Hà Nội nên mạnh dạn mở cửa

TP - Với việc đã tiêm phủ vắc xin COVID-19 đủ 2 mũi cho hơn 30% tổng dân số thành phố, nhiều chuyên gia cho rằng, thành phố Hà Nội nên mở cửa trở lại các dịch vụ trong trạng thái bình thường mới.
Chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần phải sớm mở cửa trở lại khi độ phủ vắc xin COVID-19 đã tăng cao. Ảnh: PV

Những ngày gần đây, anh N.V.M, chủ một cửa hàng ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) thường xuyên gọi điện cho người quen là phóng viên để nghe ngóng thông tin về các chỉ đạo mới của Hà Nội về việc mở cửa, nới lỏng các hoạt động dịch vụ trên địa bàn. Anh M, tâm sự, cửa hàng của anh đang mong ngóng ngày trở lại.

Để thuận tiện, anh cần có thời gian chuẩn bị về nguồn hàng, thuê người làm. “Mình chưa dám thuê người, vì sợ Hà Nội chưa cho mở lại, vừa tốn kém lại không được việc”, anh M, nói. Mong muốn của anh M, cũng là mong muốn của hàng nghìn người kinh doanh trên địa bàn thành phố. Chị H, chủ một cửa hàng cà phê trên phố Bà Triệu (Hà Nội) cũng cho rằng, hai vợ chồng chị đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, luôn chờ thông tin được bán hàng bình thường trở lại của thành phố.

“Người uống cà phê chỉ thích ngồi tại chỗ. Bán mang về không mấy người mua. Chúng tôi mong sớm được buôn bán bình thường để bù lại thời gian đóng cửa vừa qua”, chị H, nói, đồng thời cho rằng, nếu có mốc thời gian cụ thể theo dự kiến của thành phố, chị sẽ dễ bố trí thuê người làm, tìm nguồn hàng…

Theo tìm hiểu của phóng viên, tính đến ngày 9/10, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tiêm tổng số hơn 8,4 triệu mũi vắc xin phòng COVID-19, trong đó có gần 5,9 triệu người được tiêm mũi 1, đạt 97,9% dân số trên 18 tuổi và 71% tổng dân số Hà Nội. Số người được tiêm đủ 2 mũi vắc xin COVID-19 là hơn 2,5 triệu người, đạt 42,1% dân số trên 18 tuổi và 30,6% tổng dân số.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong chiều 11/10, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, với tỷ lệ tiêm vắc xin đạt được như trên, Hà Nội nên mở cửa các loại hình kinh doanh bình thường trở lại. “Chờ đợi đến bao giờ nữa?”, ông Nga đặt câu hỏi, đồng thời cho rằng, người dân đã được tiêm vắc xin đồng thời có ý thức tự bảo vệ mình, nên thành phố có thể yên tâm.

Ông Nga cho rằng, việc hạn chế một số hoạt động dịch vụ để phòng, chống COVID-19 ở Hà Nội không chỉ ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, vật chất mà còn ảnh hưởng đến cả đời sống tâm lý, tâm thần của người dân. “Nhiều người ốm đau mà không dám đi chữa bệnh. Người chết vì các bệnh khác cũng nhiều, chứ không phải chỉ có chết vì COVID-19. Nhiều bệnh còn đáng sợ hơn COVID-19”, ông Nga nói.

Cùng quan điểm với ông Nga, trao đổi với phóng viên Tiền Phong trước đó, một chuyên gia phòng, chống dịch ở Hà Nội cho biết, để gia nhập với xu hướng chung của thế giới, thành phố cũng không thể mãi đóng cửa. “Có nghĩa là khi mở cửa chúng ta sẽ phải chấp nhận có một tỷ lệ nhất định có thể bị nhiễm COVID-19.

Tuy nhiên, người đã được tiêm vắc xin và người chưa được tiêm sẽ khác nhau. Nghĩa là cần phải tính lợi ích từ hai phía. Cũng giống như Hà Nội có tiếp tục nới lỏng các hoạt động hay không khi vẫn xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng. Để có thể mở cửa rất cần sự đồng thuận của người dân cũng như từ phía chính quyền các cấp.

hàNếu có quyết tâm chúng ta vẫn có thể phát triển kinh tế và phòng chống dịch”, vị chuyên gia này nêu. Trao đổi với phóng viên Tiền Phong quanh vấn đề mở cửa trở lại khi tỷ lệ tiêm vắc xin cho người dân đã đạt mức cao, ngày 11/10, một lãnh đạo thành phố cho biết, thành phố đang họp bàn các giải pháp.

Để có thể mở cửa rất cần sự đồng thuận của người dân cũng như từ phía chính quyền các cấp. Nếu có quyết tâm chúng ta vẫn có thể phát triển kinh tế và phòng chống dịch.