Giáo sư Nhật Bản & hai phụ nữ Việt

TP - Một vị giáo sư người Nhật Bản trẻ tuổi kể về mối quan hệ với hai người phụ nữ Việt Nam một thời làm công việc giống nhân vật Ô-sin của đất nước mình, đã để lại trong anh những tình cảm đặc biệt…
Vợ chồng GS.Ito Tetsuji (từ phải sang) và chị Mên
Vợ chồng GS.Ito Tetsuji (từ phải sang) và chị Mên.

Tiền Phong chủ nhật số 325 (ngày 21-11-2010) đã đăng bài báo "Khám phá người khám phá Hà Nội", kể về GS.TS Ito Tetsuji với cuốn sách Ngõ phố Hà Nội những khám phá từng thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả Việt Nam.

Không thích từ ô-sin

Một tối muộn, GS. Ito Tetsuji hẹn tôi tới một quán cà phê yên tĩnh thuộc khu phố cổ Hà Nội. Trước đó ít bữa, tôi được biết anh trở lại Hà Nội lần này để tham dự một cuộc tọa đàm quốc tế giữa các học giả Việt Nam với các giáo sư đến từ Nhật Bản về các lĩnh vực văn hóa, tâm lý học... giữa hai nước. Và tham luận Tìm hiểu ngõ phố Hà Nội sẽ được anh trình bày tại cuộc toạ đàm này.

Ito Tetsuji tới, trông anh vẫn nhanh nhẹn, giản dị và không khác người Việt Nam là mấy. Anh cho biết, đã đọc bài viết trên Tiền Phong chủ nhật, thấy bài báo thể hiện được những điều tuy bình thường nhưng lại đặc biệt mà mình muốn đề cập trong Ngõ phố Hà Nội những khám phá. Rồi Ito Tetsuji kể thêm câu chuyện để khắc họa thêm điều này.

Đó là một ngày đầu tháng 5-1998, Ito Tetsuji đến Hà Nội và lưu lại đây 10 tháng để thực hiện một đề tài nghiên cứu về văn hóa của Bộ Giáo dục Nhật Bản. Anh thuê nhà tại một ngõ phố Láng Hạ để ở, được người thuê nhà cũ trước khi dọn đi góp ý: “Tôi có thuê một chị giúp việc tên là Mên, ở đối diện với căn nhà này. Tôi đã trả tiền cả tháng này rồi, nếu không phiền, cứ để chị ấy giúp anh hết tháng”. Người chủ nhà thấy Ito Tetsuji vẫn ngần ngừ trong việc mượn người làm, cũng khuyên anh: “Chị Mên là người tốt, anh hãy để chị ấy giúp”.

Sở dĩ khi đó Ito Tetsuji ngần ngừ vì cho rằng nếu thuê người giúp việc sẽ vô hình trung tạo ra mối quan hệ trên dưới, điều anh vốn không thích.. Nhưng rồi anh lại nghĩ, thời gian ở đây mình rất bận, nếu không có người giúp việc nhà thì chưa chắc đã hoàn thành được công việc nên đã đồng ý để chị Mên giúp hết tháng, chờ đến khi vợ con sang thì tính tiếp.

GS.Ito Tetsuji trình bày tham luận về 'Ngõ phố Hà Nội'.

Ngay từ ngày đầu, chị Mên đã tỏ rõ là người làm việc có trách nhiệm. Có những khi làm việc ở nhà, Ito Tetsuji vẫn không biết chị Mên cũng có mặt trong nhà để hoàn tất công việc một cách chu đáo. Đến khi vợ và con gái của anh sang, mối quan hệ này càng trở nên khăng khít. Cô con gái Akane mới hơn hai tuổi của anh từ đầu đã tỏ ra quý mến bác Mên. “Đi sang nhà bác”- đó là câu nói cửa miệng của Akane kể từ khi cô bé nói bập bẹ được vài câu tiếng Việt.

GS Ito Tetsuji cho biết: Công việc của chị Mên là mỗi sáng làm mọi việc ở nhà tôi khoảng 2 giờ, sau đó chị về bán hàng tạp hóa tại nhà. Như thế có nghĩa chị không có trách nhiệm phải trông Akane. Nhưng mỗi khi Akane sang chơi, chị đều đón tiếp cô bé như người thân trong nhà.

Chị thường cắt móng tay cho cháu, không ngần ngại xi cháu tè. Khi gia đình chị Mên ăn cơm, Akane thường được mời ăn cùng. Sự vô tư này dần dà lây sang chúng tôi. Mỗi khi nấu món ăn Nhật, vợ chồng tôi cũng thường mang sang mời gia đình chị. Cứ như vậy, hai gia đình dần trở nên thân thiết như người một nhà.

"Văn hóa Việt Nam và Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng: Đều chịu ảnh hưởng của văn hoá Nho giáo, nền văn hóa chữ Hán, ăn cơm bằng đũa..." - Trích tham luận Tìm hiểu ngõ phố Hà Nội của GS. Ito Tetsuji

Còn nhớ, cách đây khoảng hai chục năm, bộ phim truyền hình nổi tiếng của Nhật Bản kể về một cô gái làm giúp việc có tên Ô-sin được chiếu tại Việt Nam lập tức giành được sự quan tâm của nhiều người dân. Sau đó, đối với không ít người dân nước ta, tên nhân vật này được dùng để nói tới những người giúp việc.

