Hà Nội giảm 17 phó giám đốc sở

TPO - Ban pháp chế HĐND TP Hà Nội vừa ban hành kết luận sau đợt khảo sát về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp TP Hà Nội năm 2017. Theo kết luận khảo sát biên chế của HĐND Hà Nội, thành phố đã giảm được 17 trên tổng số 82 phó giám đốc sở, ngành.    
Ban pháp chế HĐND TP Hà Nội vừa ban hành kết luận sau đợt khảo sát về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp TP Hà Nội năm 2017.

Không đề cập Sở có 8 phó giám đốc

Theo kết luận sau đợt khảo sát về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp TP Hà Nội năm 2017, 6 tháng đầu năm, thành phố tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế được 3 đợt với 269 trường hợp; xây dựng cơ chế đặc thù để khuyến khích tự nguyện tinh giản biên chế, báo cáo Chính phủ.

Cụ thể, theo Ban pháp chế, Hà Nội đã hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy 22 sở và tương đương. Sau sắp xếp, thành phố giảm được 17 trong tổng số 82 Phó giám đốc sở; tương tự là 26/182 trưởng phòng, 116/517 phó phòng.

Với các đơn vị sự nghiệp, Hà Nội giảm từ 401 xuống còn 208 đơn vị; tổ chức lại Quỹ đầu tư phát triển thành phố trên cơ sở hợp nhất 3 Quỹ; giảm số ban quản lý dự án trên địa bàn từ 70 xuống 41. Các Ban quản lý dự án thuộc thành phố cũng được giảm từ 26 xuống 5.

“Chỉ riêng việc sắp xếp lại các Ban quản lý dự án của thành phố đã giảm được 73 trong tổng số 108 phòng; giảm 177 trong số 308 trưởng phó đơn vị, phòng”, Ban pháp chế nêu.

Qua khảo sát, Ban pháp chế cũng chỉ ra những hạn chế trong thực hiện tinh giản biên chế như: tiến độ xây dựng đề án vị trí việc làm tại các đơn vị sự nghiệp chậm so với yêu cầu; việc thực hiện tinh giản biên chế còn gặp khó khăn... Cơ quan này kiến nghị thành phố tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích các đối tượng thuộc diện tinh giản biến chế; tiếp tục chuyển các đơn vị sự nghiệp sang tự chủ và sang mô hình cổ phần. 

Tuy nhiên, bản báo cáo này của Ban pháp chế đã không đề cập việc Sở Nội vụ Hà Nội có 8 Phó giám đốc, nhiều hơn 4 người so với quy định.

Một phòng có đến 16 phó trưởng phòng

Theo tìm hiểu, việc “lạm phát” chức danh cấp phó không chỉ ở Sở Nội vụ, ngay tại một số phòng ban thuộc Văn phòng UBND TP Hà Nội có thời điểm con số lãnh đạo phòng nhiều hơn, thậm chí gấp ba gấp bốn lần so số chuyên viên, nhân viên. Cụ thể, năm 2016, UBND TP Hà Nội đã tiến hành sát nhập các phòng ban chuyên môn thuộc Văn phòng UBND TP, chỉ riêng phòng Đô thị thuộc Văn phòng UBND TP Hà Nội có 1 trưởng phòng và đến 16 phó trưởng phòng, trong khi số chuyên viên của phòng này chỉ có 4 người. Tương tự, phòng Kinh tế vào thời điểm trên cũng có 1 trưởng phòng và 12 phó trưởng phòng, trong khi số chuyên viên chỉ là 3 người.

Lý giải về việc này, lãnh đạo phòng Đô thị cho biết, vào thời điểm trên, UBND thành phố đã sát nhập 3 phòng gồm Quy hoạch-Kiến trúc; Xây dựng-Giao thông; Tài nguyên-Môi trường thành phòng Đô thị. “Vào thời điểm sát nhập 3 phòng thành phòng đô thị có nhiều phó trưởng phòng là do các chức danh bổ nhiệm của các phòng cũ. Hiện tại đã thay đổi, hiện phòng Đô thị có 1 trưởng phòng và 3 phó trưởng phòng điều hành. Đối với các vị trí còn lại (các phó trưởng phòng - PV) được giữ lại hàm để hưởng chế độ lương trong 2 năm”, vị lãnh đạo phòng Đô thị phân tích. Cụ thể, hiện nay, Trưởng phòng Đô thị được đề bạt từ Sở Quy hoach-Kiến trúc; còn 3 phó trưởng phòng điều hành là từ 3 trưởng phòng trước đây.

Đối với Phòng Kinh tế, theo lý giải, trước đây phòng này cũng được lập trên cơ sở sáp nhập từ ba phòng gồm: Công thương, kinh tế, NN&PTNN. “Phòng Kinh tế được sáp nhập từ ba phòng nên thời điểm ban đầu có nhiều phó phòng. Tuy nhiên, hiện tại phòng cũng chỉ có 1 trưởng phòng, 3 phó trưởng phòng phụ trách điều hành. Các chức danh phó còn lại chỉ là hàm và chỉ có trong vòng hai năm”, vị cán bộ cho hay.

Trong khi đó, trao đổi với PV, ông Phạm Quý Tiên, Chánh văn phòng UBND thành phố Hà Nội cho biết, sau hợp nhất, sáp nhập nhiều phòng ban, có một số Ban thuộc UBND thành phố đang có số lượng Phó nhiều. Tuy nhiên, theo ông Tiên, đây chỉ là số lượng Phó ban trên danh nghĩa, trong thực tế, mỗi Ban/phòng thuộc UBND thành phố chỉ có một trưởng ban/trưởng phòng và 3 Phó ban/phòng điều hành. Các phó ban/phòng còn lại chỉ mang hàm trên danh nghĩa, không làm điều hành chỉ đạo trực tiếp mà chỉ làm công tác như chuyên viên bình thường. Hết 24 tháng kể từ thời điểm sáp nhập, hợp nhất phòng ban, nếu không bố trí được làm lãnh đạo điều hành thì số phó ban/phòng này sẽ trở về làm chuyên viên. “Nhập các phòng ban phải có thời gian, nên thành phố vẫn bố trí giữ lại chức danh. Văn phòng UBND thành phố là đơn vị đầu tiên thực hiện sáp nhập, thu gọn các đầu mối, sau khi sáp nhập cần có thời gian để tránh cho anh em tâm tư, cụ thể là 24 tháng từ khi sáp nhập. Những việc này Hà Nội cũng đã báo cáo lên Trung ương”, ông Tiên cho biết. 

Liên quan vấn đề này, TS Ngô Thành Can, Phó trưởng khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự (Học viện Hành chính Quốc gia) cho rằng, trước đây số lượng cấp phó của Hà Nội nhiều, người ta lý giải là do mới mở rộng địa giới hành chính nên cần phải có một giai đoạn chuyển tiếp. Nhưng giờ thì phải thực hiện nghiêm chứ không thể để xảy ra tình trạng “lạm phát” cấp phó được.