GS, PGS được phong tăng vọt trước thời điểm áp tiêu chuẩn mới

TP - Ngày 31/1 và 1/2 vừa qua, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đã xét duyệt, bỏ phiếu tín nhiệm 1.226 ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017. Con số này tăng 1,74  lần so với năm 2016 và 2,35 lần so với năm 2015. 
Lễ phong tặng chức danh GS, PGS năm 2016. Năm nay không có lễ vinh danh các tân GS, PGS như mọi năm. Ảnh : Nghiêm Huê.

 Đáng chú ý, lượng GS-PGS được phong tăng một cách đột biến vào thời điểm khá “nhạy cảm”, ngay trước khi tiêu chuẩn xét duyệt giáo sư, phó giáo sư thay đổi theo chiều hướng siết chặt hơn trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, năm 2017, số ứng viên nộp hồ sơ là 1.537, trong đó có 151 ứng viên giáo sư và 1.386 ứng viên phó giáo sư. Qua ba cấp xét duyệt,  tổng số ứng viên đạt là 1.226 /1.537 hồ sơ (đạt 79,76%), trong đó ứng viên giáo sư là 85 (56,29%), ứng viên phó giáo sư là 1.146 (82,68%). Số ứng viên năm nay có tuổi đời trung bình trẻ hơn các năm trước.  Với giáo sư độ tuổi trung bình 55 (năm 2016 là 57) và phó giáo sư là 45 (năm 2016 là 44). 

Ứng viên giáo sư trẻ nhất năm 2017 là Phạm Hoàng Hiệp (Viện Toán học, Viện HLKH&CNVN), 35 tuổi (sinh 01/03/1982), ngành Toán học; kỷ lục giáo sư trẻ nhất Việt Nam  cho đến hết năm 2016 là 37 tuổi;  Ứng viên phó giáo sư trẻ nhất năm 2017 là Đỗ Đức Thuận (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), 32 tuổi (sinh 28/9/1985), ngành Toán học; kỷ lục phó giáo sư  trẻ nhất VN cho đến hết năm 2016 là 28 tuổi.

Trao đổi với Tiền Phong về nguyên nhân của việc số lượng giáo sư, phó giáo sư năm nay tăng mạnh so với năm 2016, GS Trần Văn Nhung, Tổng  thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước cho biết :  Do thời gian hết hạn nộp  hồ sơ tăng lên gần gần 6 tháng so với năm 2016 (năm nay là 05/11, năm 2016 là 25/5); mặt khác, có thể các ứng viên mong muốn được xét theo quy định hiện hành trước khi có sự thay đổi về tiêu chuẩn chức danh.

Theo nhận định của GS Trần Văn Nhung, số lượng năm nay tăng lên và chất lượng cũng cao hơn năm 2016. Thứ nhất là số lượng bài báo công bố quốc tế trên các tạp chí ISI, Scopus  tăng lên, năm 2017 là 5.316 bài, trong đó Vật lý 1.177, Hóa học-Công nghệ thực phẩm 1.027, Y học 674, Sinh học 597,... Ứng viên một số ngành khoa học xã hội và nhân văn cũng đã có bài báo đăng trên các tạp chí ISI và Scopus, cụ thể: Kinh tế 102, Triết học-Xã hội học-Chính trị học 14...

Thứ hai là độ tuổi trung bình của các ứng viên trẻ hơn so với các năm trước.  Thứ ba là những ứng viên trực tiếp giảng dạy tại các trường ĐH tăng lên, giảng viên thỉnh giảng giảm xuống.

Thứ tư là năng lực tiếng Anh của các ứng viên tốt hơn các năm trước, nhất là các ứng viên trẻ, các ứng viên được đi du học theo Đề án 322, Đề án 911 của Chính phủ, ứng viên của các cơ sở giáo dục đại học có hợp tác quốc tế hiệu quả. Tuy nhiên, GS. Trần Văn Nhung cũng khẳng định ở một số hội đồng, năng lực ngoại ngữ nhất là tiếng Anh của các ứng viên còn hạn chế.

