Hà Nội thời bao cấp được tái hiện trong triển lãm

Cuộc sống của người dân thủ đô những năm 1945 - 1954 được khắc họa qua những món đồ quen thuộc như máy đánh chữ, điện thoại quay số, xe Minsk...

Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cùng Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và Bảo tàng Hà Nội tổ chức triển lãm Sống mãi với thủ đô. Trong ảnh là Minsk - một trong những mẫu xe được người dân Hà Nội ưa chuộng nhất. Minsk ra đời năm 1951 và được các chuyên gia Liên Xô đưa tới Việt Nam năm 1960.

Triển lãm giới thiệu gần 200 tài liệu, hình ảnh cũng như hiện vật về cuộc kháng chiến của quân dân Hà Nội từ 1945 - 1954. Nội dung của triển lãm gồm ba chủ đề chính: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập", "Hà Nội - 60 ngày đêm khói lửa (19/12/1946 - 17/2/1947)" và "Giải phóng thủ đô 10/10/1954". 

Triển lãm gồm khoảng 10 gian hàng. Trong hình là gian hàng trưng bày các hiện vật thời bao cấp trong cuộc sống thường nhật.

Người xem có thể bắt gặp những vật dụng quen thuộc trong gia đình khi xưa như bát sắt tráng men, mâm đồng, mâm gỗ, bi-đông...

Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam - một trong những khán giả xem triển lãm - tâm sự: "Tôi cảm nhận được giá trị to lớn từ từng đồ vật nhỏ nhất. Mỗi món đồ đem lại cho tôi một cảm xúc khác nhau. Ví dụ những chiếc cặp lồng gợi lại kỷ niệm về việc cầm tem phiếu đi xếp hàng. Đó là kỷ niệm về một thời thiếu thốn vật chất nhưng đầy tình thân thương, gần gũi".

Ông Lành - chủ một gian hàng - tâm sự: "Tôi rất yêu thích những kỷ vật về chiến tranh nên đã đi khắp nơi để sưu tầm suốt 22 năm qua. Lần này, tôi được mời tham gia trưng bày phục vụ công chúng để kỷ niệm ngày toàn quốc kháng chiến và giúp lớp trẻ hiểu hơn về lịch sử”. Trong ảnh, ông Lành ngồi trên một chiếc xe máy chuyên dùng trong sân bay của không quân Mỹ khi xưa.

Khi được hỏi về khó khăn khi tìm kiếm những món đồ xưa, nhà sưu tập ngoài 50 tuổi cười nói trở ngại lớn nhất là kinh tế. Ngoài ra, để có được những món đồ quý, ông còn phải di chuyển nhiều, không quản ngại mưa nắng, kể cả khi sức khỏe không tốt. "Nhưng là đam mê rồi nên tôi không ngại gì hết", ông nói.

Máy đánh chữ - món đồ quen thuộc với những người từng sống trong thời kỳ bao cấp.

Điện thoại quay số cũng gần gũi đối với cuộc sống của người dân Hà Nội những năm 1945 - 1954.

Triển lãm Ký ức Hà Nội mở cửa đến 3/1/2017. Khu trưng bày cổ vật xưa trưng bày đến Tết âm lịch Đinh Dậu. Sự kiện nhằm kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2016), 72 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 27 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân.

Theo Theo Vnexpress