Kỷ niệm 15 năm phong trào thanh niên tình nguyện

Giúp thanh niên chậm tiến làm lại cuộc đời

TP - Kiên nhẫn, nhiệt thành và đầy tình yêu thương, nhiều cán bộ Đoàn đã “kéo” các bạn trẻ chậm tiến, vi phạm pháp luật vươn lên làm lại cuộc đời, trở thành những người có ích cho xã hội.
“Đội rửa xe thanh niên” tại thành phố Bắc Giang.

Cấp căn hộ cho… thanh niên hư

Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh kinh tế nghèo khó, bố mẹ mải miết chạy từng bữa ăn không có thời gian chăm sóc con, Nguyễn Tấn H., phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà (Đà Nẵng) theo đám bạn hư bỏ học, đi lang thang, trộm cắp. Gia đình giáo dục bất thành. Nắm được hoàn cảnh của H., Thành Đoàn Đà Nẵng đã cử một nhóm gồm 3 cán bộ Đoàn đến tận nhà H. để chuyện trò.

Chị Phạm Thị Hồng Linh, Trưởng ban Tuyên giáo Thành Đoàn Đà Nẵng kể, thời gian đầu nhóm cán bộ Đoàn gặp rất nhiều khó khăn do H. thường xuyên bỏ nhà đi lang thang, ít khi gặp mặt. Nhưng bằng sự kiên trì, sau một thời gian, nhóm cán bộ Đoàn đã tiếp cận được với H. Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của H. nhóm đã thuyết phục được H. quay trở lại trường học, mua sách vở, xe đạp. Đặc biệt, xét thấy hoàn cảnh gia đình H., (đang ở tạm bợ trên đất người khác), Thành Đoàn Đà Nẵng đã đề xuất lên Hội đồng nhân dân tỉnh hỗ trợ cấp cho gia đình H. một căn hộ chung cư. “Từ khi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, H. tiến bộ hơn hẳn, không còn cảnh bỏ nhà đi lang thang, H. chăm chỉ học hành”, chị Hồng Linh cho hay.

“Việc giáo dục cảm hóa thanh thiếu niên hư, chậm tiến đòi hỏi mỗi cán bộ Đoàn phải có sự kiên trì, nhẫn nại tình yêu thương. Càng tiếp xúc với các em, chúng tôi càng thấy thương, có động lực để gắn bó, bởi hầu hết những thanh thiếu niên này đều phải chịu những thiệt thòi, gia đình nghèo khó, bố mẹ ly dị, bị bỏ rơi, không có người quan tâm, chăm sóc dạy dỗ”. 

Chị Phạm Thị Hồng Linh, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành Đoàn Đà Nẵng

H. là một trong những bạn trẻ trưởng thành từ mô hình giáo dục, cảm hóa thanh thiếu niên hư, vi phạm pháp luật “3 giúp 1” của Thành Đoàn Đà Nẵng. Với mô hình “3 giúp 1”, mỗi thanh thiếu niên chậm tiến sẽ do một cán bộ Thành Đoàn cùng một cán bộ quận/huyện Đoàn và một cán bộ Đoàn phường/xã trực tiếp kèm cặp, giúp đỡ. Những cán bộ Đoàn được phân công nhiệm vụ đến tận nhà các em động viên thăm hỏi; khảo sát nhu cầu nguyện vọng của từng em, từ đó có biện pháp giáo dục cảm hóa phù hợp với từng đối tượng, như: Giúp đỡ tiếp tục học văn hóa, chuyển sang học nghề, trợ giúp phương tiện đi học, tìm việc làm, hỗ trợ chung cư...

Ngoài ra, Thành Đoàn Đà Nẵng còn phối hợp với các đơn vị, ngành tổ chức những hoạt động mang tính trải nghiệm, tác động đến tâm lý, nhận thức, tinh thần của thanh niên: Đi tham quan dã ngoại tại Khu du lịch nghỉ dưỡng Bà Nà, thăm trại giam Hòa Sơn, trại giáo dưỡng Tân Hòa để tận mắt chứng kiến những phạm nhân bị giam giữ, lao động cải tạo. Theo chị Linh, việc thăm các trại giam, trại giáo dưỡng có ý nghĩa giáo dục rất sâu sắc đối với những thanh niên chậm tiến. Thông qua trực quan sinh động, các em có cơ hội hiểu được giá trị của cuộc sống, nhận thấy rõ sự khác biệt giữa cuộc sống tự do với cảnh đời tù túng, vất vả chốn lao tù; từ đó bỏ lỗi lầm, tự giác rèn luyện phấn đấu.

“Đối với những trường hợp cá biệt, không có biểu hiện tiến bộ tiếp tục vi phạm, Đoàn thanh niên cũng kiến nghị các ngành kiên quyết đưa đi giáo dục cải tạo. Nhờ sự tiếp cận gần gũi, thiết thực và đúng trọng tâm này, thời gian qua thêm nhiều em đã có sự tiến bộ rõ rệt, biết chăm lo học hành, có ý thức vươn lên, tỷ lệ cảm hóa hàng năm luôn đạt trên 80%, từ năm 2009-2014, đã có 467 em tiến bộ”, chị Hồng Linh cho biết.

Tạo việc làm

Hiện thành phố Bắc Giang có 3 mô hình “Đội rửa xe thanh niên” giải quyết việc làm cho 19 thanh niên yếu thế, chậm tiến, từng lầm lỗi. Theo chị Nguyễn Thị Kim Dung, Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Giang, đây là một trong những nỗ lực của Tỉnh Đoàn nhằm tạo công ăn việc làm cho đối tượng thanh thiếu niên chậm tiến, đồng thời thu hút, tập hợp họ tham gia sinh hoạt trong tổ chức Đoàn, Hội. Ngoài việc phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ các bạn trẻ địa điểm, Tỉnh Đoàn Bắc Giang còn hỗ trợ các bạn thanh niên yếu thế vay vốn để có kinh phí khởi nghiệp. Nhờ sự hỗ trợ đó, 3 “Đội rửa xe thanh niên” đã phát huy hiệu quả cho thu nhập bình quân từ 2 – 2,5 triệu đồng/người. Riêng “Đội rửa xe thanh niên” phường Dĩnh Kế có cách làm sáng tạo là ký giao ước rửa xe cho các hãng taxi lớn trên địa bàn thành phố như: Mai Linh, Sao Mai... Nhờ đó, công việc và thu nhập ổn định.

Với phương châm, mỗi xã, phường giúp đỡ ít nhất 1 thanh niên chậm tiến tiến bộ nhằm giúp họ bớt mặc cảm, nhanh hòa nhập cộng đồng. Hiện toàn tỉnh Bắc Giang đã có 264 thanh niên được đăng ký giúp đỡ. Các tổ chức Đoàn, Hội tập trung vào việc động viên, gặp gỡ thường xuyên, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, mời tham gia các hoạt động tập thể của Đoàn, Hội. Đặc biệt, là giới thiệu việc làm ở các khu công nghiệp của tỉnh, huyện; tại một số doanh nghiệp mà chủ doanh nghiệp là thành viên của Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Giang.

Tháng 10/2014, Hội LHTN tỉnh Bắc Giang phát động Quỹ hỗ trợ thanh niên yếu thế tỉnh Bắc Giang. Chỉ trong ngày đầu phát động, Quỹ đã thu được 141 triệu đồng. Với nguồn quỹ này, Tỉnh Đoàn Bắc Giang sẽ dành phần lớn cho việc học nghề, lập nghiệp cho thanh niên yếu thế.