SÂN KHẤU TRUYỀN THỐNG:

Gian nan tìm về nguồn cội

TP - Đạo diễn Tây Phong chia sẻ với phóng viên trong một cuộc trò chuyện thân tình rằng: “Trong bối cảnh toàn cầu hóa với sự xâm thực ngày càng nhiều của văn hóa nước ngoài, sân khấu TPHCM đang trăn trở tìm về nguồn cội để xây dựng một bản sắc sân khấu mang tầm thời đại".

Kịch ngoại lấn kịch nội

Trong lịch diễn hè 2023, rất nhiều vở mới của Việt Nam được dàn dựng biểu diễn tại TPHCM, song bên cạnh đó khán giả, các nhà nghiên cứu cũng lo ngại về việc các sân khấu sáng đèn để diễn nhiều vở lịch sử của Trung Quốc.

Các vở được trình diễn là vở “Sóng gió Đại Minh triều”, “Mão Đoan Tinh giáng thế” diễn tại Nhà hát Trần Hữu Trang và Nhà hát Bến Thành. Các vở “Bao Công tra án Quách Hòe”, “Mộc Quế Anh dâng cây”, “Má hồng Phi nữ” diễn tại Nhà Văn hóa Sinh viên, Nhà hát Bến Thành và Nhà hát Nụ cười (Cung Văn hóa Lao động TP HCM) hay “Hoàn Châu cách cách” diễn tại rạp Hồng Liên...

Giao thoa lâu đời giữa văn hóa Việt Nam và Trung Quốc đã dẫn tới nhiều vở kịch diễn nhiều trên khấu cải lương Việt Nam có xuất xứ tuồng tích từ Trung Hoa như “Thoại Khanh - Châu Tuấn”, “Chuyện tình An Lộc Sơn”, “Mã Siêu báo thù”, “Kim Vân kiều”… Đó đều là các tuồng tích hấp dẫn, ăn khách. Quá trình giao thoa này vẫn tiếp diễn đến ngày nay.

Trong sân khấu hát bội, đặc biệt là ở các đoàn kịch tư nhân, nhiều nhà nghiên cứu phân vân: “phần lớn các vở diễn hát bội sân đình Việt Nam đang có tích từ Trung Quốc!”.

Nghệ sĩ ưu tú hát bội Ngọc Khanh nói với phóng viên Tiền Phong: “Thực trạng tuyệt đại đa số các vở diễn hát bội sân đình hiện nay có tuồng tích từ Trung Quốc là có thật và tự nhiên và việc dư luận lên tiếng là điều đáng suy nghĩ”.

Khó khăn khi dựng vở mới

Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Khanh cũng cho biết: “Các vở cải lương hay tuồng có tích Trung Quốc được diễn tại Việt Nam phần nhiều đã được Việt hóa, hầu như không còn địa danh và không gắn với lịch sử Trung Hoa mà đã được hư cấu thành các nhân vật kịch mà nếu thay tên, đổi họ của nhân vật thì vở kịch vẫn được cảm nhận gần gũi, đời thường. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nhiều nếu các sân khấu cổ truyền sử dụng các kịch bản của tác giả Việt Nam”.

Hát Bội sân đình còn sử dụng nhiều tuồng tích nước ngoài Ảnh: Trần Nguyên Anh

Nghệ nhân hát Bội vất vả mưu sinh Ảnh: Trần Nguyên Anh

Lý giải việc các đoàn tư nhân hát bội đang lệ thuộc vào kịch bản cũ, có nguồn gốc nước ngoài, Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Khanh nói: “Đời sống của các đoàn hát bội tư nhân rất khó khăn. Mỗi năm các đoàn chỉ tập hợp nhau lại, diễn trong một vài tháng vào mùa xuân, phục vụ các đình đền làm lễ hội”.

Đến thời điểm mùa hè, mùa thu anh chị em hát bội sân đình đều thất nghiệp hết. Người đi sơn móng tay, người đi chạy xe ôm, người trông trẻ mưu sinh. Diễn viên của các đoàn xuất thân từ mọi nơi, nào TPHCM, Cần Thơ, Vũng Tàu, Đồng Nai… gặp nhau rất khó khăn.

Vào mùa diễn cuối năm, mọi người chỉ kịp gặp nhau, diễn những vở ăn khách từ xưa truyền lại, không có điều kiện tập vở mới.

Với nhiều vở kịch mà nhân vật, cốt truyện, danh xưng đều từ Trung Quốc, không ít người nhầm lẫn hát Bội của Việt Nam là Kinh kịch của Trung Quốc. Song thực tế đây là hai nghệ thuật khác hẳn nhau.

