Tại Việt Nam ông từng là thành viên trong Tổ Tư vấn Cải cách Hành chính và Kinh tế của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. GS Trần Văn Thọ là một trong 14 trí thức ở nước ngoài vừa đề xuất Bản ý kiến về việc đẩy mạnh cải cách toàn diện để phát triển đất nước. Tiền Phong có cuộc trao đổi với GS Trần Văn Thọ nhân chuyến công tác ngắn ngày về Việt Nam của ông.
Chúng ta đã mất hơn một thế hệ
Có thời điểm chúng ta thường nói đến hình ảnh Việt Nam như một “ngôi sao đang lên”, một “con hổ đang chuyển mình”… nhưng hiện nay hình ảnh này ít được nhắc đến, cá nhân ông nghĩ sao về điều này?
Việt Nam đến nay đã tách được ra khỏi nhóm các nước nghèo và chen chân vào nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp. Tuy nhiên, chúng ta đã mất hơn một thế hệ để có được thành quả đó. Trong phát triển kinh tế, một thế hệ - tương đương trên dưới 25 năm - có thể xem như một đơn vị thời gian quan trọng để khảo sát sự thay đổi về chất của xã hội. Thực tiễn trên thế giới, khoảng thời gian một thế hệ đủ làm thay đổi hẳn cục diện của nhiều quốc gia.
Câu hỏi cũng khiến tôi nhớ lại khoảng thời gian vào nửa đầu thập niên 90 thế kỷ trước, cụ thể là từ năm 1993, tình hình quốc tế khi đó rất thuận lợi cho Việt Nam. Cộng đồng quốc tế bắt đầu một cơ chế giúp vốn vay ưu đãi để xây dựng kết cấu hạ tầng. Doanh nghiệp nước ngoài dự định đổ xô vào Việt Nam đầu tư sản xuất nhiều mặt hàng công nghiệp như điện tử và các loại máy móc. Đồng yên Nhật lên giá mạnh làm phát sinh dòng chảy đầu tư trực tiếp lớn đang khao khát tìm cơ sở sản xuất mới.
Nhưng rồi chúng ta đã bỏ mất thời cơ này do môi trường pháp lý chậm cải thiện, kéo dài chính sách đối xử phân biệt với nước ngoài và chính sách công nghiệp không rõ ràng, thay đổi thường xuyên. Dòng chảy vốn đầu tư trực tiếp đó kết cuộc đã đổ sang các tỉnh ven biển Trung Quốc, sau đó kéo theo hàng chục vạn doanh nghiệp nhỏ và vừa đến đầu tư hình thành những cụm công nghiệp lớn ở vùng này.
Mối lo từ sự lệ thuộc kinh tế
Trong bối cảnh như vậy, chúng ta cần nhìn nhận như thế nào về sự ảnh hưởng, đặc biệt là lệ thuộc về kinh tế?
Chẳng hạn, chúng ta thử so sánh với một đối tác thôi. Năm 1984, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ hơn Việt Nam 30% nhưng đến nay khoảng cách này là 300%. Tất nhiên cần xét đến chất lượng phát triển nữa nhưng chất lượng phát triển của chúng ta cũng không hơn Trung Quốc nên không cần đặt ra so sánh chi tiết ở đây.
Một thực tế chúng ta có thể thấy là hàng công nghiệp của Trung Quốc đang tràn ngập thị trường Việt Nam, nhập siêu từ Trung Quốc cao ở mức dị thường, vừa gây bất ổn kinh tế vĩ mô vừa cản trở khả năng chuyển dịch cơ cấu công nghiệp của Việt Nam. Đặc biệt hiện nay cơ cấu mậu dịch giữa Việt Nam và Trung Quốc có tính chất Bắc - Nam, nghĩa là một quan hệ mậu dịch giữa nước tiên tiến và nước chậm tiến, trong đó Việt Nam xuất khẩu nguyên liệu thiên nhiên kể cả sản phẩm sơ chế và nhập khẩu hàng công nghiệp.
