GS Hồ Ngọc Đại nói gì khi sách giáo khoa bị loại ngay từ vòng thẩm định

TP - Khi biết thông tin bộ sách Tiếng Việt, Toán 1 bị loại từ vòng đầu, GS Đại bày tỏ sự không phục cũng không sửa bộ sách để thẩm định lại, ông cho rằng “Phần việc của tôi đã xong, hiện giờ là của xã hội”.
SGK của GS Hồ Ngọc Đại được dạy học 40 năm và qua 3 lần thẩm định

Ngày 23/9, Trung tâm Công nghệ giáo dục gửi bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vì sách giáo khoa (SGK) của GS Hồ Ngọc Đại bị Hội đồng quốc gia thẩm định SGK loại ngay từ vòng 1.

Trong văn bản kiến nghị của Trung tâm Công nghệ giáo dục do PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào ký trình Thủ tướng nêu rõ, Bộ GD&ĐT đã tổ chức thẩm định sách giáo khoa mới phục vụ cho công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, trong đó có sách tiếng Việt 1 và Toán 1 của Trung tâm Công nghệ giáo dục, do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên.

Tuy nhiên, bộ sách đã bị đánh giá “không đạt” ngay từ vòng đầu, theo biên bản của Hội đồng thẩm định. Cán bộ Trung tâm bày tỏ mong muốn Thủ tướng “quan tâm vì sự nghiệp chung” bởi kết luận của Hội đồng quốc gia thẩm định làm cho cán bộ của trung tâm cùng nhiều giáo viên và phụ huynh ở 48 tỉnh thành thắc mắc, bức xúc, thậm chí hoang mang.

Trung tâm Công nghệ khẳng định: “Ý kiến của Hội đồng thẩm định chỉ là những đánh giá trên lý thuyết, theo các tiêu chí cứng nhắc trong khi bộ sách Công nghệ giáo dục đã được thẩm định nhiều lần và được kiểm chứng trong thực tiễn”.

Đại diện cán bộ Trung tâm Công nghệ giáo dục cũng đã gửi ý kiến tới Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ bày tỏ ý kiến không đồng tình với đánh giá “không đạt” của Hội đồng. Điểm lại con đường 41 năm thực nghiệm thực tế, Trung tâm khẳng định, sách Công nghệ giáo dục đã được hình thành và định hình trong quá trình nghiên cứu và thực nghiệm lâu dài (trên 40 năm) từ ý tưởng khoa học đến những quan điểm giáo dục có tính lý luận, triết lý - đã thành một phương án giáo dục mới ở tiểu học. Đến nay, những quan điểm đó đã được áp dụng khá rộng rãi như quan điểm lấy học sinh là trung tâm, học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui, đi học là hạnh phúc, học sinh học tập đảm bảo an toàn, đạt chất lượng cao.

Số liệu cụ thể cho thấy đây không chỉ là một tài liệu được thí điểm, thực nghiệm một quá trình dài trên thực tế mà nó còn được thẩm định, đánh giá nhiều lần. Năm 1990, hội đồng cấp Nhà nước nghiệm thu, đánh giá tốt và kiến nghị Bộ cho phép triển khai ở cả những vùng có điều kiện. Năm 1994, dự án một lần nữa được đánh giá, nghiệm thu “Đây là dự án triển khai tốt, có hiệu quả, nhằm đưa nền giáo dục tiểu học của nước ta tiếp cận trình độ của khu vực và thế giới”.

Gần đây nhất, cách đây chưa đầy 2 năm, bộ sách Tiếng Việt 1- Công nghệ một lần nữa được Hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định lại, đánh giá tốt.

Bản kiến nghị khẳng định: “Bộ sách này không giống sách cải cách giáo dục được triển khai rộng rãi trên phạm vi cả nước năm 1981, không giống sách của chương trình tiểu học năm 2000 được triển khai rộng rãi năm 2002, mà góp phần tích cực làm lành mạnh và phát triển giáo dục tiểu học trong thập niên 90 của thế kỷ trước cũng như giai đoạn từ năm 2006-2007 đến nay. Bộ sách này không phải bộ sách cần thay bằng bộ sách mới như sách cải cách hay sách của chương trình tiểu học năm 2000 mà là bộ sách mới được cuộc sống lựa chọn sử dụng”.

Hội đồng thẩm định không nên cứng nhắc

Trao đổi với Tiền Phong, chiều ngày 23/9, GS Hồ Ngọc Đại cho rằng: “Phần việc của tôi đã xong, hiện giờ là của xã hội”. Trước đó, sau khi biết thông tin bộ sách Tiếng Việt, Toán 1 bị loại từ vòng đầu, GS Đại bày tỏ sự không phục cũng không sửa bộ sách để thẩm định lại. Ông cho rằng, cả đời dạy học và nghiên cứu của ông chỉ dành để nghiên cứu về tiểu học. Ông coi tiểu học là nền tảng của đời người, do đó bộ sách cũng là sản phẩm khoa học duy nhất đến ngày hôm nay.

Ông Phùng Quốc Lập, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ cho biết, địa phương hiện áp dụng dạy học cho 100% trường tiểu học dạy sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ. Trong quá trình thực hiện, địa phương nhiều lần tổ chức hội thảo tổng kết, đánh giá, ghi nhận giáo viên rất thích dạy theo sách của GS Đại, Sở cũng nhận thấy bộ sách có những ưu điểm như: Học sinh không tái mù chữ, học xong hiểu rõ về ngôn ngữ, ít khi sai chính tả…

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hà Nội cho rằng: “Không thể phủ nhận những ưu điểm của sách Tiếng Việt 1- Công nghệ của GS, tuy nhiên, trong chương trình mới, có thể có những quan điểm khác hơn chương trình hiện hành. Ví dụ như, chuyển hướng từ “nặng kiến thức sang dạy kỹ năng” do đó, GS Hồ Ngọc Đại nên có sự điều chỉnh để Hội đồng thẩm định lại. Hội đồng thẩm định cũng nên tính đến yếu tố kế thừa ưu điểm của bộ sách, không nên áp dụng các tiêu chí cứng nhắc để loại bỏ bộ sách được đánh giá tốt”.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí, đại diện Hội đồng thẩm định quốc gia, GS Trần Đình Sử nêu “sách có những chỗ vượt tầm”, “hàn lâm, quá tải cho học sinh”. Hội đồng thẩm định SGK theo chương trình mới, vì thế, sách của GS Đại không vì đã dạy học 40 năm nay mà được “ưu ái”.

Trung tâm Công nghệ cho rằng, về bản chất, chương trình Công nghệ giáo dục phù hợp với đường lối, quan điểm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, cả về lý thuyết và thực tiễn. “Nhìn lại cả quá trình, đây là bộ sách mới được hình thành và ngày càng hoàn thiện theo những quan điểm giáo dục nhất quán và được kiểm nghiệm trong thực tiễn, phù hợp với đường lối đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục hiện nay”, bản kiến nghị nêu rõ.