Số ứng viên nữ cũng tăng lên, trước đây thường 25%, năm nay là trên 28%, đồng thời số lượng ứng viên làm việc tại Hà Nội và  TPHCM cũng tăng lên.

Trước câu hỏi năm nay liệu có phải là “chuyến tàu vét”, GS Trần Văn Nhung cho rằng đây không phải là “chuyến tàu vét” mà là “chuyến tàu khởi hành” thời gian chậm hơn nửa năm nên số người  lên tàu nhiều hơn. “Tôi khẳng định đây không phải là cố tình chậm để vét, vì phải đủ chất lượng mới được lên tàu. Chất lượng vẫn đảm bảo như quy định hiện hành” - GS Trần Văn Nhung ví von.

 Áp dụng tiêu chí mới, chắc chắn nhiều người trượt

Trong khi đó, PGS Nguyễn Ngọc Châu, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho rằng, thời điểm này chỉ còn 1 năm nữa sẽ áp dụng tiêu chuẩn mới phong chức danh GS, PGS nên có thể giải thích được lý do vì sao số lượng ứng viên tăng mạnh. “Với quy định mới, ứng viên GS, PGS phải có ít nhất 1-2  bài báo công bố quốc tế, đây sẽ là một cản trở rất lớn đối với nhiều người.” - PGS Nguyễn Ngọc Châu khẳng định.  Chính vì vậy, PGS Nguyễn Ngọc Châu cho rằng số lượng  người  đăng ký năm nay  tăng cũng là điều dễ hiểu. Vì nhiều ứng viên năm nay áp dụng quy định hiện hành thì đạt còn theo tiêu chuẩn  mới thì sẽ bị loại.

PGS Nguyễn Ngọc Châu cũngtiết lộ, ông có lẽ là một trong những trường hợp đặc biệt nhất của Việt Nam khi  xét duyệt đến lần thứ 9 vẫn không được phong giáo sư vì “quyền lực mềm”. “Phần cứng tôi hoàn toàn đủ thậm chí thừa, nhưng trượt ở vòng bỏ phiếu” - PGS Nguyễn Ngọc Châu cho hay.  Tuy nhiên, ông vẫn lạc quan và cho biết mình tiếp tục theo đuổi, đồng thời sẽ vẫn góp ý những gì chưa được để mong thay đổi tốt hơn. “Tôi cho rằng, với tiêu chí mới, ứng viên phải có 1, 2 bài báo khoa học đăng trên tạp chí ISI và Scopus là một sự cố gắng của Việt Nam. Chỉ cần tiêu chí này cũng loại được khoảng 70%  ứng viên không đạt yêu cầu. Con số 70% này là đối với  khoa học tự nhiên, còn khoa học xã hội thì còn nhiều hơn” – PGS. TS Nguyễn Ngọc Châu cho hay.

Ông cũng khẳng định, hàng năm, số lượng bài báo quốc tế của các giáo sư, phó giáo sư có tăng. Nhưng chỉ ở một số người và tập trung vào những ứng viên trẻ. “Tôi nghĩ, số người có bài báo trên ISI và Scopus được xét duyệt đợt này không nhiều, con số có thể chỉ dưới bán.” - PGS Nguyễn Ngọc Châu khẳng định.

“Tôi cho rằng, với tiêu chí mới, ứng viên phải có 1, 2 bài báo khoa học đăng trên tạp chí ISI và Scopus là một sự cố gắng của Việt Nam. Chỉ cần tiêu chí này cũng loại được khoảng 70%  ứng viên không đạt yêu cầu. Con số 70% này là đối với  khoa học tự nhiên, còn khoa học xã hội thì còn nhiều hơn”.          PGS Nguyễn Ngọc Châu

 

Theo báo cáo của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, năm 2017, số ứng viên nộp hồ sơ là 1.537, trong đó có 151 ứng viên giáo sư và 1.386 ứng viên phó giáo sư. Qua ba cấp xét duyệt,  tổng số ứng viên đạt là 1.226 /1.537 hồ sơ (đạt 79,76%), trong đó ứng viên giáo sư là 85 (56,29%), ứng viên phó giáo sư là 1.146 (82,68%).