Theo nghệ sĩ Ưu tú Ngọc Khanh: “Việc dựng các vở kịch có đề tài lịch sử Việt Nam không hề dễ dàng. Muốn các vở hấp dẫn thì phải có vai thiện vai ác, vai chính diện, phản diện. Mỗi thời đại, việc đánh giá các nhân vật lịch sử lại có khác nhau. Việc xây dựng các nhân vật chính diện, phản diện phải thuyết phục và được đông đảo người xem đồng thuận thì vở diễn mới thành công”.

Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Khanh chia sẻ: “Hiện chúng tôi đang thuê viết kịch bản mới, lấy tích từ lịch sử Việt Nam, riêng chi phí kịch bản mất 20 triệu đồng, rồi phải đi đăng ký tác quyền, tập vở mới. Tốn kém, nhưng để bảo vệ văn hóa dân tộc, chúng tôi vẫn quyết tâm sẽ đưa các kịch bản tôn vinh lịch sử Việt Nam vào nghệ thuật hát Bội sân đình”.

Tìm “năng lượng” từ vốn cổ

Cố NSND Thanh Tòng trước đây từng tạo sốt phòng vé với các vở lịch sử Việt như “Tô Hiến Thành xử án”, “Ngọn lửa Thăng Long” và đó là nguồn cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ hiện nay.

Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cũng thành công với các vở Rạng Ngọc Côn Sơn, Nguyễn Hữu Cảnh, Thủy chiến Bạch Đằng Giang…

Chị Tâm, làm việc tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cho biết: “Đoàn của chúng tôi đang bám sát các đề tài lịch sử của đất nước. Năm nay, đoàn đưa các vở cải lương xuống diễn phục vụ du khách ngay tại địa đạo Củ Chi”. Công việc biểu diễn trong nội thành bận rộn nhưng anh chị em nghệ sĩ sẵn sàng bỏ các sô của cá nhân để diễn phục vụ khách du lịch tham quan di tích.

Đoàn Hát Bội TPHCM mới đây đã dựng vở “Chiếc áo thiên nga” dựa trên câu chuyện Trọng Thủy, Mỵ Châu, được người xem tán thưởng.

Người dân vẫn rất mê xem hát bội sân đìnhẢnh: Trần Nguyên Anh

Nhà văn Bích Ngân cho biết: “Nhà hát nghệ thuật hát Bội TPHCM đã dựng vở Vương Quyền do tôi viết kịch bản, lấy bối cảnh triều Nguyễn. Vở kịch dàn dựng công phu và hấp dẫn người xem. Tôi rất mừng khi các sân khấu đang trở về với nguồn cội sử Việt”. Được biết, nhà hát nghệ thuật hát Bội cũng dựng vở “Gươm trung nữ tướng” kể về danh tướng Bùi Thị Xuân phục vụ khán giả.

Cái nhìn đa chiều

Đạo diễn diễn viên Tây Phong (Lê Thanh Phong) là một trong các “tín đồ sử Việt”. Mới đây anh đã đoạt giải nhì cuộc thi Tài năng diễn viên kịch nói toàn quốc 2023 với vai Nguyễn Trãi trong vở “Yêu là thoát tội”.

Đạo diễn, diễn viên Tây Phong nói: “Việc lạm dụng khai thác kịch bản nước ngoài sẽ không chỉ giết chết nghệ thuật trong nước mà còn làm cho lịch sử dân tộc bị lãng quên. Giới nghệ sĩ chúng tôi rất muốn người xem nhớ, hiểu, suy ngẫm về lịch sử dân tộc, rút ra các bài học cho bản thân, từ những câu chuyện của chính đất nước mình”.

Đạo diễn Tây Phong cùng các đồng nghiệp của mình miệt mài theo đuổi các vở chính kịch lịch sử như “Vụ án cậu Trời”, “Thành Thăng Long thuở ấy”, “Tấm và hoàng hậu”.

Nghệ sĩ Tây Phong nói: “Các vở chính kịch lịch sử của chúng tôi không đưa ra đánh giá một chiều khen hoặc chê, đúng hoặc sai… như trước đây mà chúng tôi muốn đem đến một cái nhìn đa chiều hơn về lịch sử, về các nhân vật, từ đó khán giả và cả người nghệ sĩ cùng sẽ có những chia sẻ, cảm thông với các biến cố lịch sử, để hiểu và yêu hơn lịch sử đất nước mình”.

Nhà văn Bích Ngân có cái nhìn khá lạc quan: “Thời gian gần đây có mấy nhà hát kịch liên hệ xin dựng các vở kịch lịch sử do tôi viết kịch bản. Nhiều đồng nghiệp văn chương cũng nhận được lời đề nghị viết kịch bản đề tài lịch sử Việt Nam. Tôi cảm nhận được lòng yêu nghề và ý thức bảo vệ văn hóa dân tộc của các bạn trẻ”.