Tôi bỗng nhận thấy cuộc sống của mình sao mà nhạt nhòa và loanh quanh đến vậy. Ngỡ ra đảo để động viên lính đảo nhưng không phải, mà chính những anh lính tay cầm chắc súng, ánh mắt rực cháy luôn dõi theo từng con sóng nơi biển Đông kia mới là những người động viên lại chúng tôi, dạy lại cho chúng tôi bài học về lòng yêu nước và lý tưởng sống. Đó chắc chắn sẽ là một cú hích thật sự khiến tôi quyết tâm dấn thân mình vào những dự án xã hội mà tôi đang lừng khừng, so đo trong con tính bấy lâu nay”.
Đó là một đoạn trích trong “Nhật ký Trường Sa” của một chàng trai trẻ. Vẫn rất xúc động, nhưng có lẽ nó sẽ không khiến nhiều người đọc cùng quan tâm và day dứt đến thế nếu người viết nó không phải là một “nhân vật của công chúng”, một nhân vật xưa nay thường chỉ gắn với khái niệm hài hước, vui nhộn, tếu táo: “GS Cù Trọng Xoay” - Đinh Tiến Dũng của chuyên mục “Hỏi xoáy đáp xoay” trên VTV3 tối thứ bảy hằng tuần.
Từ nhân viên FPT đến GS Cù Trọng Xoay
Lý lịch của chàng thanh niên Đinh Tiến Dũng hơi... tréo ngoe: học đại học nông nghiệp nhưng lại về làm ở một tập đoàn công nghệ thông tin; ăn lương để làm truyền thông nội bộ nhưng sở trường là sáng tác (hoặc chế tác) những bài hát đòi... tăng lương thêm thưởng, đả kích từ sếp bé đến sếp tổng, mà thích nhất là dàn dựng công phu, có bè có dàn, múa may phụ họa, và cất lên đúng lúc các sếp đang tề tựu đông đủ; tính tình “nhí nhố” nhưng xuất hiện trên màn ảnh lại vào vai một GS khả kính có độ tuổi gấp đôi mình!
Nhưng cũng có lẽ vì thế mà GS Cù Trọng Xoay là nhân vật được “đo ni đóng giày” cho Dũng. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải kể lại: “Tôi đi làm giám khảo cho hội diễn nội bộ của FPT, thấy cậu ấy vừa làm MC vừa diễn, mà hỏi ra thì kịch bản cũng của cậu ấy nốt. Sau này khi dựng lại Gặp nhau cuối tuần (đã tạm nghỉ ba năm), tôi nhớ ra chàng nhân viên FPT đa năng và mời cậu ấy viết kịch bản. Đã thử lần lượt các diễn viên hài tên tuổi rồi, nhưng không ai có được cái vẻ vừa học thức lại vừa hài hước, và điều cơ bản là không bị “nhẵn mặt”.
Tôi không thích diễn viên hài chuyên nghiệp cho hình tượng mới này. Và cuối cùng tôi tự hỏi: sao không chọn luôn anh chàng viết kịch bản. Thế là Dũng thành GS Xoay”.
Với thời lượng từ 8-12 phút mỗi tuần, đã bốn năm nay GS Xoay “chịu đựng” và hóa giải hàng ngàn câu hỏi của người dẫn chương trình Xuân Bắc từ thượng vàng đến hạ cám, từ vĩ mô cho đến lẩm cẩm. Khán giả cười từ nhăn mày đến vỡ bụng, nhưng ít ai biết không chỉ trả lời là GS Xoay, mà hỏi xoáy cũng là GS Xoay nốt - từ trong kịch bản.
Cũng không ít lần khán giả được nghe GS Xoay ngẫu hứng cầm đàn hát “Lời ru buồn cho giá” do anh sáng tác.
“Lời ru buồn cho giá” của anh được cư dân mạng lùng sục và download với tần số cực cao. Không thể kìm được nụ cười chua chát với khúc ngẫu hứng buồn của vị “GS sinh năm 1981”: “Giá ơi! Xin giá đừng tăng, để xe đắp chiếu vì xăng tốn tiền/ Vợ tôi đi chợ phát điên, bữa cơm bão giá triền miên muối vừng/ Giá ơi! Xin giá đừng lên, con tôi mắt cận học bên đèn dầu/... Giá ơi! Xin giá đừng tăng. Giá nào có hiểu thấu chăng người nghèo/ Giá tăng buồn cũng tăng theo. Niềm vui theo gió bay vèo giá ơi!”.
