Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ:

‘Hà Nội nên bỏ HĐND cấp quận khi thí điểm chính quyền đô thị’

TPO - Ông Nguyễn Tiến Dĩnh – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, với mô hình chính quyền đô thị, TP Hà Nội nên chọn phương án hai, đó là không tổ chức mô hình HĐND từ cấp quận huyện, phường xã.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ

PV - Trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, TP Hà Nội thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị đã phù hợp hay chưa, thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - Luật Tổ chức chính quyền địa phương nêu rõ mô hình tổ chức chính quyền phải phù hợp với đô thị, nông thôn, miền núi, hải đảo. Bởi mỗi vùng có đặc điểm riêng nên phải có mô hình riêng. Còn Hà Nội là đô thị đặc biệt nên rất cần tổ chức mô hình chính quyền đô thị.

Hiện Hà Nội đang xây dựng đề án mô hình chính quyền đô thị. Qua nghiên cứu một số nước có nền hành chính tiên tiến, TP Hà Nội đưa ra hai phương án khác nhau. Tôi cho các phương án Hà Nội đưa ra là phù hợp và cần triển khai lộ trình để thực hiện theo đúng Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Trong hai phương án Hà Nội đưa ra, cá nhân ông nghiêng về phương án nào hơn?

Đa số các đồng chí ở Hà Nội nghiêng về việc lựa chọn phương án một. Nhưng quan điểm của tôi, phương án hai là phù hớp nhất. Bởi trước đây chúng ta đã thực hiện như vậy ở 10 tỉnh thành và thấy rằng không tổ chức mô hình HĐND quận huyện, phường xã là phù hợp.

Nhưng với bộ máy hành chính đang ổn định như hiện nay, việc không tổ chức HĐND từ cấp quận, huyện đến phường xã sẽ động chạm đến rất nhiều cán bộ, công chức?

Hà Nội thấy rằng việc tổ chức theo phương án hai sẽ động chạm đến rất nhiều vấn đề, đặc biệt nó sẽ xáo động trong bộ máy hành chính.

Nhưng tôi cho rằng nếu đã làm thì nên làm theo phưng án hai. Nếu chúng ta quyết tâm làm và thấy nó cần thiết thì nên thực hiện theo phương án hai vì Hà Nội là đô thị đặc biệt. Còn nếu chúng ta cứ ngại động chạm, rụt rè không làm nó lại dẫn đến những vướng mắc khác.

Bởi thực tế thấy rằng cấp quận huyện chỉ là cấp trung gian. Nếu để cấp trung gian có HĐND như theo mô hình một thì vẫn có cái gì đó vận hành không thông suốt, nó vẫn có cái vướng.

Nhưng nếu không tổ chức HDND từ cấp quận huyện, đến phường xã nhiều người cũng lo ngại cử tri sẽ hạn chế kênh để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng?

Chúng ta có rất nhiều kênh để pháp huy dân chủ của nhân dân, trong đó có vai trò của thành phố, của các tổ chức chính trị xã hội. Chứ HĐND không phải là kênh duy nhất.

Trước đây, chúng ta vẫn đa phần phát huy dân chủ của nhân dân qua nhiều kênh gián tiếp, đại diện là HĐND và các tổ chức chính trị xã hội… Nếu không tổ chức HĐND cấp quận huyện, phường xã thì chúng ta cần tăng cường dân chủ trực tiếp. Nghĩa là nhân dân được tham gia đóng góp ý kiến và giám sát mọi chính sách, mọi vấn đề quan trọng của địa phương.

Dưới góc độ của cử tri, ông đánh giá thế nào về hiệu quả hoạt động của HĐND cấp quận huyện, phường xã hiện nay?

Trong Luật tổ chức chính quyền địa phương nêu vai trò HĐND trong tổ chức chính quyền địa phương là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, trong thực tiễn việc phát huy HĐND các cấp này rất hạn chế vì liên quan đến chức năng, nhiệm vụ. Cụ thể, có hai quyết đáp về phân bổ nguồn lực và chính sách, thì hầu như vai trò của HDNĐ các cấp này rất hạn chế, bởi cấp tỉnh thành đã làm thay…

Xin cảm ơn ông!

Hai phương án tổ chức chính quyền đô thị ở Hà Nội

Với phương án một, TP Hà Nội cân nhắc tổ chức chính quyền thành phố và chính quyền quận/huyện/thị xã về cơ bản cũng giữ nguyên như hiện nay gồm có HĐND và UBND. Về tổ chức chính quyền cấp xã/phường/thị trấn thì không tổ chức HĐND, chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND.

Phương án hai, TP Hà Nội cân nhắc tổ chức một cấp chính quyền (thành phố), 1 cấp hành chính (quận, huyện, thị xã) và 1 cơ quan hành chính đại diện (xã, phường, thị trấn).

Với phương án hai, tổ chức chính quyền thành phố là cấp chính quyền đầy đủ gồm HĐND-UBND như hiện nay. Tổ chức chính quyền quận, huyện, thị xã là một cấp chính quyền không đầy đủ, không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường; chỉ tổ chức cơ quan hành chính quận, huyện, thị xã theo thiết chế UBND.

Theo phân tích từ ưu điểm, cũng như hạn chế của 2 phương án nêu trên, tổ soạn thảo đề nghị trong thời điểm hiện nay, việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội sẽ thực hiện theo phương án một.