> Bất động sản Hà Nội đìu hiu
> Thay một lô đất bằng hai triệu đồng!
Dân dài cổ chờ
Nhiều người dân ở xã Vân Canh huyện Hoài Đức - Hà Nội cho biết, có quyết định phân đất dịch vụ từ năm 2008 đến nay nhưng vẫn chưa biết khi nào mới được làm nhà trên mảnh đất ấy. Nơi quy hoạch đất dịch vụ để hoang cho cỏ mọc, hạ tầng ngổn ngang. UBND huyện Hoài Đức cho hay,
Nhu cầu về đất dịch vụ toàn huyện là 300 ha nhưng mới chỉ giải phóng mặt bằng được 157 ha. Ba xã có đất dịch vụ nhiều nhất là An Khánh, Vân Canh và Lại Yên. “Dân kiến nghị nhiều nhưng biết làm sao khi động vào đâu cũng vướng” - một cán bộ của huyện Hoài Đức nói.
Trưởng ban giải phóng mặt bằng huyện Mê Linh Đào Trọng Phú, than rằng rất khổ mỗi khi phải tiếp xúc với dân về giải phóng mặt bằng. “Câu đầu tiên mà người dân hỏi là bao giờ trả đất dịch vụ cho dân”- ông Phú chia sẻ. Riêng huyện Mê Linh hiện phải trả cho dân bằng đất thịt (đất có hạ tầng - PV) lên tới 45 ha, do thu hồi đất nông nghiệp làm dự án. Việc chậm giải quyết đất dịch vụ cho dân một phần do thiếu hướng dẫn cụ thể của thành phố. Khu vực bị thu hồi đất nông nghiệp nhiều nhất là các xã Tiền Phong, Mê Linh, Quang Minh, Thanh Lâm...
Thất hứa
Ông Nguyễn Trọng Thọ - Trưởng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức giải thích, chậm chia đất dịch vụ cho dân vì trước đây thành phố giao cho xã làm chủ đầu tư, nhưng năng lực của cán bộ xã quá yếu và nhất là do nguồn vốn đầu tư hạ tầng thiếu trầm trọng. Huyện đang rà soát lại các dự án để đề nghị thành phố ứng vốn hoặc triển khai qua trung tâm phát triển quỹ đất. Phương án huy động vốn từ dân không khả thi vì người dân không có khả năng về tài chính. Huyện đang giao cho các cơ quan chức năng để đề xuất với thành phố phương án ứng vốn do ngân sách huyện không đủ khả năng. Tổng vốn đầu tư hạ tầng các khu đất dịch vụ trên địa bàn Hoài Đức hiện cần khoảng 3.000 tỷ đồng.
Theo quy định huyện Hoài Đức được sử dụng 30% trong số tiền sử dụng đất thu được. Tuy nhiên riêng 3 doanh nghiệp lớn về lấy đất Hoài Đức làm dự án là Tập đoàn HUD, Cty Thăng Long 9 và Cty T&T vẫn đang nợ tiền sử dụng đất 740 tỷ đồng! Trong khi đó, tại huyện Mê Linh, địa phương này đang chờ thống nhất cụ thể về quy hoạch vì nhiều dự án đất dịch vụ được xác định vị trí từ trước khi có Quy hoạch chung được duyệt. Nhằm khắc phục tình trạng chậm cấp và đưa đất dịch vụ vào khai thác, sử dụng, gây lãng phí lớn, ông Bùi Xuân Sách - Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng kiến nghị phải làm hạ tầng ngay từ khi có quyết định, nếu để lâu kinh phí phát sinh rất khó làm. Ngoài ra, phải có tư vấn-quy hoạch tốt, doanh nghiệp mạnh tham gia làm hạ tầng, sẵn sàng thay các nhà thấu nếu không đủ năng lực.
Thực hiện Nghị định số 17/2006 và NĐ 84/2007 của Chính phủ, tỉnh Hà Tây trước đây đã thực hiện giao đất dịch vụ cho dân khi thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện dự án. Diện tích đất dịch vụ mà người dân được hưởng tương đương khoảng 10% diện tích bị thu hồi.