Theo vị này, thẩm quyền giao đất vốn mặc nhiên là của UBND cấp tỉnh, cấp huyện, không cần quy định. Vấn đề của luật là phải xác định được giá trị đất đai mang đổi, ai có trách nhiệm kiểm toán kỹ thuật, kiểm toán tài chính để xác định giá trị công trình mà nhà đầu tư đang làm.
"Đây là lỗ hổng dẫn tới sự bê trễ trong quản lý các dự án BT hiện nay. Có thể nói cách thức quản lý giá trị đất trong Luật Đất đai 2013 cực kỳ yếu kém", ông Võ phân tích.
Ông Võ chỉ ra rằng, quá trình sử dụng các khu "đất vàng" này đang bộc lộ một khoảng trống pháp luật rất lớn. Theo ông, nhiều cơ sở đất đai trụ sở, thậm chí đất quốc phòng được chuyển nhượng, bán cho nhà đầu tư tư nhân với giá rẻ khiến tài sản Nhà nước bị thất thu. Nhưng đến nay việc chuyển đổi này không có biện pháp quản lý nào ngoài Quyết định 09 nói trên, còn Luật Đất đai 2013 không có quy định nào về vấn đề này.
"Đang có sự không ăn nhập giữa Nghị định và Luật, chỉ nói thuê đất thì không tính giá trị đất là không đúng. Nếu thuê đất trả tiền một lần rõ ràng có tích lũy giá trị tài sản doanh nghiệp, và không tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa là thất thoát tài sản", nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phân tích.
Luật Đất đai 2013 còn "bó" hơn Luật Đất đai 2003
Cũng theo GS. Đặng Hùng Võ cũng hiện Luật Đất đai 2013 có một số quy định "bó" hơn Luật Đất đai 2003. Ví dụ: Luật quy định doanh nghiệp sở hữu đất ở có thời hạn, theo thời hạn dự án. Như vậy, doanh nghiệp muốn xây dựng nhà ở cho thuê phải đi thuê đất nhà nước chứ không thể sử dụng đất ở của họ để xây dựng dự án.
GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, quy định này làm thu hẹp sự phát triển phân khúc nhà ở cho thuê, đấy là điểm bất lợi cho thị trường. Cũng như một doanh nghiệp muốn xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp sẽ không còn cửa, bởi vì doanh nghiệp chỉ được sử dụng đất có thời hạn và không thể tiếp cận đất vô thời hạn.
Trước những bất cập này, GS. Đặng Hùng Võ kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai 2013 theo hướng "mở" trở lại như trước để nhà đầu tư có thể tham gia phát triển các dạng nhà ở theo nhu cầu.
Về mặt hiến pháp, theo ông Võ có một quy định trong luật đất đai hiện hành là "vi hiến": Đối với dự án treo luật quy định được gia hạn 24 tháng, sau 24 tháng đó mà dự án vẫn tiếp tục treo thì nhà nước thu hồi đất và tịch thu tài sản đã đầu tư trên đất.
"Đây là quy định vi hiến. Trong khi đó Nghị quyết 19 của Ban chấp hành Trung ương về vấn đề đất đai lại quy định theo hướng đối với dự án treo sẽ áp dụng biện pháp đánh thuế, xử phạt cao. Nhưng luật không đi theo hướng của nghị quyết, quy định tịch thu là không ổn, vì đất đai sở hữu toàn dân có thể tịch thu, còn tài sản trên đất không thể tịch thu. Hiến pháp đã quy định nhà nước không quốc hữu hóa bất cứ tài sản của ai hình thành hợp pháp", ông Võ phân tích.
Theo nguyên Thứ trưởng, dự án treo phải xử lý theo dạng khác, tốt nhất là thực hiện theo Nghị quyết 19 của Trung ương là xử phạt thật nghiêm thật cao.
Liên quan đến các dự án BT vừa qua dư luận xôn xao khi mới đây tại Hội nghị về hợp tác và đầu tư năm 2018, Hà Nội đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 5 loạt dự án về hạ tầng giao thông được triển khai theo hình thức hợp đồng BT. Theo đó, thành phố giao nhà đầu tư khoảng 700 ha đất đối ứng tại nhiều khu vực khác nhau trên địa bàn Thủ đô.
Trong đó phải kể đến, dự án hạ tầng giao thông tuyến đường Minh Khai-Vĩnh Tuy-Yên Duyên (đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường Vành đai 2,5) mà Hà Nội dự kiến giao cho nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư phát triển Hạ tầng và Đô thị Vĩnh Hưng (gọi tắt là Công ty Vĩnh Hưng)
Tuy tuyến đường chỉ hơn 1,6km, nhưng nhà đầu tư là Công ty Vĩnh Hưng được Thành phố cho phép khai thác quỹ đất khủng gần 60 ha đất để kinh doanh, hoàn vốn.