Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện UBND xã Dương Liễu cho biết, tình hình các hộ sản xuất củ dong, sắn đang xả thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm, tắc nghẽn cống rãnh ngầm khu dân cư diễn ra nhiều năm nay. Gần như không thể khơi thông vì quá tốn kém chi phí. UBND xã đã tổ chức tuyên truyền, mời các hộ sản xuất ký cam kết. Tuy nhiên, các hộ không chấp hành. “Với quy mô số lượng tới 1.000 tấn dong thải ra môi trường/ngày khiến ô nhiễm ngày càng trầm trọng, cử tri kiến nghị liên tục nhưng vẫn chưa có giải quyết triệt để”, đại diện xã nói.
Lãnh đạo UBND huyện Phú Xuyên thừa nhận, chất thải làng nghề đang trở thành tác nhân của ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí... Tình trạng này sẽ gây ra những hệ lụy lâu dài cho môi trường và sức khỏe của người dân, các cấp, ngành chức năng cần sớm có giải pháp hữu hiệu. Huyện đã yêu cầu các xã có làng nghề ký hợp đồng với đơn vị thu gom, tuy nhiên giá xử lý cao nên tình trạng chôn lấp trộm vẫn diễn ra. Thời gian tới, huyện Phú Xuyên kiến nghị di chuyển những cơ sở ô nhiễm từ khu dân cư vào các cụm công nghiệp (CCN) có hệ thống xử lý thải mới giải quyết dứt điểm được việc này.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội thông tin thêm: Theo kết quả điều tra, khảo sát, lấy mẫu và phân tích nguồn nước tại 292 làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội, từ năm 2017-2020, có 139 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 95 làng nghề ô nhiễm, 58 làng nghề không ô nhiễm về nguồn nước, tỷ lệ nước thải làng nghề được thu gom, xử lý chỉ chiếm khoảng 5,2%.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, nước thải của số ít làng nghề được chuyển đến CCN làng nghề có hệ thống xử lý nước thải, còn phần lớn đều xả thẳng ra môi trường với độ ô nhiễm ở mức rất cao mà không qua bất cứ hệ thống xử lý nào.
Cứu cánh xử lý ô nhiễm làng nghề
Một giải pháp kiên quyết để giải quyết vấn đề môi trường, an toàn thực phẩm là đưa các hộ sản xuất ra khỏi các cụm dân cư. Từ đầu năm 2012, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định thành lập CCN làng nghề xã Dương Liễu với quy mô 12,05ha theo hình thức đầu tư xây dựng mới. Với định hướng công nghiệp. xanh, sạch; hệ thống thu gom nước thải và hệ thống thu gom nước mặt tách rời; bố trí địa điểm tập kết, thu gom chất thải: chất thải công nghiệp, rác thải…
Chủ đầu tư CCN làng nghề xã Dương Liễu cho biết, khi hoàn thành CCN, đơn vị ưu tiên mời và ký hợp đồng trước với các sản xuất trong làng nghề truyền thống của địa phương, sau mới đến các doanh nghiệp bên ngoài. Hiện, CCN đã ký hợp đồng thuê 100% với các nhà đầu tư thứ phát, một số chưa xây dựng do nhà đầu tư thứ phát đang làm thủ tục cấp sổ đỏ theo Nghị định 69 của Chính phủ.
Ông Phùng Bá Nhân - Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Hoài Đức cho biết, cùng với nâng cao nhận thức của người dân làng nghề, huyện đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư mở rộng CCN Dương Liễu - giai đoạn 2 với quy mô khoảng 17ha để di chuyển các cơ sở sản xuất tại 3 xã: Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế vào khu tập trung; đồng thời trình thành phố 2 dự án xử lý nước thải tại xã Cát Quế và Yên Sở. Riêng đối với dự án CCN Dương Liễu, dự án cơ bản đã lấp đầy trên 80%, nhà đầu tư đăng ký đã đạt 100%.