Hải quân Mỹ đặt hàng tên lửa Tomahawk đời mới

TPO - Hải quân Mỹ đang tiếp tục tìm cách hiện đại hóa dòng vũ khí cổ lỗ sĩ để tấn công hoặc đánh chặn đối phương từ khoảng cách xa hơn trước.

Gần đây, Hải quân Mỹ khẳng định, phiên bản mới Block V của biến thể tên lửa hành trình Tomahawk (của hãng Raytheon) sẽ đi vào sản xuất, đồng thời đặt hàng thêm 90 quả Tomahawk vào năm 2020 và thêm 90 quả nữa vào năm 2021, Breaking Defense đưa tin.

Nâng đời tên lửa cũ

Hải quân Mỹ quan tâm trở lại đối với dòng tên lửa hành trình già cỗi này diễn ra trong bối cảnh Lầu Năm Góc tiếp tục muốn đối chọi với các hoạt động hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc và Nga. Tàu nổi và tàu ngầm Mỹ lại được ưu tiên triển khai ở Thái Bình Dương, ngoài bờ biển châu Âu.

Giám đốc phụ trách tên lửa Tomahawk của Raytheon, ông Chris Daily, nói rằng, năm sau hãng sẽ sản xuất tên lửa Block V với các tính năng dẫn đường và liên lạc được cải thiện.

Một số tên lửa Block V sẽ có tên cụ thể là Block Va (Tomahawk tấn công biển – MST) cho phép tên lửa can thiệp mục tiêu di động trên biển, và Block Vb có hệ thống đầu đạn đa tác động hỗn hợp (JMEWS) cho phép tấn công cả mục tiêu trên đất liền.

Trong đề xuất ngân sách năm 2020, Hải quân Mỹ xin 386,7 triệu USD để mua 90 tên lửa mới, cùng với 156 bộ thiết bị dẫn đường và liên lạc, 20 bộ MST, trong khi nhận lại 112 tên lửa cũ được nâng cấp.

Daily giải thích, các dòng tên lửa đời cũ Block IV quay trở lại Raytheon để đánh giá và nâng cấp, hiện đại hóa để tăng tuổi thọ thêm 15 năm. Raytheon sẽ nâng cấp chúng thành các phiên bản Block V, MST hoặc JMEWS bằng cách thay thế, tái chứng nhận một số bộ phận. “Tên lửa loại cũ mà mới này sẽ được chuyển giao từ năm 2020 với tên gọi Block 5”, Daily cho biết.

Kể từ những năm 80, Hải quân Mỹ và Hải quân Anh đã mua gần 10.000 tên lửa hành trình Tomahawk, sử dụng hơn 2.300 lần trong các trận đánh.

Tên lửa Tomahawk bay như máy bay. Ảnh: Breaking Defense.

Bán vũ khí cho đồng minh

Bộ Ngoại giao Mỹ cuối tuần qua thông báo, phía Mỹ đã đồng ý các hợp đồng bán vũ khí của Raytheon trị giá hơn 1 tỷ USD cho 3 đồng minh Canada, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Theo đó, Canada sẽ được phép mua các bộ chuyển đổi ngư lôi hạng nhẹ MK 54 (trị giá 387 triệu USD), Hàn Quốc mua tên lửa đất đối không SM-2 Block IIIB (trị giá 313,9 triệu USSD) và Nhật Bản mua tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120C-7 (trị giá 313 triệu USD), Defense News đưa tin ngày 20/5.

Mới đây, Hải quân Mỹ ký với Raytheon hợp đồng trị giá 16,8 triệu USD để sửa USS Oscar Austin - tàu khu trục tên lửa dẫn hướng lớp Arleigh Burke, USNI News đưa tin ngày 20/5. Raytheon sẽ sửa chữa, tân trang, tái lắp đặt và thử nghiêm nhóm truyền phát AN/SPY-1D hệ thống vũ khí Aegis trên tàu bị hỏng do hỏa hoạn hồi tháng 11 năm ngoái.