Hai cựu Vụ trưởng trợ giúp đắc lực cho Cty Việt Á
Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an vừa đề nghị truy tố 38 bị can trong vụ án Việt Á, trong đó 4 người là cựu lãnh đạo cấp cao của Bộ Y tế bị cáo buộc “Nhận hối lộ”, họ gồm: Ông Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế); Nguyễn Huỳnh (cựu thư ký của ông Long); Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế) và Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế).
Theo kết luận điều tra, Công ty CP Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) thành lập năm 2007, có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, do Phan Quốc Việt giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.
Đầu 2020, dịch Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc, nhà nước có chủ trương giao các đơn vị khoa học nghiên cứu chế tạo sinh phẩm phục vụ phòng chống dịch. Nắm bắt được tinh thần này, Việt đã thông đồng với bị can Trịnh Thanh Hùng để Việt Á được tham gia cùng Học viện Quân y thực hiện đề tài với mục đích "tham gia nghiên cứu để sau đó chiếm đoạt, biến kit xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu nhà nước thành sở hữu của công ty".
Cơ quan điều tra cáo buộc, để Việt Á được tham gia đề tài có sai phạm của nhóm cán bộ tại Văn phòng Chính phủ; Bộ KH&CN; Bộ Y tế; Bộ Tài chính và Học viện Quân y…
Tại Bộ Y tế, C03 cho rằng, sự "can thiệp" của cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cùng các bị can đã giúp Công ty Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành test xét nghiệm; hiệp thương giá và công khai giá test xét nghiệm trên cổng thông tin điện tử của Bộ.
Đổi lại, bị can Phan Quốc Việt đã đưa hối lộ cho ông Long 2,25 triệu USD (51 tỷ đồng); ông Nguyễn Huỳnh 4 tỷ đồng; Nguyễn Minh Tuấn 6,9 tỷ đồng và ông Nguyễn Nam Liên 2,3 tỷ đồng.
Theo C03, bị can Nguyễn Minh Tuấn khai, quá trình Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, tiếp nhận, tham mưu hồ sơ xin cấp số đăng ký lưu hành test của Công ty Việt Á, bị can Phan Quốc Việt trực tiếp đề nghị, còn các ông Nguyễn Huỳnh và Nguyễn Văn Trịnh (cựu trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ) yêu cầu ông Tuấn quan tâm, tạo điều kiện cho Việt Á.
Do đó, ông Tuấn đã tích cực trao đổi, hướng dẫn cho Việt về việc hoàn thiện hồ sơ đăng ký lưu hành: làm việc với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để có kết quả đánh giá chất lượng test xét nghiệm…
Tuấn khai thêm, bị can Nguyễn Thanh Long còn nhắn tin chỉ đạo Tuấn: “Anh kiểm tra và cho các đơn vị đăng ký sinh phẩm chẩn đoán đăng ký ngay nhé. Tạo điều kiện cho các đơn vị”.
Ngày 4/3/20220, ông Tuấn dự thảo quyết định trình ông Nguyễn Trường Sơn (cựu Thứ trưởng Bộ Y tế) ký cấp số đăng ký lưu hành tạm thời test xét nghiệm cho Công ty Việt Á.
Còn bị can Nguyễn Nam Liên khai, được lãnh đạo Bộ Y tế phân công cùng bị can Nguyễn Minh Tuấn thực hiện hiệp thương giá test với Công ty Việt Á, có sự tham gia của đại diện Bộ Tài chính.
Quá trình hiệp thương, ông Liên thấy hồ sơ của Bộ Y tế còn thiếu bảng chi tiết yếu tố hình thành giá; Công ty Việt Á cũng thiếu căn cứ tính giá theo quy định. Song ông Liên và đại diện Bộ Y tế không kiểm tra tính hợp lệ của chi phí cấu thành giá, mà chỉ yêu cầu Phan Quốc Việt giảm lợi nhuận định mức xuống 5%.
Sau đó, Liên trao đổi với Nguyễn Minh Tuấn và nhắn tin cho cựu Bộ trưởng Long báo cáo chốt giá cuối cùng là 470.000 đồng/test (giá này đắt hơn gấp 3 lần giá trị tính toán thực tế) và được ông Long phản hồi tin nhắn: “Ok”.
Khi Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn, đôn đốc; Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì kiểm tra giá hiệp thương, nguyễn Nam Liên tham mưu để Bộ Y tế thành lập Đoàn kiểm tra, do ông trực tiếp làm Trưởng đoàn.
Quá trình kiểm tra, Công ty Việt Á không cung cấp bổ sung hồ sơ, tài liệu phục vụ việc kiểm tra, xác định giá; đồng thời, đoàn kiểm tra cũng phát hiện một số vi phạm của Công ty nên tổ chức họp có ý kiến đề nghị xem xét rút số đăng ký lưu hành test xét nghiệm của Việt Á.
C03 cho rằng, ông Liên đã báo cáo kết quả kiểm tra với cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, nhưng không nhận được ý kiến chỉ đạo cụ thể.
Đến nay, Đoàn kiểm tra Bộ Y tế chưa ban hành kết luận kiểm tra để xác định chính xác giá test xét nghiệm...
Hai cựu Thứ trưởng có sai phạm nhưng không bị xử lý hình sự
Đối với cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, cơ quan điều tra cáo buộc ông này, biết test xét nghiệm là sản phẩm thuộc đề tài nghiên cứu do Bộ KH&CN giao Học viện Quân y chủ trì, là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước; các hồ sơ, tài liệu do Công ty Việt Á cung cấp không đầy đủ theo quy định.
Tuy nhiên, do tham mưu của Nguyễn Minh Tuấn, ông Sơn vẫn ký quyết định cấp số đăng ký lưu hành tạm thời test xét nghiệm cho Việt Á.
Sau đó, tuy test xét nghiệm vẫn thuộc quyền sở hữu của Bộ KH&CN, Bộ chưa có quyết định giao quyền sở hữu cho Việt Á nhưng vẫn theo tham mưu của Tuấn, ông Sơn đã ký quyết định cấp số đăng ký lưu hành chính thức cho doanh nghiệp.
Từ đó, Việt Á đã sản xuất, kinh doanh test xét nghiệm thu lợi trái phép, gây thiệt hại cho nhà nước, tổ chức, cá nhân.
C03 đánh giá, hành vi của ông Sơn có dấu hiệu của tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Kết quả điều tra xác định việc ông Sơn ký các quyết định trên không phải là nhiệm vụ thường xuyên; cựu Thứ trưởng cũng không thông đồng, thỏa thuận để làm lợi cho Việt Á, không được hưởng lợi, không có động cơ vụ lợi hay động cơ cá nhân khác.
Ông Sơn đã bị kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền, vì vậy, Bộ Công an không khởi tố bị can để điều tra.
Còn cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường cũng liên quan đến cấp số đăng ký lưu hành test xét nghiệm và kiểm tra giá hiệp thương.
C03 kết luận ông Cường có dấu hiệu né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho ông Nguyễn Thanh Long. Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định ông này không thông đồng, thỏa thuận để làm lợi cho Phan Quốc Việt và doanh nghiệp; không được hưởng lợi, không có động cơ vụ lợi hay động cơ cá nhân khác. Do đó, cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự.