Gốm Bàu Trúc hồi sinh

Câu chuyện từ làng gốm Chăm cổ xưa nhất khu vực Đông Nam Á - làng gốm Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận, sẽ là bằng chứng cho việc có thể làm sống lại những gì đã mất, hồi sinh những gì đã thuộc về quá khứ.

Những nghệ nhân ở đây đã tạo sức sống mới cho nghề gốm Chăm bằng ý tưởng rất riêng.

Có lẽ chỉ những người sống ở làng Chăm Bàu Trúc mới có thể lý giải về sức hút kỳ lạ từ những bình gốm Chăm cổ.

Bởi hơn ai hết, họ là những chủ nhân của sản phẩm gốm Chăm - những sản phẩm làm ra từ ý tưởng của không chỉ một người, của không chỉ một thế hệ.

Nhìn vào những chiếc bình gốm: Vẫn là màu đỏ, màu đen đặc trưng, vẫn là những sản phẩm được hòa quyện giữa đất và lửa, nhưng toát lên một vóc dáng của một phụ nữ Chăm lúc thì đậm nét, lúc như có vẻ mơ hồ trên từng bình gốm.

Từ những sản phẩm đơn giản, thuần túy là vật dụng của làng gốm Bàu Trúc trong quá khứ đến những bình gốm mang những dấu ấn của điêu khắc, hội họa người Chăm.

Đó là một khoảng cách và tạo ra khoảng cách ấy là nhờ ý tưởng tạo gốm mỹ thuật. Tác giả của ý tưởng này là những nghệ nhân trẻ đã kế tục truyền thống nghề gốm của làng gốm Bàu Trúc.

Tháp Chăm cổ kính được thu nhỏ bằng sản phẩm gốm, cuộc sống muôn màu của người Chăm cũng đi vào những sản phẩm gốm.

Điều ấy đã làm các sản phẩm gốm Bàu Trúc vừa kế tục được nét đẹp truyền thống, vừa tạo sự đổi mới liên tục cho sản phẩm gốm trong thời hội nhập.

Họ làm điều đó bằng ý tưởng: Mỗi ngày, mỗi tuần tìm ra những mẫu mới, để rồi tìm tòi, sáng tạo, thổi hồn vào những sản phẩm để làm nó thăng hoa. Khái niệm thiết kế mẫu với những nghệ nhân nơi đây giờ không còn là chuyện lạ lẫm.

Bởi họ hiểu, cần phải tạo mẫu mới thì mới có cơ hội làm hồi sinh làng gốm, để nghề gốm không bị thất truyền. Bây giờ giá trị mỗi sản phẩm gốm mỹ nghệ cao gấp 5 đến 7 lần sản phẩm gốm  thông thường trước đây.

Hồi sinh một làng gốm Chăm cổ xưa nhất Đông Nam Á - giá trị ý tưởng không thể đo bằng những khoản lợi kinh tế. Nếu không có những ý tưởng làm mới, làm phong phú các sản phẩm gốm Chăm thì đến một ngày nào đó, các làng gốm Chăm mất đi, người ta chỉ hình dung ra gốm Chăm qua lời kể mà thôi.

Có không ít nghệ nhân của gốm Chăm được mời sang Nhật trình diễn kỹ thuật làm gốm, vừa là cơ hội giới thiệu sản phẩm gốm Chăm đến với bạn bè quốc tế. Điều đó đã minh chứng, gốm Chăm sẽ tồn tại mãi với thời gian và nó góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm nghề truyền thống Việt Nam. 

Theo TQuốc
CINET