Hai phương án về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự

TPO - Một trong những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau là phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản tại khoản 2 Điều 12 của BLHS năm 2015.
Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách khai mạc sáng 3/4

Sáng 3/4, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13

Báo cáo hội nghị chuyên trách về những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến đề nghị không sửa đổi khoản 2 điều 12 này. Theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169) kể cả trường hợp phạm tội thuộc loại tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng.

Một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật do Chính phủ trình là không xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội thuộc loại tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng.

Uỷ  ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, BLHS năm 2015 đã quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thì còn phải chịu trách nhiệm hình sự cả về tội phạm ít nghiêm trọng và nghiêm trọng đối với tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác", tội "Hiếp dâm" và tội "Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản" để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm này đang có xu hướng gia tăng.

Kết quả phiếu thăm dò ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại Kỳ họp thứ 2, có 266/397 ĐBQH đồng ý với phương án vẫn cần thiết xử lý hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về cả tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác", tội "Hiếp dâm" và tội "Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản".

Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Nga, trong quá trình xây dựng, chỉnh lý dự thảo Luật, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Uỷ ban Tư pháp, Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Bộ Giáo dục và đào tạo, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam lại cho rằng, việc xử lý hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về cả tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với 3 tội danh nêu trên là quá nặng, chưa nhất quán về chính sách hình sự của BLHS năm 2015 (thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi), đồng thời chưa phù hợp nguyên tắc “những lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu” đã được ghi nhận trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

“Việc sớm đưa các em vào vòng tố tụng không phải là phương án tốt nhất để giáo dục các em trở thành người tốt cho xã hội. Trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội thuộc loại tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng thì áp dụng các biện pháp giáo dục tại nhà trường, xã, phường, thị trấn; hòa giải tại cộng đồng; khiển trách; xử lý hành chính… là phù hợp, đủ sức răn đe và tạo môi trường thuận lợi hơn cho các em phát triển lành mạnh”, bà Nga cho hay.

Qua các loại ý kiến trên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để bảo đảm phù hợp với chính sách chung của BLHS năm 2015, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta và phù hợp với các công ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên thì nên sửa đổi khoản 2 Điều 12 của BLHS năm 2015 theo hướng chỉ xử lý hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội hiếp dâm và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên theo bà Nga, do còn ý kiến khác nhau, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến ĐBQH về 2 phương án:

Phương án 1: Giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với 03 tội danh trên.

Phương án 2: Giữ như quy định của BLHS năm 2015, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì còn phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với 03 tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169).