GS.TS Nguyễn Văn Minh nhắn nhủ với hơn 1.300 tân cử nhân sư phạm

TPO - Hôm nay, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức lễ tốt nghiệp cho trên 1.300 tân cử nhân. Trong số này, có rất nhiều các nhà giáo tương lai. 

Đợt này, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có 1.309 sinh viên tốt nghiệp, trong đó có 264 sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc. Trịnh Quang Thạch, khoa Địa lý là thủ khoa toàn trường với điểm tích lũy toàn khóa 3.98/4.0 điểm.

Phát biểu tại buổi lễ, GS. TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ đây là khóa cuối cùng thầy tiễn các em ra trường trên cương vị thầy làm Hiệu trưởng.

Chính vì vậy, GS Minh đã dặn dò, gửi gắm rất nhiều thông điệp đến những tân nhà giáo tương lai.

Đại diện sinh viên tốt nghiệp tặng hoa GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Nhà trường như một lời tri ân sau 4 năm học tập

"Hôm nay, thầy sẽ không dặn dò các em về những điều xa xôi, cũng không dám nói nhiều về những thành tựu của công nghệ. Vì thầy tin rằng, thế hệ các em có nhãn quan quãng đại hơn, nắm bắt và hiểu biết hơn thế hệ của thầy về nhiều thành tựu mà loài người mang đến. Thầy muốn nhắn nhủ các em về lẽ sống và bản lĩnh", ông Minh nói.

Theo ông, lẽ sống của mỗi nhà giáo được bắt đầu từ những điều trăn trở nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống. Có đáng suy ngẫm không khi ai đó dắt tay bà cụ sang đường như là biểu tượng của việc làm tử tế, mà lẽ ra đó là việc bình thường của một con người tử tế. Hay có nặng lòng không khi trẻ đến trường như một sự sợ hãi, lo âu?...

Hạnh phúc bên người thân

"Hãy nhớ rằng giáo dục là để mỗi người được lớn lên theo những gì họ có và làm một việc tốt như là lẽ tự nhiên của mỗi con người.. Hãy nhớ rằng, cháy rừng có thể chỉ bắt đầu bằng một đốm lửa nhỏ nhoi… Thầy mong muốn các em hãy đi đến tận cùng của cuộc sống, chạm đến đáy sâu tâm can của những kiếp người để không thờ ơ và trở thành vô cảm, để những gì chân chính trội lên", GS Nguyễn Văn Minh chia sẻ.

Đồng thời cho rằng học sinh là lẽ sống của mỗi người thầy.

Những khoảnh khắc bên bạn bè

Thiếu vắng tình yêu thương, sống ở đời đã khó, làm nghề giáo còn khó gấp nhiều lần. GS Nguyễn Văn Minh mong các thầy cô giáo tương lai hãy dạy cho trẻ biết thương cha thương mẹ, biết sẻ chia với những phận đời không may mắn và vị tha với những lỗi lầm. Rồi sau đó mới dạy trẻ những tình yêu lớn lao hơn thế.

Nhà giáo hãy là người bảo vệ tuổi thơ cho trẻ. Đừng để việc học đánh mất sự ngây thơ của trẻ.Thêm một nhúm kiến thức không trở thành người nổi tiếng, bồi đắp thêm tình yêu thương với con người, với thiên nhiên, làng xóm là bệ phóng của tương lai.

GS Minh cho rằng nhà giáo sẽ là người đi tạo dựng niềm tin. Niềm tin không đến từ những lời hoa mỹ, phô trương; không đến từ sách vở đơn thuần. Niềm tin phải được bắt đầu từ cách ứng xử và việc làm. Sức mạnh của giáo dục là cảm hóa và phải bắt đầu từ cảm hóa chứ không phải bắt đầu bằng trừng phạt, hành hình. Cảm hóa bắt đầu bằng tình yêu thương và tha thứ; bằng những thấu hiểu để chạm đến con tim, để khơi lên gốc sâu của lòng trắc ẩn.

Để đáp lại những chia sẻ, dặn dò của thầy Hiệu trưởng, Trịnh Quang Thạch, tân thủ khoa toàn trường cho biết gần bốn năm trước, từ mảnh đất miền Trung đầy nắng và gió, cậu sinh viên Đà Nẵng năm nào đã không ngần ngại, sẵn sàng chấp nhận những thử thách để bước đến vì những điều cao đẹp, đó là lựa chọn mái Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội để nuôi dưỡng ước mơ trở thành một người thầy dạy Địa lý. “Tại sao em lại lựa chọn học sư phạm?” Đó là câu hỏi mà Thạch cho rằng chắc hẳn các bạn đồng trang lứa đã từng được nghe qua. Với bản thân em, câu trả lời đó là em được truyền cảm hứng.

Thạch tin rằng bốn năm học tập và rèn luyện dưới mái trường Đại học Sư phạm Hà Nội tuy không phải một chặng đường dài, nhưng đủ để mỗi sinh viên trưởng thành và nhận thức được giá trị của bản thân mình.