Khán giả cũng khó mà quên được những màn Táo quân vui nhộn nhưng đầy tính thời sự mỗi đêm 30 tết chờ đón giao thừa. Cùng với êkip tác giả và đạo diễn của VFC, Đinh Tiến Dũng đã đưa những tình tiết, những câu chuyện nóng hổi nhất của xã hội, kinh tế, văn hóa... vào màn Táo quân để các danh hài Chí Trung, Xuân Bắc, Vân Dung, Minh Hằng... tung tẩy chọc khán giả và “giễu khéo” các cơ quan chức năng từ điện lực, giao thông, giáo dục, y tế, văn hóa..., thậm chí cả chính các chương trình của VTV. Từ năm 2009 đến nay, Táo quân đã trở thành một trong những màn hài kịch “nghiêm túc” và được chờ đợi nhất của VTV.
GS Cù Trọng Xoay ở Trường Sa
“Cuộc sống của tôi khá là dễ chịu. Làm hùng hục, vui hết mình. Ở một công ty có thu nhập vào loại khá so với mặt bằng chung, công việc thì thoải mái đầu óc, càng chọc sếp càng... được khen, miễn chọc đúng vấn đề anh em bức xúc và không dùng lời lẽ quá khích. Tôi sống vui và nếu có nghĩ ngợi gì đau đầu một tí thì cũng là nghĩ đề tài cho “Hỏi xoáy đáp xoay”.
Ngoài ra, có tiền, có thời gian là đi, đi chơi. Tử vi tôi thân cư thiên di mà. Đi cũng là một cách trải nghiệm. Thời sinh viên làm cán bộ Đoàn, chúng tôi cũng đã đi đến các vùng sâu vùng xa, dạy chữ cho trẻ con, giúp bà con làm thủy lợi, chọn giống, chăm sóc cây trồng đúng phương pháp...
Lúc đi làm, có tiền, càng đi chơi nhiều. Tuổi trẻ chưa nghĩ đến tích lũy, căn cơ, cứ thấy đâu bè bạn, sách báo “mách” hay là đi. Nhưng chuyến đi Trường Sa mùa xuân vừa rồi của chúng tôi thì không phải là một chuyến đi bình thường, đi để vui như thường lệ.
Chuyến đi làm thay đổi hoàn toàn nhận thức của tôi về lẽ sống, về những giá trị đích thực của cuộc sống, về tình yêu và sự hi sinh, đặc biệt là về chủ quyền lãnh thổ và tình yêu Tổ quốc” - Dũng tâm sự.
Là trưởng đoàn của doanh nghiệp FPT ra thăm Trường Sa (vì đang đương nhiệm chức bí thư Đoàn thanh niên của FPT), Dũng đã có những trang viết về Trường Sa thật bất ngờ và xúc động. Dũng kể chuyện mình đã dạy guitar cấp tốc cho các chiến sĩ trẻ trên đảo Trường Sa Lớn chỉ trong một buổi trưa như thế nào khi phát hiện trên đảo có đàn do đất liền gửi tặng nhưng không ai chơi vì... không ai biết chơi.
Dũng viết về cảm xúc khi đứng hát bài ca vừa sáng tác tức thì Tình đảo xa trước những người lính da nâu sạm vì nắng gió. Dũng biết rõ bài hát của mình không hay, giọng hát mình rất thường, nhưng Dũng cũng biết cả người hát và người nghe đều cực kỳ xúc động vì cùng chung một tình yêu - yêu đảo, yêu Tổ quốc. Dũng biết đời một người không dễ có mấy phút giây hạnh phúc như vậy.
