Hội thi năm nay nhận được 536 giải pháp từ 53 tỉnh, thành phố, 2 tập đoàn kinh tế và Bộ Quốc phòng tham gia. Trong số 6 công trình đạt giải nhất có 2 công trình là của hai trường ĐH gồm Trường sĩ quan công binh, ĐH Ngô Quyền và ĐH Công nghệ giao thông vận tải.
Trong đó công trình giải pháp "Hệ thống cảnh báo vi phạm chiều cao tĩnh không ứng dụng trong giao thông đường thủy" của nhóm tác giả: PGS.TS Đào Văn Đông, TS Lê Nguyên Khương, TS Trần Anh Bình trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải đã đạt giải Nhất giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 14 (VIFOTEC). Đồng thời công trình này cũng là một trong hai công trình giành giải thưởng WIPO năm 2017. Trước đó giải pháp đã đạt giải Nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc năm 2017 và được lựa chọn tham gia giải VIFOTEC năm 2017.
Được biết, công trình này được xuất phát từ thực trạng mỗi năm ở nước ta có có khoảng 10÷15 vụ phương tiện thủy đâm va vào cầu vượt sông, các vị trí xảy ra thường ở những cầu có chiều cao tĩnh không thấp và khẩu độ khoang thông thuyền hẹp.
Đa phần các vụ tai nạn trên đều gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, nhiều vụ tai nạn đã làm giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy bị tê liệt, gây thiệt hại to lớn về kinh tế, xã hội, đặc biệt có những cầu bị đâm va nhiều lần như cầu Đuống (Hà Nội), cầu Bình Lợi (TP. Hồ Chí Minh) và mới đây tàu 3000 tấn đâm vào cầu An Thái (Hải Dương) gây nguy cơ sập cầu và sà lan chở cát đâm sập cầu Ghềnh (Đồng Nai).
Ở trong nước đến thời điểm hiện nay chưa có giải pháp nào cảnh báo chủ động tới các chủ điều khiển phương tiện giao thông có chiều cao vượt quá chiều cao tĩnh không cho phép. Với ý tưởng sử dụng công nghệ laser để phát hiện phương tiện lưu thông vượt quá chiều cao tĩnh không cho phép, Nhóm nghiên cứu đã đề xuất và phát triển thành công hệ thống cảnh báo sớm tàu thuyền có chiều cao vi phạm giới hạn tĩnh không của cầu, với hy vọng giảm thiểu tai nạn và nâng cao hiệu quả quản lý trong giao thông đường thủy nội địa.
Hệ thống cảnh báo LAWA-UTT đã được chế tạo và thí nghiệm thành công tại Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải. Cuối năm 2016, hệ thống đã được Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam đồng ý cho lắp đặt tại cầu Đuống – Hà Nội.
Đầu năm 2017, nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý phương tiện và hạn chế tối đa tai nạn do vi phạm chiều cao thông thuyền gây ra, Sở GTVT tỉnh Nam Định đã phê duyệt giải pháp và đầu tư lắp đặt toàn bộ hệ thống cho Đò Quan, Nam Định. Hệ thống đã được đăng ký giải pháp hữu ích (tháng 10 năm 2016) tại Cục Sở hữu Trí tuệ.
Còn giải nhất của trường Sĩ quan công binh, ĐH Ngô Quyền là kết nối máy tính và đo lường điện tử cả thiện tính năng thiết bị dạy học nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy của tác giả ThS. Trần Huy Hùng.