'Hàm dưỡng đạo đức' trong kinh doanh

Tổng kết năm 2017, Cty Cổ phần & Đầu tư Phát triển Đa quốc gia (Sao Mai – IDI) đạt lợi nhuận trên 400 tỷ đồng, vươn lên dẫn đầu các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu ngành hàng cá tra Việt Nam.
Ông Lê Thanh Thuấn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sao Mai trả lời phỏng vấn

Có thể, vẫn là sự “khiêm tốn” so với tầm vóc và qui mô của Tập đoàn Sao Mai. Nhưng trong thời điểm hiện nay có giá trị to lớn không đơn thuần chỉ là hiệu quả của doanh nghiệp mà còn chứng minh cho sự nỗ lực phấn đấu, căn cơ trong hoạt động. Sao Mai – IDI biết đầu tư dài hạn, liên tục khai thác thị trường mới và biết cách nuôi dưỡng mối liên kết với các vệ tinh cung cấp nguyên liệu. Và mới đây là ký kết bao tiêu cá tra giống với các hội viên của Hiệp hội thủy sản An Giang (AFA).

Cần “Hàm dưỡng đạo đức” trong kinh doanh

Phóng viên: Kết quả kinh doanh của IDI khá ấn tượng trong thời điểm hiện nay. Vậy cơ may nào đưa đến trong khi nhiều doanh nghiệp cùng ngành lại điêu đứng ?

Ông Lê Thanh Thuấn – Chủ tịch HĐQT Sao Mai Group: Năm 2017, vừa tròn 10 năm IDI tham gia vào thị trường xuất khẩu thủy sản chỉ dành cho các ông lớn. Thành công – thất bại của những người đi trước kể cả những người đến sau cũng là những bài học kinh nghiệm để cho chúng ta học tập. Trong kinh doanh, dường như khái niệm ra đời trước hay ra đời sau chỉ là ranh giới rất mong manh mà được quyết định bởi sự nhanh nhạy nắm bắt thời cơ, óc phán đoán và khả năng tư duy kể cả có chút may mắn.

Phóng viên: Cụ thể như thế nào thưa ông ?

Ông Lê Thanh Thuấn: IDI đã hoàn toàn chủ động được nguồn nguyên liệu. Ngoài vùng nuôi tự có rộng hơn 150 ha, chúng tôi đã xây dựng được vùng nuôi liên kết với hàng chục hộ nuôi ở 4 tỉnh An Giang – Đồng Tháp – Cần Thơ – Kiên Giang để đảm bảo 100% nguyên liệu cung cấp cho 2 nhà máy hoạt động 24/24. Chúng ta điều biết rằng, giá Fillet xuất khẩu đều phụ thuộc vào thị trường thế giới. Mức giá này nhạy cảm đến nỗi mọi sự biến động về chính trị, kinh tế, lãi suất ngân hàng, tỉ giá đô la hay chính sách thuế của các nền kinh tế lớn kể cả báo chí thông tin cũng tác động trực tiếp đến nó.

Trong nhiều năm qua, giá xuất khó tăng đột biến, một phần là cung – cầu của thị trường thế giới nhưng yếu tố không kém phần quan trọng là do chính sự cạnh tranh không lành mạnh (về chào giá, về chất lượng không ổn định) của các doanh nghiệp nội địa đã tác động trực tiếp. Câu chuyện này vẫn đang khiến cho những doanh nghiệp chân chính chịu thiệt thòi. Hệ lụy đến tình trạng khủng hoảng thừa – thiếu nguyên liệu xảy ra liên tục rất khó lường. Những lúc nguyên liệu khan hiếm thì giá đầu vào rất cao hoặc ngược lại.

