạm vi quyền hạn của mình.
Văn phòng công tố ICC đã nhận được hồ sơ và đang đánh giá yêu cầu, Reuters đưa tin.
Israel không phải là thành viên của ICC. Chính quyền Palestine gia nhập tòa án từ này năm 2015 và được cấp quy chế quốc gia quan sát viên của Liên Hợp Quốc, cho phép ICC điều tra về các tội ác trên lãnh thổ Palestine.
Khi ấy, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gọi quyết định đó là “sự bóp méo công lý”.
Trong chuyến thăm cửa khẩu Rafah giữa Ai Cập và Dải Gaza cuối tuần qua, ông Khan nói rằng việc cản trở hoạt động cứu trợ nhân đạo cho Dải Gaza có thể cấu thành hành vi tội phạm theo thẩm quyền của ICC.
Ông cho biết ông đã cố gắng vào Gaza và Israel để gặp gỡ gia đình các nạn nhân, nhưng không thể thực hiện được.