Thảo là con gái út sinh ra trong gia đình bần nông ở xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh). Vì hoàn cảnh khó khăn, hai anh chị của Thảo chỉ học đến cấp 2 là phải nghỉ. Em trở thành niềm tự hào của gia đình khi là thành viên duy nhất trong nhà được học hành trọn vẹn.
Kể từ khi biết điểm thi, căn nhà cấp 4 của gia đình Thảo cũng trở nên nhộn nhịp hơn thường ngày. Với Thảo, đó là niềm vui, nhưng em vẫn đau đáu nỗi lo nếu tiếp tục thực hiện ước mơ theo con đường đại học thì không biết lấy tiền đâu để đi học. “Em không muốn sau này vất vả như bố mẹ nên luôn cố gắng học tập. Khi biết điểm, em rất vui mừng nhưng vẫn lo vì không biết lấy tiền đâu để tiếp tục theo đuổi ước mơ vào đại học”, Thảo chia sẻ.
Bố làm nghề bốc vác keo thuê, mẹ cũng mưu sinh nuôi Thảo lớn lên từ nghề hái măng rừng. Suốt nhiều năm, dịp hè là dịp các bạn đồng trang lứa nghỉ ngơi, đi chơi, nhưng cũng là lúc Thảo vào rừng cùng mẹ để kiếm tiền chuẩn bị cho năm học mới. Thảo nói, em lớn lên từ những búp măng mẹ hái ở rừng, cũng từ những búp măng này cho em cái chữ.
“Mỗi ngày đi làm từ 5h sáng đến 11h trưa chỉ được khoảng hơn 100 ngàn đồng. Chỗ lấy măng cách nhà chừng 7km vì vậy những ngày vào rừng hái măng em phải dậy từ 4h sáng để nấu ăn, chuẩn bị cơm để mang đi”, em Thảo tâm sự.
Em Trần Thị Thảo (lớp 12A4, Trường THPT Hàm Nghi, Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) trở thành á khoa toàn quốc khối C00 với số điểm 29,25
Em Trần Thị Thảo (lớp 12A4, Trường THPT Hàm Nghi, Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) trở thành á khoa toàn quốc khối C00 với số điểm 29,25
Biết hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ đều bận rộn lo toan cuộc sống. Những lúc đi học về, tranh thủ buổi trưa hoặc chiều tối, Thảo lại ra đồng cắt cỏ cho gia súc. Trong suốt 3 năm học THPT, Thảo chỉ học và tự ôn tập kiến thức từ những buổi học chính khóa chứ không tham gia một lớp học thêm nào.
“Ngoài học trên lớp, mỗi tối em dành thời gian 5 - 6 tiếng để tự học bài và tận dụng những tiết học online miễn phí trên mạng. Vì hoàn cảnh em phải tự học là chính. Trước ngày thi, em cũng vào rừng hái măng phụ mẹ để kiếm thêm tiền. Vì mùa măng rừng chỉ có từ tháng 5 đến tháng 9 là hết”, Thảo chia sẻ.
Bật mí về cách ôn luyện của mình, Thảo cho hay, phần lớn các đề thi đều nằm trong chương trình học vì vậy em luôn nắm chắc kiến thức cơ bản từ sách giáo khoa. Mỗi tiết học ở lớp, luôn tập trung nghe thầy, cô giảng bài để không bỏ lỡ những nội dung quan trọng. Cùng với đó cũng đọc thêm nhiều sách, tham khảo thêm tài liệu từ các đề thi những năm trước.
“Trong giai đoạn nước rút, em chủ yếu hệ thống lại kiến thức và ôn luyện các đề thi. Việc học em đều phân bố thời gian sao cho hợp lý. Như với bộ môn Lịch sử thay vì cố gắng học thuộc một cách máy móc, em sắp xếp thành một câu chuyện theo chuỗi thời gian. Với môn Địa lý thì áp dụng kiến thức và sử dụng Atlat để xử lí bảng số liệu, kỹ năng nhận diện biểu đồ. Riêng với môn Ngữ Văn thì em tập trung vào trình bày, những ý chính”, Thảo tiết lộ.
Thảo cũng cho biết em đam mê ngành Báo chí nên sẽ đăng ký vào Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. “Em mong muốn tiếp tục theo học để thực hiện ước mơ theo ngành nghề yêu thích”, em Thảo nói.
Khi hay tin con đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, bà Nguyễn Thị Liên (mẹ Thảo) nửa mừng, nửa lo. Vui vì những năm khó nhọc lo con học hành đã có kết quả tốt, cũng lo khi cánh cửa Đại học đã mở nhưng gia đình hoàn cảnh khó khăn.
“Tôi cũng động viên con giờ phải cố gắng học để sau này không vất vả như bố mẹ. Dù gia đình có khó khăn vẫn cố gắng để kiếm tiền cho con theo đuổi con đường mình ước mơ", bà Liên tâm sự.
Thầy giáo Bùi Xuân Sơn – Giáo viên chủ nhiệm em Thảo cho biết, rất vui mừng nhưng không quá bất ngờ với thành tích của nữ sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Bởi đây là kết quả cho sự nỗ lực vượt khó không ngừng nghỉ của em Thảo trong 3 năm học.