Thành công và nhìn lại
Khu đi bộ quanh Hồ Gươm và phố cổ trùng với khu trung tâm lâu đời nơi đậm đặc các điểm thăm quan và nhiều dịch vụ-chuẩn mô hình quốc tế chứng tỏ sức sống mạnh mẽ được đánh giá không kém gì các phố đi bộ trên thế giới.
Ngoài việc đáp ứng nhu cầu giải trí về đêm, cung cấp không gian văn hóa mở đặc trưng cho một đô thị du lịch, chuyên gia du lịch TS. Trịnh Lê Anh, Giảng viên ngành Du lịch học ĐH KHXH&NV Hà Nội chỉ ra vai trò quan trọng của khu phố đi bộ này: giúp định hình trung tâm thủ đô. Đây là điều không lạ với người dân trong nước nhưng du khách nước ngoài không phải ai cũng biết.
Phát triển “kinh tế đêm” ở khu phố đi bộ cũng rất quan trọng. TS. Trịnh Lê Anh nói: “Mới chỉ phát triển được một phần, tức là còn 9 phần nữa chưa được khai thác. Chúng ta cần đầu tư nghiên cứu nhiều hơn để khai thác kinh tế văn hóa một cách văn minh. Vì không thể nào mang các di sản như chèo, tuồng… ra đường, cũng không thể bán đồ Trung Quốc hoặc các thứ hàng rẻ tiền không rõ xuất xứ đơn giản thế được”.
T.S Trịnh Lê Anh nhận định cả hai mảng kinh doanh chủ yếu là đồ lưu niệm và ẩm thực của phố đi bộ Hà Nội hiện nay “đều đang có dấu hiệu mai một tha hóa theo lối thực dụng”: “Một số hàng ăn phố cổ chục năm trước rất ngon thì từ khi có phố đi bộ chất lượng kém đi, thương mại hóa dần. Làm kiểu công nghiệp hóa phục vụ du khách, không còn trau chuốt, không còn tính đặc sản địa phương. Nên người Hà Nội giờ cũng ít lên phố cổ để ăn hơn”.
Ông Anh cũng cảnh báo nguy cơ mai này những hàng ăn truyền thống đó không có thế hệ kế tục mà sẽ bán thương hiệu kinh doanh: “Dấu hiệu mất văn hóa có thể ở chỗ này. Nhưng chính quyền không kiểm soát được vì nếu thế thành ra can thiệp hơi sâu”.
Bên cạnh đó các hoạt động biểu diễn nhất là nghệ thuật truyền thống cũng không được tấp nập như xưa, một phần do lượng du khách nước ngoài sụt giảm sau dịch bệnh. T.S Trịnh Lê Anh nhấn mạnh các hoạt động văn hóa phi vật thể cần phải được ưu tiên ở phố đi bộ. “Những không gian có tính thưởng thức cần được đầu tư, nếu không sẽ khó trở lại hoặc mất luôn. Một số CLB vẫn hoạt động thường xuyên trước dịch mà tôi biết chưa có kế hoạch mở lại. Giờ muốn thu xếp cho khách đi nghe một buổi ca trù ở Hà Nội cũng khó”, anh nêu.
Cân nhắc lợi-hại
Về khả năng mở các khu phố đi bộ mới ở Hà Nội, KTS. Lê Việt Hà đặt câu hỏi liệu đã có phân tích đánh giá các yếu tố đủ để chúng có thể tồn tại lâu dài, được người dân và du khách đón nhận. Và cần phải cân nhắc trường hợp phố đi bộ chỉ có lợi cho vài người mà gây thiệt hại cho nhiều người. “Có thật một nhu cầu đi bộ quanh hồ Thiền Quang hay dự án lại biến khu vực này thành một kiểu chợ đêm nhếch nhác, tủn mủn, rồi xả rác xuống hồ thì còn phản tác dụng”, anh cảnh báo.