Cũng chỉ có ở Trường Sa và từ Trường Sa, một chàng trai thành thị vừa kịp trở thành “người của công chúng” mới cảm thấy xấu hổ mà tự thú: “Nhận ra tôi là GS Xoay, các anh, có cả chỉ huy, đứng vào chụp ảnh với tôi để về khoe với vợ con. Các anh đều nói xem chương trình của tôi rất đầy đủ nếu không bận nhiệm vụ. Tôi không ngờ chỉ có chục phút của chúng tôi trên truyền hình mà làm cho các anh vui đến thế và nhớ lâu đến thế. Tôi đâm ngượng khi nhớ lại có những kỳ “Hỏi xoáy đáp xoay” mà vì bận rộn, vì ép tiến độ, hay vì sao đó nữa không nhớ mà tôi làm cho xong. Tôi tự biết, từ nay trở đi tôi sẽ không bao giờ dám làm như thế nữa”.
Cũng với tâm thế ấy, chàng bí thư Đoàn đã biết mình cần thay đổi như thế nào khi về lại đất liền: “Tình yêu nước không còn là cái gì mơ hồ, chung chung, hô hào. Yêu nước là bớt đi những tính toán so đo cá nhân, là làm cái gì thật cụ thể cho biển, cho đảo, cho những người lính giữ biển đảo, cho thân nhân của họ”.
Luôn sẵn sàng vì biển đảo
* Có những đề tài nào Dũng biết rất nóng và chắc chắn công chúng sẽ rất thích nhưng lại không thể triển khai trong “Hỏi xoáy đáp xoay” vì xung đột lợi ích với hai cơ quan quan trọng nhất mà Dũng đang phục vụ: FPT và VTV? Ví dụ: mạng dỏm, báo lá cải, chương trình VTV rẻ tiền...?
- Khi tôi làm việc này, tôi là GS Xoay, mà GS Xoay thì chỉ có đại học Bôn Ba là cơ quan đang phục vụ thôi, không quan tâm đến FPT và VTV là gì cả, quan trọng nhất là phục vụ được đông đảo quần chúng. Cái gì đúng thì thôi, giả sử nếu có những lỗi của FPT hay VTV mà quần chúng đang bức xúc thì chúng tôi vẫn cứ phản ánh. Đó thật ra là giúp chứ đâu phải hại nhau đâu mà phải đắn đo.
* Có khi nào Dũng mệt mỏi vì cứ phải tìm cách làm cho thiên hạ cười, trong khi bản thân cũng đã có đủ những chuyện đau đầu, buồn bực ở cơ quan, ở nhà, với... bạn gái?
- Nhiều chứ, đôi khi tôi nghĩ có bao nhiêu nụ cười cho thiên hạ cả, còn lại cho đời mình thì toàn những chuyện buồn. Công việc không xong sếp rầy la, quan tâm nhân viên chưa đủ, anh em trách móc, bạn gái không được ngó ngàng cũng giận hờn... Nói chung đề tài làm thiên hạ cười thì đương nhiên là khó rồi, nhưng khó hơn với tôi là ở chỗ còn phải giải quyết bao chuyện buồn để nặn ra được những nụ cười đó. Âu cũng là kiếp kép Tư Bền cả mà.
* Dũng đã nói giờ đây tình yêu biển đảo không chỉ còn là những cảm xúc, những hô hào chung chung, Dũng đã biết phải làm cái gì đó thật cụ thể.Vậy cái gì đó cụ thể là gì?
- Tôi nghĩ trước tiên mình phải tốt đã, mình tốt thì xã hội đỡ mất công lo cho mình, dồn tâm sức lo cho việc khác, trong đó có biển đảo. Ngoài ra, tôi cũng làm thêm nhiều việc khác nữa, chẳng hạn như xoay trở để có được bốn đêm tiểu phẩm hài “Lính cười” trong Vùng 4 hải quân cùng đoàn kịch 2 Nhà hát Tuổi trẻ Hà Nội (của anh Chí Trung, từ ngày 10 đến 13-8) để chào đón lính đảo về bờ sau hai năm công tác. Sắp tới tôi sẽ còn nhiều hoạt động khác cả về vật chất và tinh thần, nhưng chưa thể nói cụ thể, chỉ nói cụ thể là tinh thần cho biển đảo thì luôn sẵn sàng.
Theo Thu Hà
Tuổi trẻ