Gieo chữ trên đỉnh Ngọc Linh

TP - Nằm trên độ cao 2.000m, quanh năm sương mù bao phủ, những thầy cô giáo trẻ vẫn ngày đêm miệt mài truyền thụ kiến thức cho trẻ em ở vùng sâm Ngọc Linh (xã Trà Linh, Nam Trà My, Quảng Nam).

> Ở nơi có sáu mùa

Từ Trung tâm thị trấn Pắc Pỏ, ngước mắt thấy đỉnh núi Ngọc Linh sừng sững giữa đại ngàn Trường Sơn. Đoạn đường từ thị trấn đến Trà Linh chưa đến 50 km nhưng đã bị tắc nghẽn ít nhất 4 đoạn vì mưa gây sạt lở.

Chúng tôi phải mất 1 ngày đường, nhiều đoạn phải thuê người khiêng xe máy mới lên được lưng chừng. Nhìn lên phía trên đã thấy ngôi trường THCS Trà Linh hiện ra trong màn sương mù, nhưng phải vượt tiếp 2 con dốc dựng đứng nữa mới đến nơi.

Các em nhỏ ở trường Trà Linh.

Ngôi trường gỗ Trà Linh, nơi có 14 giáo viên (2 nữ đã xin nghỉ phép), 6 lớp với trên 220 học sinh, chủ yếu là con em đồng bào Xê Đăng, nằm cheo leo trên vách núi Ngọc Linh.

Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Sơn, kể: “Các thầy cô giáo trẻ mất hàng tiếng trèo đèo, lội suối lên từng thôn bản mới vận động được các em đi học. Chưa hết, mùa mưa có khi phải dắt bộ xe cả ngày. Khổ nhất là mấy chị em phải thuê xe ôm tiền triệu để lên Trà Linh. Nhiều khi xe ôm nhất quyết không đi vì đường quá lầy lội, nguy hiểm”.

Trên đỉnh núi này có khi cả ngày hầu như không thấy ánh mặt trời. Đêm xuống lạnh buốt.

Chúng tôi lên trường lúc xế chiều, sương mù che khuất hết tầm nhìn. Đêm xuống, cái lạnh nơi núi rừng như cứa vào da thịt, chăn bông cũng không đủ sưởi ấm.

Các thầy giáo trẻ nói mùa đông phải nhờ đến rượu cần bớt đi cái lạnh mới ngủ được. Khi chúng tôi ngồi ăn cơm cùng các thầy cô giáo trẻ, cái lạnh bắt đầu ùa đến. Gió thổi vù vù, sương lùa vào khe cửa. Vì lạnh nên có thầy vừa đứng vừa ăn, thầy thì ngồi co ro trên ghế, bên bếp lửa…

Là xã vùng cao được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước, nhưng cuộc sống của người dân còn thiếu thốn, giá thực phẩm đắt đỏ, riêng gạo đã đắt gần gấp đôi so với dưới xuôi.

Để cải thiện đời sống, sau giờ dạy, nhiều giáo viên phải lội bộ mấy cây số để hái rau, kiếm củi và tất nhiên phải tự tăng gia thêm. Không trạm viễn thông, không internet, nhiều khi nhớ nhà, nhớ vợ con hoặc người yêu, muốn điện thoại hỏi thăm cũng khó.

Bữa cơm thân mật, chúng tôi còn được nghe các thầy nói về nỗi cực khổ mà ít người hình dung được. Có nhiều thầy đã bám trụ ở đây ngót 10 năm như vợ chồng thầy Lê Thái Vĩ.

“Ở riết nơi đây rồi nên về xuôi là thấy nhớ. Tình cảm đồng bào, các em học sinh đã níu kéo bước chân”, thầy Vĩ nói.

Trăn trở lớn nhất của các thầy cô giáo ở đây là làm sao có một con đường dễ đi nối liền trung tâm xã Trà Linh và xa hơn là một ngôi trường xây kiên cố vì giờ cứ mưa đến là lớp học bị dột.

Theo Báo giấy