Hải Phòng quy định các khoản thu theo định kỳ gồm: Mua sắm thiết bị phục vụ bán trú; học và thi nghề phổ thông; nước uống.
Các khoản thu theo tháng như: tiền ăn, hỗ trợ người nấu ăn; chăm sóc bán trú; quản lý trẻ/ học sinh ngoài giờ hành chính; trông ngày thứ 7, dạy học 2 buổi/ ngày…
Địa phương này yêu cầu các trường công lập phải sử dụng chứng từ thu (phiếu thu tiền mặt có ký xác nhận của cha mẹ học sinh hoặc ký xác nhận nếu thanh toán trực tuyến).
Nghị quyết 02 quy định danh mục các khoản nhà trường được phép thu gồm: Tổ chức bán trú, trong đó tiền ăn đã bao gồm chất đốt là 30.000 đồng/ngày đối với tiểu học, mầm non; 35.000 đồng/ngày đối với học sinh THCS – THPT.
Khoản tiền mua sắm trang thiết bị phục vụ bán trú, trong đó có khoản mua sắm vật dụng dùng chung và đồ dùng cá nhân, nếu trẻ mới tuyển hoặc trang bị lần đầu sẽ đóng 360.000 đồng. Các năm học tiếp theo chỉ đóng 200.000 đồng.
Người chăm sóc bán trú 150.000 đồng/trẻ/tháng.
Quản lý học sinh ngoài giờ hành chính đối với tiểu học, mầm non là 10.000 đồng/giờ. Dạy học thứ 7 cho trẻ mầm non nếu phụ huynh có nhu cầu có mức thu không quá 50.000 đồng/trẻ/ngày. Dạy học 2 buổi/ngày đối với học sinh tiểu học có mức thu 30.000 đồng/học sinh/tháng.
Về phần học thêm, Hải Phòng cũng áp mức giá để các trường thu thống nhất, trong đó quy định học sinh thuộc quận học thêm toán tư duy, tin học, kỹ năng sống nộp 12.000 đồng/tiết; học sinh thuộc huyện nộp 10.000 đồng/ tiết. Học thêm tiếng nước ngoài với giáo viên người Việt Nam, học sinh tiểu học, THCS – THPT nộp 12.000 đồng/tiết; học sinh ở huyện nộp 10.000 đồng/tiết.
Trong khi đó, nếu học giáo viên nước ngoài sẽ có mức thu 35.40.000/tiết. Học sinh học thêm các môn văn hoá, trường cũng chỉ được phép thu từ 10 – 12.000 đồng/tiết. Nước uống 10.000 đồng/tháng. Trông xe đạp 30.000 đồng/tháng…
Theo đó, cơ sở giáo dục công lập chỉ được thực hiện thu đối với danh mục các khoản thu và mức thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục và đào tạo được quy định.
Các khoản dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông tối đa không được vượt mức trần học phí được quy định tại Nghị định số 81 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Các khoản thu, mức thu phải phù hợp với tình hình thực tế của các cơ sở giáo dục, điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập của cha mẹ học sinh; đảm bảo nguyên tắc thu, chi, đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.