Theo quy trình, các cán bộ của Đội điều khiển đèn tín hiệu sẽ theo dõi qua màn hình ở trung tâm, quan sát và lưu lại hình ảnh phương tiện vi phạm tại các tuyến phố, nút giao ở Hà Nội. Căn cứ trên hình ảnh này, cảnh sát sẽ chụp và gửi kèm theo giấy báo nộp phạt về nhà để chủ phương tiện đến nộp phạt.
Để tìm chính xác địa chỉ chủ phương tiện, tổ công tác thuộc trung tâm điều khiển đèn phải xác minh thông tin liên quan qua dữ liệu trên hệ thống đăng ký, ngoài ra phối hợp với các trung tâm đăng kiểm và địa phương để làm rõ.
Liên quan đến trường hợp chây ỳ, hoặc xe không sang tên đổi chủ, không phối hợp xử lý, trung tá Huỳnh Tấn Nam, Đội trưởng Đội đèn tín hiệu giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, cho biết sẽ có biện pháp khác như: thông báo cho các đội tuần tra kiểm soát ở trên đường, khi thấy xe vi phạm sẽ chặn lại xử phạt. Ngoài ra, đội sẽ lập danh sách chủ xe vi phạm cố tình chây ỳ gửi lên Cục Cảnh sát phối hợp với các đơn vị đăng kiểm để xử lý.
Tại Trung tâm điều khiển, tổ công tác sẽ theo dõi và trích xuất dữ liệu của xe vi phạm, sau đó xác minh và gửi biên bản cùng các lỗi đã phân tích để mời chủ phương tiện lên làm việc. Ảnh: Bá Đô
Cũng theo trung tá Nam, việc sử dụng hình ảnh camera của cảnh sát để xử phạt nhằm góp phần nâng cao tính tự giác của người dân trong việc tham gia giao thông, ngoài ra hỗ trợ cảnh sát giảm bớt áp lực xử phạt cơ động trên đường, dành thời gian cho việc điều hành giao thông.
Hiện nay, tại Hà Nội đã lắp đặt gần 400 camera phục vụ công tác đảm bảo an toàn giao thông. Trong năm 2015, Phòng cảnh sát đã thí điểm việc xử phạt bằng hình ảnh phối hợp với tổ công tác làm nhiệm vụ trên đường, xử lý trên 2.000 trường hợp vượt đèn đỏ, đi sai làn.
Trong năm 2015, hình ảnh từ hệ thống camera đã phát hiện 2 vụ lái xe gây tai nạn giao thông sau đó điều khiển phương tiện bỏ chạy, thông báo cho các đội địa bàn để truy bắt.