Giới trẻ Hà thành đổ xô đi đánh trận giả

TPO – Mấy ngày gần đây, trò chơi dàn trận bắn súng sơn (Paintball) vừa được khai trương ở Hà Nội thu hút đông đảo giới trẻ đến so tài. Lịch chơi vì thế luôn kín mít.
Được khoác đồng phục của lính, cầm súng đánh trận khiến nhiều bạn trẻ thích thú. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
 

Khai trương ngày 23-2 tại ki lô mét số 1 Đại lộ Thăng Long, khuôn viên của câu lạc bộ súng sơn Hà Nội có diện tích vào khoảng 1.200m2, được chia thành tám bãi chơi riêng biệt và được bảo vệ bởi hàng rào lưới an toàn, với nhiều vật cản như tấm tre, bao cát, lốp xe… Sân bãi được bao phủ bởi lớp cát mịn tạo cho người chơi có cảm giác như ở một chiến trường thật sự.

Hối hả lấy súng, nạp đạn và thu xếp vào giỏ, Thực – một trợ lý trọng tài ở đây cho biết: Các đội chơi cứ gọi điện đến đặt sân liên tục, song do số lượng súng được cấp đang hạn chế, mới chỉ có 20 khẩu phải hoạt động hết công suất. “Súng này phải được sự cấp phép của Bộ Quốc Phòng, không thể nhập ồ ạt. Dự kiến thứ tuần này, câu lạc bộ sẽ nhập thêm một số súng nữa, tổng cộng sẽ có khoảng 120 khẩu để phục vụ nhu cầu của các đội chơi” – Thực cho biết.

Cũng theo Thực, trò chơi giải trí này xuất phát từ trong TP Hồ Chí Minh từ năm 2009, sau đó lan ra Nha Trang và bây giờ có mặt tại Hà Nội. Hiện câu lạc bộ súng sơn Hà Nội có khoảng 30 nhân viên phục vụ. Câu lạc bộ đã mời các chuyên gia từng huấn luyện trong Nha Trang trực tiếp ra huấn luyện về nghiệp vụ và cách triển khai trận đấu. Sau khi được trang bị đầy đủ bộ đàm, mỗi trận đấu sẽ chỉ cần một trọng tài điều khiển.

Đứng giữa đám đông đến chơi, Thực lần lượt phổ biến các quy chế cho mọi người nắm rõ. Theo đó, các đội chơi khi đến đây phải nắm rõ số lượng người để thuê đồng phục (quần áo, giày dép, áo giáp, mũ bảo hiểm và súng) với giá 50.000 đồng. Mua ít nhất một hộp 50 viên đạn cho một khẩu súng với giá 100.000 đồng.

Trong tuần đầu tiên các đội chơi được giảm giá 50% về quần áo, 10% về đạn. Thời gian tính cho một trận đấu là một tiếng đồng hồ, giá thuê trọng tài là 40.000 đồng. Trận đấu kết thúc khi một trong hai đội chơi bị bắn thua, hết đạn hoặc hết giờ. Hiện tại, ngoài các sân nhỏ, câu lạc bộ có một sân lớn nhất dành cho trận đấu 8-8, thường phải có hai trọng tài điều khiển.

“Nếu muốn khách quan và công bằng hơn thì các đội có thể thuê thêm một trọng tài nữa. Các đội chơi có thể chơi tiếp trận đấu khác, nhưng phải bỏ thêm phí thuê trọng tài và phí mua đạn.” – Thực tiếp chuyện.

Trước khi chơi, các bên sẽ được huấn luyện sơ bộ các kỹ năng dùng súng, cách di chuyển, ẩn nấp ở sa hình cũng như phương pháp lợi dụng địa thế, địa vật để bình tĩnh phòng thủ hay ồ ạt tấn công…

Trọng tài triển khai đội hình thi đấu. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
 

“Bắn trò này vui là chính, do vậy hải đảm bảo tuyệt đối an toàn. Người chơi phải mặc đầy đủ quân phục và dụng cụ bảo hộ. Trong quá trình bắn tuyệt đối không được bỏ mũ bảo hiểm ra ngoài, nếu không có thể bị đạn bắn trúng mắt gây tổn thương” – một trọng tài phổ biến luật chơi.