Dưới trào lưu mậu dịch tự do tại Đông Á, đặc biệt dưới tác động của Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, trong đó từ tháng 1-2015, Việt Nam sẽ cắt giảm thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, sản phẩm rẻ từ Trung Quốc chắc chắn sẽ còn ào ạt vào thị trường Việt Nam. Còn tại thời điểm này, các thống kê cho thấy doanh nghiệp Trung Quốc đang chiếm rất nhiều các gói thầu xây dựng, đưa lao động vào Việt Nam dưới nhiều hình thức - kể cả bất hợp pháp - và nhiều nơi còn hình thành cộng đồng người Hoa mới... Lệ thuộc về kinh tế sẽ còn dẫn đến những sự lệ thuộc khác.
Bài học từ Philippines và Hàn Quốc
Thời gian qua nhiều ý kiến đề cập đến việc nếu không có chiến lược phát triển đúng đắn thì Việt Nam sẽ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” rất nhiều nước đang mắc phải, ông chia sẻ gì về lo lắng này?
Theo tiêu chuẩn của Ngân hàng thế giới, Việt Nam hiện đang ở trong nhóm các nước có thu nhập ở mức trung bình thấp, đến năm 2020 cũng có thể sẽ đạt mức thu nhập trung bình cao. Nhưng vấn đề là Việt Nam có thể tiếp tục phát triển bền vững để trở thành nước có thu nhập cao trong vài thập kỷ sau đó nữa hay không mới là điều quan trọng. Trong lịch sử kinh tế thế giới, rất ít nước vượt qua được cái bẫy này thậm chí có những nước đã mắc vào bẫy này từ rất sớm mà không cần đợi đến khi đạt được mức thu nhập trung bình cao (độ 4.000 USD).
Điển hình chúng ta có thể thấy ở trường hợp của Philippines. Vào những năm của thập niên 1950, Philippines là nước phát triển chỉ sau Nhật Bản, cao hơn cả Hàn Quốc. Năm 1960, GDP bình quân đầu người của Philippines cao gấp đôi Thái Lan nhưng đến giữa thập niên 1980 Thái Lan đã theo kịp Philippines và đến năm 2000 hai nước đảo ngược vị trí của năm 1960.
Năm 1985, GDP bình quân đầu người của Philippines cao gấp 3,5 lần Trung Quốc nhưng sau năm 2000, Trung Quốc đã vượt Philippines. Trong khi đó, Hàn Quốc vào đầu thập niên 1960 vẫn là nước kém phát triển nhưng chỉ sau một thế hệ, Hàn Quốc đã trở thành một nước công nghiệp phát triển trên thế giới.
Vậy theo ông, điều gì đã góp phần làm nên sự thần kỳ đó của đất nước Hàn Quốc mà Việt Nam chúng ta có thể tham khảo?
Lý do đầu tiên phải kể đến đó là tố chất của những người lãnh đạo, đó là những nhà chính trị mà tinh thần yêu nước vượt qua những niềm tin ý thức hệ, luôn trăn trở về con đường đưa đất nước đuổi kịp các nước tiên tiến. Họ cũng là những người thức thời, quy tụ và sử dụng được nhiều người tài giỏi, có tâm huyết với sự nghiệp xây dựng đất nước.
Lý do thứ hai cũng rất quan trọng là Hàn Quốc từ rất sớm đã có cơ chế thi tuyển công chức nghiêm ngặt để từ đó họ xây dựng được bộ máy hành chính mạnh, hiệu suất cao. Ngoài ra, trong quá trình phát triển, Hàn Quốc xây dựng được quan hệ lành mạnh, hiệu quả giữa nhà nước và doanh nghiệp. Cùng với các yếu tố đó thì giáo dục, nghiên cứu khoa học và công nghệ luôn được Hàn Quốc quan tâm hàng đầu.
Cho đến nay, Việt Nam có nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều nước nhưng chủ yếu là những chính sách, chiến lược cụ thể, còn những yếu tố thuộc nền tảng thể chế và xã hội, nền tảng văn hóa, giáo dục... những tiền đề để cho các chính sách, chiến lược cụ thể ấy thành công, thì hầu như chưa được chú trọng nghiên cứu, hoặc có nhưng chưa được thực thi, áp dụng. Đó là những điều tôi mong thời gian tới sẽ thay đổi.
Cảm ơn ông.
Cao Nhật - Bích Diệp (thực hiện)