KTS. Lê Việt Hà phân tích, khu trung tâm mật độ dân cao như phố cổ mới có thể ngăn xe để dành không gian cho người đi bộ. Khu vực hồ Thiền Quang là nơi có thể đi ô tô bình thường nếu ngăn lại thành cản trở giao thông. Đáng lưu ý ngay cạnh đó là công viên Thống Nhất- một không gian vốn sẵn phù hợp để vui chơi và đi bộ. Anh cũng cho rằng nên tạo thành xu hướng, văn hóa đi bộ hơn là chạy theo phong trào: “Thành phố nên phát huy công viên, vỉa hè là những không gian tự nhiên cho người đi bộ. Còn lại để cho đời sống, thị trường tự quyết định chỗ nào trở thành phố đi bộ”.
Ngay khu đi bộ phố cổ xét cho cùng nó vẫn hình thành từ nhu cầu nhiều người muốn đến đó tham quan và người dân ở đó muốn có thêm nhiều người ghé vào hàng quán của mình. Từ đó tạo nên một kiểu áp lực mềm để chính quyền để biến nơi đó thành khu đi bộ. “Trừ những khu đô thị mới được thiết kế quy hoạch những khu đi bộ ngay từ đầu thì các khu phố đi bộ phải xuất phát từ nhu cầu tự nhiên của đời sống. Nếu chỉ áp đặt sẽ không tồn tại được”, KTS Lê Việt Hà khẳng định.
KTS Lê Việt Hà vẫn muốn có những khu phố đi bộ không có rào chắn, cũng như giới hạn thời gian: “Như chợ cóc tự phát theo nhu cầu tự nhiên mình không dẹp đi mà uốn nắn cho sạch sẽ ngăn nắp hơn. Phố đi bộ cũng phải xuất phát từ khu vực người ta rất muốn đi bộ. Và nó phải tự nhiên đến mức có thể đi bộ hằng ngày, không chỉ cuối tuần”.
“Trừ những khu đô thị mới được thiết kế quy hoạch những khu đi bộ ngay từ đầu thì các khu phố đi bộ phải xuất phát từ nhu cầu tự nhiên của đời sống. Nếu chỉ áp đặt sẽ không tồn tại được”.
KTS Lê Việt Hà khẳng định
Chuyên gia du lịch Trịnh Lê Anh đồng tình với việc Hà Nội mở thêm các khu phố đi bộ: “Phố cổ hiện đang rất đông, có các khu khác có thể đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách cũng tốt. Có thể mô hình mới làm còn yếu, còn mày mò nhưng cứ phải cổ vũ đã. Thêm nhiều khu đi bộ để mọi người thấy Hà Nội có nhiều trung tâm cũng hay chứ”.
Với những khu vực chỉ có cảnh quan mà không sẵn vốn văn hóa bản địa gốc như phố Trịnh Công Sơn, ông Trịnh Lê Anh đề nghị cần có sự bàn thảo giữa các nhà văn hóa, kinh tế… để dựng lên một không gian văn hóa: “Nếu được đầu tư văn hóa xứng đáng, đến một lúc nào đó nó sẽ trở thành khu đi bộ đúng nghĩa. Phố Trịnh Công Sơn hoàn toàn có thể phát triển theo hướng đương đại, làm chỗ chơi cho giới trẻ”.
Có may mắn đi qua và thưởng ngoạn nhiều khu phố đi bộ ở nhiều nước, tôi cho rằng, những con đường hoặc phố phường sẽ có thể trở thành phố đi bộ nếu có những yếu tố cơ bản sau: nằm ở trung tâm thành phố có dấu ấn kiến trúc riêng biệt đặc trưng; có cây xanh hoặc nhà cao tầng hai bên che bóng mát hoặc nối liền với các công viên; có thể triển khai những nhà hàng hoặc gian hàng ăn uống mang dấu ấn địa phương; có những địa điểm mua sắm hấp dẫn và sinh động; đủ rộng và dài để tạo nên một không gian sống động, có thể tận dụng để tổ chức những hoạt động văn hóa ngoài trời vào những dịp đặc biệt; giao thông đến và đi thuận lợi; đảm bảo an toàn và an ninh cho người đi bộ”- chuyên gia du lịch Huỳnh Thu Dung (Hà Lan).