Cũng theo trọng tài này, người chơi không được chĩa súng vào mặt mọi người khi đang nghỉ giải lao. Ngón tay trỏ luôn để ngoài cò (kể cả khi chụp ảnh), chỉ để tay trong cò khi bắt đầu vào chơi hoặc xác định mục tiêu cần bắn. Trong trường hợp súng có hỏng hóc hay sự cố gì thì không được tự sửa, báo cho trọng tài để đem đổi khẩu súng khác. Đạn bắn bị rơi xuống đất thì không nhặt lại vì khi nhặt lại và bắn sẽ dẫn tới việc hóc đạn.

Khi vào chơi, phải nghe rõ và tuân thủ các yêu cầu của trọng tài. Khi cách đối phương 2m hoặc bắn vòng đằng sau (hay còn gọi là đi móc) thì hô: "Bingo" hoặc "bắt sống". Vì nếu bắn ở cự ly 2m thì người bị dính đạn có thể mang vết tích khá nặng (có thể để lại sẹo). Bị đạn bắn bất kỳ chỗ nào trên cơ thể và súng thì đều bị coi là chết. Người bị chết phải hô thật to: "chết" và đưa súng lên cao và từ từ bước ra bãi Safe Zone. Người bị chết không được phép nói cho đồng đội đối phương ở đâu.

Nếu bị Friendly Fire (bắn nhầm đồng đội), thì người bị bắn cũng coi như chết và tự giác đi ra ngoài bãi Safe Zone. Cấm nhắm vào những nơi nguy hiểm như đầu, cổ, và phần kín. Các dụng cụ bảo vệ chỉ để phòng trường hợp hi hữu.

Một "thiện xạ" thử tài bắn mục tiêu. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Diệu Phương, một nhân viên ngân hàng cho biết, mới nghe thông tin qua báo mạng, Phương đã tụ tập được một nhóm bạn gồm 10 người để đến đặt sân cho trận đấu ngày chủ nhật. Theo Phương, được trải nghiệm các cảm giác khi lăn, lê, bò, trườn, hối hả chạy trốn và tấn công mục tiêu quả thực rất thú vị. “Khi bước vào trận đấu thực sự mới cảm nhận được sự ác liệt và căng thẳng của một trận chiến như những người lính”, vừa thở hổn hển, vừa lấy áo lau mồ hôi, Phương chia sẻ.

Theo thông tin từ phía ban tổ chức, sân thi đấu được thiết kế dài 70m, rộng 30m, bố trí hợp lý để tránh đạn và tạo cảm giác như đánh trận thật. Súng làm bằng hợp kim nhôm, bên ngoài phủ một lớp nhựa, nặng khoảng 2,5 - 3kg, có bình chứa CO2 ở sau tạo lực nén. Súng được bắn bằng khí nén CO2, lực bắn tầm 150-200 fps với đạn PB, cự ly xa trung bình tầm 200- 250m. Đạn được chế tạo bằng bột mì vì mục đích thân thiện với môi trường. Lớp ngoài là một lớp nhựa mỏng.Vì vậy khi va chạm với mục tiêu, đạn vỡ ra và làm dính sơn vào mục tiêu.

Áo giáp bên ngoài là một lớp vải dù dày, được ép một lớp chống nước, bên trong có ép thêm một lớp mút dày 5mm, giúp cho người chơi khỏi bị đau và bị ướt áo khi "dính đạn". Ngoài ra bao tay, bao bả vai, chân... đều có cấu tạo tương tự.

Mặt nạ bảo hộ làm bằng nhựa ABS, nhưng có tính đàn hồi vì thế người chơi có thể yên tâm vì đạn trúng mặt cũng không sao. Khuyết điểm duy nhất là mặt nạ không bảo vệ được phần sau đầu, nên vì thế CLB cấm tuyệt đối việc bắn từ đằng sau.

Cách thức chơi cũng giống trong các game bắn súng mà nhiều người đã quen thuộcnhư Capture the flag (cướp cờ) hoặc giải cứu con tin… Trò chơi này đòi hỏi người chơi phải có kiến thức quân sự cơ bản như biết lợi dụng địa hình, địa vật, tiến công, phòng ngự, nghi binh... đặc biệt là hiệp đồng chiến đấu trong đội bằng khẩu lệnh và ký tín, ám hiệu. Trò chơi này giúp rèn luyện khả năng phán đoán và xử trí tình huống linh hoạt, sáng tạo, rèn luyện thể lực và tinh thần đồng đội.

Theo Viết