Mới đây, báo Tiền Phong có phản ánh về loạt “xe cấp cứu dù” mang tên Hà Sơn, trong đó có cả xe biển xanh được “đặc cách” tại các một số bệnh viện ở Hòa Bình và Hà Nội. Đặc biệt, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, hãng xe này được độc quyền đón trả, “chặt chém” bệnh nhân, thậm chí còn có cả một phòng điều hành có tên: “Tổ điều hành xe cấp cứu 115” của hãng xe trong sân bệnh viện.
Ngay sau đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã có văn bản trả lời về các nội dung báo nêu. Theo đó, trước đây có hãng xe cấp cứu Hà Sơn ký hợp đồng với bệnh viện, nhưng mấy tháng nay bệnh viện không ký hợp đồng với hãng xe nào. Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình đã tổ chức đấu thầu để lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển cấp cứu, đảm bảo các điều kiện theo quy định và phù hợp với thực tế tại bệnh viện. Tuy nhiên, cả hai đơn vị tham gia dự thầu đều không đáp ứng được các yêu cầu về năng lực kinh nghiệm và không được xét trúng thầu. Tuy nhiên, lý do hãng xe cấp cứu Hà Sơn đơn vị vừa trúng thầu trước đó không đáp ứng được yêu cầu thì Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình không trả lời.
Bệnh viện này cũng cho biết, không quản lý Trung tâm điều hành 115 tại cổng bệnh viện; xe biển xanh 28M00029 dán nhãn Hà Sơn không thuộc biên chế của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Bà Lê Thị Thanh Hòa, Trưởng phòng quản lý ngành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình khẳng định: “Sở Y tế Hòa Bình chưa bao giờ cấp phép hoạt động cho xe cấp cứu vận chuyển người bệnh mang tên Hà Sơn”. Hòa Bình cũng chưa có điều kiện để thành lập trung tâm cấp cứu 115 nên đầu số 115 mà hãng xe cấp cứu dán vào chỉ để “mượn danh” chứ không tồn tại.
Tràn lan xe cấp cứu “dù” đội lốt
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) cho biết, hãng xe cấp cứu Hà Sơn chỉ đăng ký 1 xe cấp cứu nhưng thực tế tại Hà Nội hãng có 5, 6 xe đang hoạt động. Qua phản ánh của dư luận, chúng tôi cũng được biết, có hãng xe này hoạt động tại Hòa Bình nhưng Sở Y tế Hà Nội chỉ có thể kiểm tra xử lý xe cấp cứu đăng ký trên địa bàn Hà Nội.
Được biết, Hà Nội đang có 19 xe cấp cứu của các cơ sở đã được cấp phép. Việc các xe cấp cứu chạy thêm xe tiềm ẩn nhiều rủi ro, do nhân sự, trang thiết bị không được kiểm soát. Trong khi đây là loại hình vận chuyển đặc biệt, liên quan trực tiếp sinh mạng con người. Để kiểm soát xe cấp cứu, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản gửi UBND các quận, huyện, Sở GTVT, Công an Hà Nội đề nghị: Phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở cấp cứu này; Cung cấp cho các đơn vị liên quan biển số của các hãng xe cấp cứu đã đăng ký. Cảnh sát giao thông hoàn toàn có thể dựa trên BKS được cung cấp để xử lý.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm 2018 đơn vị đã tiến hành hậu kiểm theo kế hoạch 100 cơ sở phòng khám đa khoa nhưng chưa kiểm tra cơ sở vận chuyển cấp cứu nào.
Ông Trung cũng nhìn nhận, tuy loại hình này số lượng không nhiều nhưng gây hiệu ứng xã hội rất lớn nếu không quản lý chặt chẽ. Sau phản ánh của báo chí, Sở Y tế Hà Nội sẽ có kế hoạch thanh kiểm tra đột xuất một số cơ sở kinh doanh xe cấp cứu. Hướng xử lý theo Nghị định 176 của Chính phủ là nếu phát hiện hãng có số lượng xe vượt quy định, không đảm bảo yêu cầu về nhân lực, thiết bị y tế trên xe… cơ quan chức năng có thể thu hồi giấy phép.
Trong khi đó, đại diện hãng xe cấp cứu Hà Sơn phủ nhận sự liên quan với những chiếc xe ở Hòa Bình. Vị này cho rằng: “Chúng tôi liên kết với 1 đơn vị hoạt động tại Hòa Bình, chứ không trực tiếp hoạt động tại đây. Doanh nghiệp liên kết tự ý dán logo lên các xe, kể cả xe biển xanh mà không thông báo với công ty”.