Tuy nhiên, trong Ngõ phố Hà Nội những khám phá, Ito Tetsuji chưa khi nào dùng từ Ô-sin khi kể về chị Mên. Ito Tetsuji cho biết, sống ở Hà Nội một thời gian, bản thân cũng biết từ này, nhưng thấy cách gọi đó có ý gì đấy thể hiện mối quan hệ trên dưới và thiếu tôn trọng đối với người giúp việc. Trong khi đó, Ito Tetsusji luôn quan niệm chị Mên cũng như mình, mỗi người làm một việc và bình đẳng như nhau nên không thể có khái niệm Ô-sin trong diễn đạt của mình.

Chị Mên và con gái chăm sóc bé Akane.

Dịp Tết năm 1999, Ito Tetsuji thấy vui khi được chị Mên mời mình là người xông nhà. Việt Nam cũng có phong tục mừng tuổi như Nhật Bản trong dịp Tết. Chị Mên mừng tuổi cho Akane, còn Ito Tetsusji cũng mừng tuổi cho hai con gái chị. Khi đó, biết gia đình Ito Tetsuji sắp về nước, chị Mên còn tặng Akane một chiếc vòng đeo cổ.

Chị nói: “Chúng tôi không muốn ngày chia tay diễn ra nhưng biết làm sao được nên muốn tặng cháu một món quà để làm kỷ niệm”. Rồi chị ôm chặt Akane nhưng khi đó cô bé chưa hiểu gì. Nhưng vẫn cái ôm đó vào ngày chia tay thì Akane đã hiểu, nên cứ vùng vằng kêu: “Bác Mên”. Khi trao Akane cho bố mẹ, chị Mên không ngăn nổi những giọt nước mắt. Vợ Ito Tetsuji cũng khóc. Còn anh bắt tay mọi người mà thấy mắt cay cay.

Thời gian đầu về nước, Akane thỉnh thoảng mê ngủ lại gọi: “Bác Mên, bác Mên ơi”. Đôi khi Ito Tetsuji hỏi con gái: “Bác Mên đâu?”, thì Akane vừa cười vừa đáp: “Bác Mên ở nhà”. Có lẽ cô bé ngỡ mình vẫn ở Việt Nam, vì sau đó lại lẩm nhẩm hát mấy bài hát tiếng Việt. Ito Tetsuji cho biết: “Không riêng gì Akane, ngay cả vợ chồng tôi cũng bâng khuâng khi về nước. Đối với tôi, để trở lại với nhịp sống như trước, tôi cần thời gian dài hơn cả thời gian để thích ứng với cuộc sống trước đây ở Hà Nội”.

Sau lần chia tay trên, Ito Tetsuji còn có dịp đưa vợ con trở lại Việt Nam vài lần. Khi đó, hai gia đình lại có dịp gặp nhau thân thiết như người một nhà. Ito Tetsuji cho biết: “Hiện con gái lớn của chị Mên đang học cao học theo chương trình đào tạo bằng tiếng Anh của Trường Đại học Meiji, Nhật Bản. Gần đây, cháu đã tới thăm nhà chúng tôi ở tỉnh Ibaraki và lưu lại một đêm. Còn con gái thứ hai của chị Mên cũng trở thành sinh viên Trường Đại học Ngoại thương, dự định sau này sẽ đi du học tại Nhật Bản”.

GS.Ito Tetsuji (x) trong lần thăm nhà bà Nghiêm (x).

Thăm quê người phụ nữ bán nước chè

Ngược thời gian gần hai chục năm về trước, năm 1992, chàng trai 28 tuổi Ito Tetsuji lần đầu đến Hà Nội theo đường du lịch. Trong một lần dạo chơi, Ito Tetsuji ngồi uống nước chè của một phụ nữ đã luống tuổi bên hồ Gươm. Hồi đó anh chưa nói được tiếng Việt nên chẳng thể trò chuyện với bà. Tuy nhiên, bằng trực giác, anh thấy người phụ nữ này có điều gì đó khá đặc biệt.

Sáu năm sau, Ito Tetsuji mới có dịp trở lại Hà Nội và ở lại đây 10 tháng như đã đề cập ở trên. Rồi một chiều anh lại dạo quanh hồ Gươm với tâm niệm thế nào cũng gặp lại người phụ nữ bán nước chè dạo nọ. Nào ngờ tâm niệm bằng linh cảm ấy lại thành hiện thực. Đúng tại chỗ lần trước, Ito Tetsuji gặp lại người phụ nữ này, mặc dù bà là người bán nước chè dạo. Người phụ nữ cũng nhận ra anh, giới thiệu tên mình là Nghiêm. Tuy nhiên, bà cũng chỉ nói chừng đó, rồi im lặng bán nước chè.

