Thay đổi lớn
Cô Nguyễn Thị Minh Phương, giáo viên Trường THCS Đông Hà, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn), cho biết, lâu nay cô là giáo viên dạy Toán lớp 8 nhưng được trường phân công dạy bộ môn Khoa học tự nhiên (KHTN) cho lớp 6 năm học tới.Quá trình tập huấn, nghiên cứu SGK, cô Phương nhận thấy, bộ môn gồm kiến thức 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học được thiết kế theo từng chủ đề, kiến thức đi từ thấp đến cao, từ nguyên lý đến khái niệm. Do lâu nay vẫn dạy đơn môn, chưa thể dạy được kiến thức liên môn, nên trước mắt, giáo viên dạy môn nào sẽ đảm nhiệm nội dung, bài học môn đó. Theo đó, một bộ môn sẽ có 3 giáo viên cùng đứng lớp. Sau này nhuần nhuyễn, một giáo viên có thể đảm nhiệm cả môn KHTN.
“Tích hợp 3 bộ môn thành một nhưng vẫn có tới 3 giáo viên dạy thì ai chịu trách nhiệm chính cho bộ môn sẽ rất khó khăn để xác định. Kiến thức các môn có thể hỗ trợ nhau, không quá khó khăn đối với giáo viên, chỉ cần được bồi dưỡng có thể đáp ứng được”, cô Phương nói.
Thay đổi này cũng tác động đến cả công tác tuyển sinh của các trường học trong năm tới.Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội), nói rằng, ngoài đầu tư tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để đảm bảo dạy học chương trình mới, việc xuất hiện bộ môn tích hợp cũng làm thay đổi công tác tuyển sinh lớp 6 năm tới của trường.
“Nếu như những năm trước, trường có thể chú trọng Toán, Tiếng Việt thì nay sẽ tính đến phương án kiểm tra đánh giá năng lực toàn diện hơn.Ngoài Toán, trường sẽ kiểm tra hiểu biết về KHTN của học sinh. Có thể đó là những bài học trong SGK hoặc trong cuộc sống. Ngoài môn Văn, học sinh cũng được kiểm tra kiến thức KHXH như kỹ năng diễn đạt, thuyết trình… Sự thay đổi này nhằm hướng đến dạy học phát triển năng lực toàn diện của trẻ”, bà Thúy chia sẻ.
Sự thay đổi này cũng khiến nhiều phụ huynh có con năm nay lên lớp 6 khá lo lắng, nhất là năm đầu tiên thực hiện chương trình, SGK mới từ lớp học này.Chị Trần Thị Dung, có con học lớp 5 Trường Tiểu học Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy (Hà Nội), cho hay, gia đình dự định cho con đăng ký dự tuyển vào một số trường chất lượng cao, nên rất lo lắng phương án tuyển sinh năm nay sẽ thay đổi. Các trường sẽ kiểm tra, đánh giá kiến thức đáp ứng SGK mới nên ngoài Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, gia đình đã phải cho con đi học thêm theo dạng kiến thức tổng hợp KHTN, KHXH.
Vẫn dạy đơn môn
Bà Đặng Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội), cho biết, giáo viên vừa được các NXB giới thiệu sách và tập huấn. Trước mắt, nhà trường vẫn cử giáo viên tất cả các môn được tích hợp đi nghe từ các tác giả, chuyên gia.
Theo bà Hà, học sinh lớp 4-5 đã tiếp cận kiến thức KHTN-KHXH nên lên lớp 6 không khó, nhưng cái khó lại đứng về phía giáo viên. Ban đầu, giáo viên môn nào sẽ dạy kiến thức môn đó, nhưng khi đến phần kiến thức tích hợp như trong Vật lý có Sinh học, trong Hóa học có Toán… thì đây sẽ là thách thức với giáo viên. Các trường sẽ không cử giáo viên chưa đảm bảo chuyên môn ra dạy tích hợp vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Tuy nhiên, bà cho rằng, chỉ cần giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn và sinh hoạt chuyên môn từ các tổ thì sẽ đáp ứng rất nhanh.
Bà Nguyễn Thị Xuân Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nông Hạ, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn), đánh giá, SGK mới có tính mở, nội dung gắn liền thực tiễn, học sinh thực hành nhiều hơn.
Tuy nhiên, khi tìm hiểu chương trình, nghiên cứu SGK, bà Hồng nhận thấy, kiến thức trong các bộ môn KHTN, KHXH xây dựng theo từng chủ đề, trong đó có phần kiến thức liên thông giữa các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học là cái khó đối với giáo viên. Trước đây, giáo viên được đào tạo Toán- Vật lý hoặc Hóa học - Sinh học, nên để đáp ứng chương trình, giáo viên phải được tập huấn, bồi dưỡng kỹ càng.
Hiện nay, trường chưa có giáo viên nào dạy được 3 môn cùng lúc. Bà Hồng mong muốn, giáo viên phải được tập huấn, nâng cao trình độ, kiến thức để đáp ứng dạy học nội dung chương trình tích hợp.
“Để đáp ứng chương trình mới, ngoài chương trình bồi dưỡng, tập huấn theo các chương trình của Bộ GD&ĐT, thông qua sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn, giáo viên tích cực xây dựng các chủ đề dạy học; xác định những năng lực có thể phát triển cho học sinh trong mỗi chủ đề; biên soạn câu hỏi, bài tập để đánh giá năng lực của học sinh…”. Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học - Bộ GD&ĐT