Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm ngoái tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp là 99,1%. Khối các trường THPT, không tính thí sinh tự do đạt tỉ lệ 99,45%, bằng so với năm học trước. Hà Nội đánh giá, một số trường có điều kiện khó khăn nhưng có nhiều cố gắng nâng cao kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Ví dụ như, trường THPT Bất Bạt, số học sinh trượt tốt nghiệp giảm từ 13 em xuống còn 3 em. Hay trường THPT Đại Cường số học sinh trượt tốt nghiệp từ 6 giảm xuống còn 2 em; Trường THPT Tân Lập từ 6 xuống không còn học sinh trượt tốt nghiệp…
Ông Lê Hồng Vũ, Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết, đánh giá chung, tỉ lệ tốt nghiệp của toàn TP đạt mức cao nhưng so với các địa phương vẫn còn thấp. Hà Nội chỉ xếp thứ 27/64 tỉnh/TP.
Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm ngoái, xét theo điểm trung bình từng môn thi có 41 trường tất cả các môn thi đều thấp hơn mức trung bình TP. Một số trường có tỉ lệ tốt nghiệp đạt 100% nhưng điểm các môn thi đều thấp.
Nhìn sâu hơn, trong số 842 thí sinh trượt tốt nghiệp có 167 thí sinh trượt do điểm liệt, thấp hơn so với năm học trước 43 thí sinh, nhưng lại tăng rất mạnh ở một số môn học rất khó bị điểm liệt. Môn Ngoại ngữ có 60 thí sinh bị điểm liệt tăng 45 học sinh so với năm học trước; môn Ngữ văn có 33 thí sinh bị điểm liệt tăng 12 thí sinh so với năm học trước. Kết quả bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên cũng đạt điểm khá thấp. Môn Sinh học điểm trung bình 4,63 điểm; môn Hóa học điểm trung bình 6,27 điểm.
Nỗ lực tăng tỉ lệ tốt nghiệp
Phân tích và lý giải bức tranh màu xám kể trên, lãnh đạo sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, về chủ quan, học sinh Hà Nội từ nhiều năm nay tham gia tuyển sinh ĐH bằng nhiều phương thức phù hợp với tính tự chủ của các trường, phù hợp với xu thế chung của thế giới, các phương thức này không phụ thuộc nhiều vào kết quả các bài thi trong Kỳ thi tốt nghiệp của học sinh. Do đó quan điểm chung của nhiều học sinh là chỉ cần vượt qua tốt nghiệp, không cần cạnh tranh, cố gắng để đạt điểm cao hơn.
Thứ 2 là số lượng học sinh Hà Nội dùng chứng chỉ Ngoại ngữ để tham gia xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH ngày càng tăng theo xu thế chung của thế giới. Năm 2019 chỉ khoảng 5.000 em có chứng chỉ ngoại ngữ nhưng đến năm 2022 hơn đã tăng lên 13.000 em. Nhiều học sinh có kết quả quy đổi từ chứng chỉ ngoại ngữ cao nên không đăng ký dự thi ngoại ngữ để lấy điểm xét tuyển.
Thứ 3 là Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh tham gia xét tuyển ĐH ở nhiều tổ hợp mới với lợi thế Ngoại ngữ, học sinh Hà Nội tập trung vào các tổ hợp có môn này như A01 (Toán, Lý, Anh), D01 (Toán, Văn, Anh),... và ít quan tâm tổ hợp các khối truyền thống như khối A, khối B, khối C, dẫn đến kết quả điểm thi một số môn rất thấp như môn Hóa, môn Sinh.
Ngoài ra, Hà Nội cũng thẳng thắn thừa nhận, công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá quá trình ôn tập, chuẩn bị cho thi tốt nghiệp chưa thực sự sát sao. Số học sinh bị điểm liệt các môn thi bắt buộc (Ngữ văn, tiếng Anh) cao hơn năm trước là có yếu tố chủ quan của mỗi nhà trường. Có tới 20% số trường tất cả các môn thi tốt nghiệp của học sinh đều thấp hơn mức trung bình chung, ngoài nguyên nhân đầu vào của học sinh thấp, thì chất lượng dạy và học là vấn đề rất cần quan tâm.
Từ thực tế đó, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường học tập trung ôn tập, trang bị kiến thức, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi diễn ra cuối tháng 6/2023. Đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lý cùng nâng cao trách nhiệm để đồng hành, hỗ trợ học sinh tốt nhất, quyết tâm nâng tỉ lệ, thứ hạng và phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của Hà Nội lên cao hơn.