Bảo đảm chỉ tiêu, tiến độ được giao
Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan (TCHQ, thuộc Bộ Tài chính), triển khai Quyết định 1085/QĐ-TTg ngày 15/9/2022 của Thủ tướng; Quyết định 2475/QĐ-BTC ngày 29/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, tổng cục đã ban hành Quyết định 42/QĐ-BTC ngày 11/1/2023 về Kế hoạch rà soát TTHC nội bộ giai đoạn 2022 - 2025.
Theo quyết định này, phạm vi thống kê, rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ của TCHQ gồm: TTHC giữa các cơ quan hành chính nhà nước quy định tại văn bản do TCHQ tham mưu Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền; TTHC nội bộ giữa các đơn vị thuộc và trực thuộc TCHQ quy định tại văn bản do TCHQ ban hành theo thẩm quyền.
Kế hoạch của TCHQ đề ra hai mục tiêu. Trước hết, đối với TTHC nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước: được thống kê, công bố trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC trước ngày 1/4/2023; rà soát, trình Bộ Tài chính để trình Thủ tướng duyệt phương án đơn giản hóa trước ngày 1/1/2025 bảo đảm đạt tỷ lệ cắt giảm ít nhất 20% TTHC và 20% chi phí tuân thủ TTHC.
Thứ hai, đối với TTHC nội bộ giữa các đơn vị thuộc và trực thuộc TCHQ được thống kê, lựa chọn công bố trước ngày 1/6/2023; hoàn thành rà soát, đơn giản hóa trước ngày 1/9/2025 bảo đảm tỷ lệ cắt giảm ít nhất 20% TTHC và 20% chi phí tuân thủ TTHC. Ngay sau khi ban hành kế hoạch, TCHQ đã ban hành Quyết định số 141/QĐ-TCHQ ngày 6/2/2023 thành lập Tổ rà soát TTHC nội bộ giai đoạn 2022 - 2025 của tổng cục gồm 46 thành viên, do Phó Tổng cục trưởng làm Tổ trưởng, Chánh Văn phòng làm Phó Tổ trưởng thường trực; đại diện lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục làm Tổ viên nhằm bảo đảm tính thống nhất, tăng cường tính trách nhiệm và sự phối hợp chặt chẽ hơn trong quá trình triển khai kế hoạch rà soát TTHC nội bộ của ngành.
Tổng cục Hải quan đã giao Văn phòng Tổng cục ban hành văn bản hướng dẫn nghiệp vụ về thống kê, rà soát TTHC nội bộ; tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ cho các thành viên Tổ Rà soát; thường xuyên bám sát việc thực hiện của các đơn vị để hướng dẫn, đôn đốc, tổng hợp tình hình, kết quả báo cáo Tổng cục.
Theo lãnh đạo TCHQ, đến nay, sau hơn 5 tháng triển khai thực hiện, tổng cục đã rà soát thống kê được 5 TTHC nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước thuộc lĩnh vực hải quan: (i) Phê duyệt chiến lược phát triển hải quan; (ii) Xác định mã số hàng hóa trong Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu; Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép; Danh mục hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành; (iii) Công bố danh mục và thời điểm thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia; (iv) Thu thập thông tin phục vụ kiểm tra sau thông quan; (v) Lấy ý kiến chuyên môn của cơ quan có thẩm quyền trước khi ban hành kết luận kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan.
Các TTHC này đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính công bố tại Quyết định số 1075/QĐ-BTC ngày 29/5/2023. Trên cơ sở đó, sắp tới TCHQ sẽ công khai các TTHC nội bộ đã được công bố, đồng thời triển khai nghiên cứu, đánh giá để đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nội bộ bảo đảm chỉ tiêu, tiến độ được giao.
Bên cạnh đó, đối với nhóm TTHC nội bộ giữa các đơn vị thuộc và trực thuộc TCHQ, hiện nay Văn phòng Tổng cục đang phối hợp với các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục để hoàn thiện danh mục cũng như thống kê nội dung cụ thể của từng TTHC nội bộ để trình TCHQ ban hành quyết định công bố trong thời gian sớm nhất.
Tổng cục Hải quan xác định việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nội bộ là một nội dung cải cách hành chính mới nằm trong Chương trình tổng thể về cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 ban hành tại Nghị quyết 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ. Do đó, TCHQ xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong giai đoạn 2022 - 2025, đồng thời quyết tâm triển khai theo đúng kế hoạch của Thủ tướng và Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, do đây là công việc mới nên trong triển khai thực hiện còn gặp một số lúng túng, khó khăn, vướng mắc, vì vậy TCHQ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đồng thời tranh thủ thỉnh thị ý kiến chuyên môn của các đơn vị nghiệp vụ cấp trên như Văn phòng Bộ Tài chính, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ). Có thể thấy, việc rà soát, công khai, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nội bộ góp phần công khai, cải cách, đơn giản hóa hoạt động hành chính nhà nước, qua đó góp phần cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC.
Đi đầu trong cải cách hiện đại hóa
Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, chuyển đổi số vừa là mục tiêu vừa là giải pháp quan trọng để xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh. Theo Quyết định số 2154/QĐ-BTC ngày 25/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, năm 2021 là năm thứ sáu liên tiếp Tổng cục Hải quan đứng đầu trong khối Tổng cục và tương đương thuộc Bộ Tài chính về Chỉ số cải cách hành chính.
Để đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế hải quan, Tổng cục Hải quan đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021 - 2030 tại Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022.
Với vai trò là đơn vị đầu mối, Tổng cục Hải quan đã tích cực chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành triển khai các thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia. Tính đến ngày 1/12/2022, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối. Trong năm 2022, các bộ đã triển khai thêm 7 thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia. Đồng thời, Tổng cục Hải quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tiếp tục mở rộng Cơ chế một cửa ASEAN, duy trì kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN; Phối hợp với Ban thư ký ASEAN và các nước ASEAN để triển khai kết nối trao đổi tờ khai Hải quan ASEAN (ACDD) theo lộ trình chung của ASEAN; Đang tiến hành kiểm thử C/O form D trên môi trường thử nghiệm với các nước khối ASEAN; Đang chuẩn bị các yêu cầu liên quan để kết nối thử nghiệm trao đổi chứng nhận kiểm dịch thực vật; Trao đổi để xây dựng giải pháp, lộ trình kết nối trao đổi chứng từ điện tử giữa ASEAN và các đối tác như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Theo lãnh đạo TCHQ, toàn ngành đặt mục tiêu phấn đấu cơ bản hoàn thành chuyển đổi vào năm 2025, hoàn thiện mô hình hải quan thông minh trong năm 2023.
Có 3 nhóm nhiệm vụ quan trọng toàn ngành Tổng cục Hải quan cần tập trung thực hiện trong năm 2023 và thời gian tới gồm: Thứ nhất, thực hiện chuyển đổi số trong công tác nghiệp vụ hải quan; Thứ hai, triển khai chuyển đổi số trong công tác triển khai Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và Cơ chế một cửa ASEAN (ASW); Thứ ba, triển khai Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hải quan