TS. Trịnh Lê Anh cho rằng Hà Nội đủ rộng để có thể hình thành nhiều phố đi bộ, với điều kiện mỗi phố nên có bản sắc riêng, chẳng hạn chuyên bày hoa, phố chuyên bán lụa… “Không phải cứ không sẵn vốn văn hóa gốc hoặc quá xa lạ với các hoạt động phố đi bộ mà ta ngại ngần,” anh khẳng định. “Mọi thứ có thể phù hợp khi nó đem lại giá trị kinh tế mới cũng như niềm tự hào mới cho dân địa phương”. Do đó cần lưu ý tránh tạo cảm giác phố đi bộ xa lạ với chính người dân tại chỗ, chẳng hạn thông qua chính sách ưu tiên tạo điều kiện để họ tổ chức kinh doanh dịch vụ cho phố đi bộ.
Ði bộ trong nghệ thuật
Du khách khắp nơi tìm đến Bờ Hồ, phố cổ ngoài để đi bộ, ăn uống, mua sắm- còn vì nơi đây có nhiều điểm dừng để thưởng thức nghệ thuật. Trong các dự án phố đi bộ tương lai, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn nhận định khu ẩm thực Tống Duy Tân- Cấm Chỉ có quy trình thực hiện tương đối bài bản với sự phối hợp của chính quyền và nhà tài trợ. Tới đây phần lòng đường sẽ được dành để đặt các bàn ăn công cộng. Du khách mua đồ từ các hàng quán và ngồi ăn tại đó.
“Quy hoạch và phân luồng khu đi bộ Bờ Hồ và phố cổ Hà Nội tạm ổn. Cư dân tỏ ra thích nghi và đồng thuận. Tuy nhiên cần có sự tham gia chủ động hơn của người dân sở tại để họ vừa có thêm sinh kế vừa bảo tồn những giá trị địa phương, tạo phần hồn cho phố đi bộ. Du khách sẽ thích thú hơn nếu thấy người dân tại chỗ tham gia kinh doanh, cung ứng dịch vụ hay được mời vào thăm nhà như một số nơi trên thế giới. Nó là yếu tố địa phương cần có thì phố cổ mình chưa. Người dân khá e dè khi khách thăm thú buổi tối hoặc đóng cửa trong nhà. Việc người dân chủ động tương tác với khách sẽ đem lại cho họ thêm niềm vui, niềm tự hào, gắn bó với nơi mình sống”. TS Trịnh Lê Anh
Vai trò của Nguyễn Thế Sơn ở khu phố đi bộ này là sắp đặt các tác phẩm nghệ thuật tương tác với những di sản kiến trúc sẵn có, tạo thành một tuyến đường tham quan cho công chúng. Khu này trước đây là xóm người Hoa chuyên hát kinh kịch, sau này trở thành khu tập thể đoàn tuồng. Chính vì thế họa sĩ có ý tưởng sẽ cho trưng bày các chân dung nghệ nhân tuồng, tổ chức biểu diễn tuồng kết hợp nghệ thuật đương đại…
Phố bích họa Phùng Hưng có vai trò đánh thức tiềm năng của đoạn đường dẫn lên cầu Long Biên mà Thế Sơn đánh giá cũng là một giá trị di sản kiến trúc. Đoạn đường dành cho tàu hỏa này vốn được dựng trên những vòm rỗng mà thành phố đã xây bịt lại và gần đây lại có ý tưởng đục thông tạo thành không gian mua sắm. Nhưng dự án này vẫn đang tiếp tục treo.
Có ý kiến cho rằng ngoài đập bỏ các bức tường bịt vòm cầu (có thể không đập bỏ hết 130 vòm cầu mà để cách quãng) còn có thể cơi nới thêm 2-3 tầng phía trên để tận dụng không gian này. Đồng thời giúp giảm tải trọng, không cho tàu hỏa vận tải chạy trên đường dẫn mà thay bằng tàu du lịch. “Như vậy thành phố nghiễm nhiên có một tuyến đường sắt trên cao đưa vào sử dụng luôn”, Thế Sơn nói.
Thêm một ý tưởng tận dụng cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật nối khu vực trưng bày nghệ thuật công cộng bãi Phúc Tân với không gian nghệ thuật 22 Hàng Buồm. Các họa sĩ có thể trang trí cho cây cầu trở nên sinh động hơn… Tuy vậy trong số các dự án này, chỉ mới Tống Duy Tân là có kinh phí và lộ trình thi công.