Trong vòng luẩn quẩn đó, IDI đã sớm nhận thấy, nếu chúng ta không chủ động vùng nguyên liệu kể cả con giống thì sẽ bị thất thế trước sự điều phối bất hợp lý của những nhà nhập khẩu. Nếu IDI không khai thác thêm những khách hàng mới, bỏ ngỏ ngăn ngừa rủi ro từ thị trường nước ngoài thì cũng rất khó xoay chuyển tình thế. Tuy nhiên rất may là chúng tôi biết cách xử lý, phán đoán chính xác, các bộ phận quản lý chất lượng luôn sâu sát để duy trì sản phẩm tốt, dự phòng kế hoạch chống sự cố trong khâu xuất khẩu.

Nội tại, IDI có đội ngũ công nhân lành nghề, đặc biệt, phải luôn luôn “thủ” sẵn nguyên liệu nên mọi sự biến động đều không ảnh hưởng thậm chí trong “nguy” đã mang lại cho chúng tôi những “cơ hội” rất tốt. Song, điều cốt lõi chúng tôi phải nằm lòng đó là bài học thủy chung. Cuộc sống mách bảo “Thiện chí với điều gì sẽ mang lại kết quả tốt đẹp”.

M&A từ Sao Mai tạo ra thương hiệu chất riêng

Phóng viên: IDI nhiều năm nay đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh tốt và đặc biệt trong năm 2017 có thể nói là năm thắng lợi của IDI tạo ấn tượng mạnh mẽ với các Nhà đầu tư. Còn các Cty thành viên khác thì như thế nào ? Thưa ông.

Ông Lê Thanh Thuấn: Năm 2017, Tập đoàn Sao Mai đã có những thương vụ M&A thành công mỹ mãn với các đơn vị Cty Cổ phần Nhựt Hồng và Cty CP Phú Hùng – Phú Quốc. Trước đó một năm, việc thâu tóm các Cty CPDL nhà nước thoái vốn ở An Giang và Đồng Tháp đã cho thấy rõ điều này. Đây là những doanh nghiệp Nhà nước có  thương hiệu lâu đời, khi về với Sao Mai chúng tôi tạo ra cho họ những giá trị gia tăng mới trên cơ sở tái cấu trúc lại toàn bộ từ nhân sự, hạ tầng, chiến lược kinh doanh mới  và phong cách phục vụ đẳng cấp để hội nhập với thị trường giai đoạn mới.

Phóng viên: Những lực cản của các Cty này đó là gì thưa ông ?

Ông Lê Thanh Thuấn: Trở lực lớn nhất là nguồn lực nhân sự. Ở họ cũng có những lề thói mà Sao Mai cần phải điều chỉnh và sắp xếp lại. Do hiện nay, nền kinh tế thị trường toàn cầu nên cơ chế làm việc kiểu bao cấp đã lỗi thời, phong cách và tư duy thụ động trì trệ cần phải được xóa bỏ hoàn toàn. Chúng tôi tạo cho họ mục tiêu làm việc để triệt tiêu tư tưởng dựa dẫm. Thế giới đang chuyển động như vũ bão từ cách mạng 4.0 và sắp tới cũng sẽ là 5.0 và chắc chắn không dừng lại nên đòi hỏi đội ngũ nhân lực phải thích ứng.

Phóng viên: Nhưng thực tế khi tiếp quản, Sao Mai vẫn chưa đổi mới cho các Cty thành viên này ngay tức thì như nhiều người kỳ vọng, tại sao thưa ông ?

Ông Lê Thanh Thuấn: M&A với 4 Cty vừa nêu, Sao Mai phải có sự chuẩn bị ít nhất 1 năm để thâu tóm thành công. Nên muốn đầu tư đổi mới phải cẩn thận trong việc lập dự án. Muốn có dự án thì phải tìm hiểu nghiên cứu cả về định hướng kinh doanh và tâm lý con người. Khi có tất cả thì phải trình và chờ các ngành chức năng thẩm định - phê duyệt. Mà các bạn biết rồi đó, chờ đợi nhận được kết quả phản hồi cũng cần phải có thời gian.

Phóng viên: Khi tiếp quản, các Cty Nhà nước, Sao Mai gặp khó khăn gì ?