Sau lần đó, thỉnh thoảng Ito Tetsuji lại ra khu vực hồ Gươm uống nước chè của bà Nghiêm. Khi đã tiếp xúc nhiều với nhau, một lần bà Nghiêm nói với anh: “Tôi nghèo lắm, khổ lắm”. Câu nói này sau đó thỉnh thoảng Ito Tetsuji lại nghe bà Nghiêm nhắc lại. Ấy vậy mà sau khi nói câu “Tôi nghèo lắm, khổ lắm” đó, mỗi lần Ito Tetsuji trả tiền là bà Nghiêm lại không nhận. Thậm chí, có lần anh đưa con gái Akane tới chơi, bà Nghiêm còn mua dưa hấu mời cháu ăn.

Ito Tetsuji cho biết: “Biết bà Nghiêm đối xử rất thật lòng, nhưng về phần mình, tôi cũng không thể để bà thiệt. Sau vài lần bà không chịu lấy tiền, thỉnh thoảng tôi lại tìm cách đưa tiền cho bà mà không phải là trả tiền nước. Bà Nghiêm nhận, nhưng rồi tìm cách trả lại. Lần đó, khi tôi đến chào bà để về nước, nào ngờ bà đã chuẩn bị một bọc chè to để biếu tôi. Những lần sau, mỗi khi tôi về nước lại được bà Nghiêm biếu chè”.

Khi trao Akane cho bố mẹ, chị Mên không ngăn nổi những giọt nước mắt. Vợ Ito Tetsuji cũng khóc. Còn anh bắt tay mọi người mà thấy mắt cay cay.

Quen biết nhau khá lâu, Ito Tetsuji mới được bà Nghiêm kể đôi điều về mình. Bà không phải người Hà Nội, mà quê ở xóm Phố (Trung Thành, Vụ Bản, Nam Định). Tuy nhiên do gia đình quá nghèo, nên bà đã phải rời quê từ thuở tuổi còn đôi mươi để lên Hà Nội làm giúp việc. Khi đã có chút vốn, bà bắt đầu làm nghề bán nước chè dạo, tính đến nay đã được 30 năm. Do phải bươn chải kiếm sống, bà Nghiêm để tuổi xuân trôi qua lúc nào không hay nên đành ở vậy không lập gia đình.

Nghe kể, Ito Tetsuji rất thương bà Nghiêm. Từ đó, mỗi lần có dịp đến Hà Nội, anh lại tới uống nước chè của bà Nghiêm nhiều hơn. Rồi trong lần gặp vào tháng 3-2010, bà Nghiêm chợt mời: “Hôm nào Ito về quê tôi chơi nhé”. Lúc đó, theo phản xạ, anh gật đầu. Nào ngờ sau đó ít ngày, khi gặp lại nhau Ito Tetsuji thấy bà Nghiêm vội thu dọn cốc chén và nói: “Bây giờ chúng ta về quê nhé”. Lúc này Ito Tetsuji mới vỡ lẽ lời mời bữa trước của bà Nghiêm là thật chứ không phải khách sáo.

Tuy nhiên hôm đó anh không thể đến chơi nhà bà Nghiêm được vì phải về nước, nay ra đây chỉ để chào bà. Nghe vậy, nét mặt bà Nghiêm tỏ rõ sự thất vọng, điều mà từ trước đến nay Ito Tetsuji chưa bao giờ thấy ở người phụ nữ có cuộc sống vất vả này. Ngay lúc đó anh tự nhủ lần sau trở lại nhất định sẽ về thăm nhà bà, rồi hứa điều này với bà Nghiêm.

Tháng 9-2010, Ito Tetsuji trở lại Hà Nội và rủ một số người Nhật Bản khác đến thăm nhà bà Nghiêm. Tới nơi, anh thật sự cảm động trước sự đón tiếp thịnh tình của gia đình bà và bà con lối xóm nơi đây. Hóa ra, bà Nghiêm tuy không có chồng con, nhưng lại được sự bao bọc của đại gia đình người anh ruột với rất nhiều con cháu. Điều đó khiến Ito Tetsuji yên tâm và thấy thêm một điều: Không chỉ ngõ phố Hà Nội có tính cộng đồng, mà điều đó còn thể hiện đậm nét ở làng quê Việt Nam.

Sau cuộc gặp gỡ trên, bà Nghiêm lại lên Hà Nội bán nước một thời gian nữa rồi về hẳn nhà. Bà cho biết: “Sau lần anh Ito về đây, tôi càng hiểu thêm tình cảm của gia đình giành cho mình. Sở dĩ trước đây tôi tồn tại được ở các ngõ phố Hà Nội vài chục năm vì nhận được những tình cảm của người dân nơi đó. Nhưng nay đã ngoại 70 rồi, tôi muốn trở về với làng xóm quê mình”.

...Qua câu chuyện của GS. Ito Tetsuji, có thể thấy chính cái cách đối xử với nhau rất bình thường ấy của những người ở hai nền văn hóa khác nhau đã tạo nên sự đặc biệt. Và, khi con người có thể đối xử tốt với nhau, thì khi đó văn hóa có điều kiện để phát triển, bất kể đối tượng giao tiếp là ai, đến từ dân tộc nào.

Theo Báo giấy