Ông Lê Thanh Thuấn: Bất thường là giấu lỗ, hồ sơ IPO thì “ẩn” phí treo, hàng tồn kho rất lớn. Khi tiếp quản hàng tồn kho về với Sao Mai đã trở thành phế phẩm.

Phí - bản chất của nó là đã hình thành trước nhiều năm nhưng các Cty cũ chưa phân bổ vì muốn tạo lợi nhuận ảo, báo công. Cách làm này để có bức tranh đẹp dễ thuyết phục nhưng thực tế đau đớn hơn nhiều. Tất cả phải được Sao Mai xử lý

Trước hết về nhân lực, Sao Mai sẽ đề ra phương án sắp xếp hợp tình hợp lý. Rà soát lại từng trường hợp, xem xét năng lực, tái phân công lại. Trong đó, phải đào tạo lại để họ hội nhập thích ứng với cơ chế mới của doanh nghiệp.

Hiện nay, các Cty CP DL Sao Mai – An Giang, Sao Mai – Đồng Tháp đã có sự chuyển biến rất rõ nét, tỷ lệ tăng trưởng từ âm lên trên 15%, toàn bộ cơ sở hạ tầng đều đã được chỉnh trang, đầu tư xây mới, nâng cấp và mở rộng phạm vi kinh doanh. Cụ thể như Khách sạn Sao Mai (KS Sông Trà cũ) đã được Tập đoàn đầu tư gần 200 tỷ đồng để “đập củ xây mới” theo chuẩn thượng lưu.

Phóng viên:  Được biết, thời gian gần đây Tập đoàn Sao Mai đang có ý định đầu tư vào chuỗi cao ốc phức hợp đa năng ở một số địa phương ở ĐBSCL. Ông có thể chia sẻ thêm về ý tưởng mới này.

Ông Lê Thanh Thuấn: Xuất phát từ yêu cầu thực tế có những đô thị mang tên Thành phố nhưng vẫn chưa có được  1 Khách sạn 4 Sao. Thậm chí có những đô thị sầm uất  vẫn chưa có được 1 KS 3 sao và trung tâm mua sắm cao cấp. Đây là 1 sân chơi vẫn đang bị bỏ ngỏ cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp mà Sao Mai đang nhắm vào.

Trên thực tế, đầu tư vào lĩnh vực này không phải dễ dàng nhưng tiềm lực của Sao Mai chúng tôi cho rằng mình vẫn có khả năng và có cơ hội để thử sức.

Phóng viên: Vâng xin cảm ơn ông rất nhiều. Tuy nhiên trước khi chia tay, chúng tôi muốn được nghe ông chia sẻ thêm bí quyết làm thế nào để có thể vận hành các Cty sau khi Sao Mai thâu tóm hoạt động thành công ?

Ông Lê Thanh Thuấn: Trong cuộc sống hay trong kinh doanh cũng vậy, có những triết lý, có những câu chuyện tưởng như là bình thường khiến chúng ta dễ lãnh quên nhưng đấy chính lại là điều mà ta cần phải lưu ý. Nước nhìn như không có lực, chảy xuôi từ chỗ cao  xuống chỗ thấp, khi gặp vật cản nó kiên nhẫn vô cùng. Nếu gặp phải hòn đá, nước sẽ dần dần mài mòn hòn đá ấy. Đấy là nhu thắng cương. Trong kinh doanh cũng vậy, cần phải có cách ứng xử với thị trường, với đối tác và với những vệ tinh của Cty.

Không nên dùng búa đập tảng băng mà phải dùng lửa để đốt. Nước làm sạch vạn vật, cho dù vật bẩn như thế nào, nước đều mở rộng lòng  mình tiếp nhận mà không oán không hận. Sau đó, từ từ tự mình làm sạch. Đây chính là bao dung tiếp nhận. Hàm dưỡng đạo đức là vậy, cần như nước để thành công trong kinh doanh”.