Gian lận thi: Chỉ cán bộ mới biết kẽ hở và dễ dàng che giấu vi phạm

TP - Những vi phạm gian lận thi cử tại Sơn La, Hòa Bình hay Hà Giang là đặc biệt nghiêm trọng và chưa từng xảy ra trong lịch sử khoa cử của Việt Nam. Bởi nó mang tính hệ thống, có sự tham gia của nhiều đối tượng.

Quan trọng hơn, việc gian lận này phần lớn để đạt được mục tiêu vào các trường ĐH khối công an, quân đội, đây là những trường tuyển đầu vào nhưng lại được xác định luôn đầu ra. Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Viện trưởng Viện Khoa học Cảnh sát, Học viện Cảnh sát Nhân dân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Quốc hội. 

25/44 thí sinh của Sơn La, 28/64 thí sinh của Hòa Bình được nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 đều đăng ký xét tuyển và đã trúng tuyển vào khối trường công an. Là người trong ngành, ông bình luận gì về những con số này?

Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức
Trong khoảng gần 10 năm trở lại đây, trung bình hàng năm số lượng thí sinh thi vào các trường công an nhân dân khu vực phía Bắc lên đến hàng chục nghìn, với tỷ lệ 1 chọi 30, thậm chí có năm 1 chọi 40, nên điểm thi đầu vào của các trường Công an rất cao. Các khối tự nhiên (tổ hợp A01: Toán, Lý, Ngoại ngữ) đối với nam phải đạt 26-28 điểm, nữ phải đạt từ 27-29 điểm (thậm chí có chuyên ngành phải 30 điểm); các khối xã hội hoặc tổng hợp (Tổ hợp C03: Toán, Sử, Văn; Tổ hợp  D01: Toán, Văn, Anh) đối với nam phải đạt từ 25-27 điểm; nữ phải đạt 27-30 điểm mới trúng tuyển. Với số điểm cao như vậy, các thí sinh muốn trúng tuyển phải học rất giỏi và toàn diện các môn. Và khi trúng tuyển vào các trường công an (cũng như quân đội) đương nhiên trở thành người trong biên chế và được nhà nước bao cấp toàn bộ phí học tập, đây là lý do nhiều gia đình mong muốn các con em mình đăng ký dự thi.

Nhưng thật đáng buồn đã có một bộ phận cán bộ thực thi nhiệm vụ bất chấp pháp luật, bất chấp hậu quả xã hội nâng điểm cho 25/44 thí sinh của Sơn La và 28/64 thí sinh của Hòa Bình trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 để vào học tại các trường ĐH công an nhân dân - đây là con số đáng báo động, chiếm một tỷ lệ đáng kể trong số những người trúng tuyển (bởi chỉ tiêu tuyển sinh của tất cả các trường ĐH công an nhân dân khu vực phía Bắc năm 2018 chỉ hơn 1000 sinh viên).

Trong khi quy định đối với người được tuyển vào ngành công an phải đảm bảo yêu cầu về sức khỏe tốt, đạo đức, lý lịch, nếu để lọt bất cứ một người nào không đáp ứng cả 3 yêu cầu trên đều có thể gây ra những hiểm họa khó lường đối với xã hội và việc bảo đảm an ninh, trật tự.

Bảng “phong thần” của Sơn La, Hòa Bình cũng lộ ra thông tin về con em những cán bộ trong ngành giáo dục, công an, lãnh đạo thành phố, lãnh đạo tỉnh đến các huyện được nâng điểm. Tại sao lại có hiện tượng này?

Tại sao ư? Để nâng được điểm thi trái pháp luật cho một bộ phận thí sinh vừa qua ở Sơn La, Hòa Bình phải là những cán bộ, công chức, viên chức giữ vị trí, chức vụ nhất định trong ngành giáo dục địa phương thì mời có điều kiện làm được. Trong các cơ quan hành chính dọc, ngang ở địa phương, các cán bộ, công chức, viên chức thường có mối quan hệ trong công tác và quen biết nhau từ quá trình công tác đó, khi có nhu cầu tiêu cực họ dễ dàng tiếp cận thông qua mối quan hệ sẵn có này để thực hiện, hoặc thông qua sự ảnh hưởng từ chức vụ của mình để nhờ vả hoặc mặc cả.

Hơn nữa, chỉ có họ mới biết được kẽ hở của quy chế thi và trong giám sát thi, nên mới thông đồng để dễ dàng thực hiện hành vi vi phạm quy chế thi, vi phạm pháp luật, theo hệ thống và dễ dàng che giấu được hành vi vi phạm. Người ngoài không thể biết những kẽ hở, những thủ đoạn lợi dụng, lạm dụng chức vụ, nghề nghiệp của bộ phận trên và khó có thể biết để tiếp cận những cán bộ biến chất trong ngành giáo dục để mà xin nâng điểm cho con, em mình. Chính vì vậy, số thí sinh được nâng điểm chủ yếu nằm trong số các con, em của nhiều cán bộ có chức vụ nhất định.

Là một nhà giáo giảng dạy tại khối trường công an, theo ông, những sinh viên được nâng điểm này nên xử lý thế nào? Cách xử lý hiện nay của Bộ GD&ĐT và các trường (không đủ điểm trúng tuyển thì buộc thôi học, thu hồi quyết định trúng tuyển; trả về điểm thực vẫn đủ điểm thì tiếp tục được theo học) có hợp lý không? 

Cách xử lý có hợp lý không ư? Những thí sinh sau khi chấm thẩm định không đạt điểm chuẩn bị trả về là đương nhiên. Còn những thí sinh bị trừ điểm nâng bất hợp pháp mà vẫn đủ, thì trong các trường đại học công an và quân đội phải bị trả về vì như đã nói trên, những người được tuyển chọn vào công an, quân đội phải có những tiêu chí rất cao, trong đó phải trung thực và trong sạch về lý lịch. Bản thân các em đó không biết bố mẹ, người thân nâng điểm cho nhưng lý lịch của bố mẹ, người thân đã có tỳ vết, rõ ràng không đảm bảo về lý lịch.

Còn đối với những thí sinh ngoài Công an, Quân đội, nếu biết bố mẹ, người thân nâng điểm cho thì phải trả về, vì quy chế thi xử lý nghiêm minh mọi sự gian lận trong thi cử (vào phòng thi mà anh nhìn bài của bạn hoặc cho bạn nhìn bài; phát hiện một mẩu giấy có chữ cũng bị lập biên bản và trừ điểm, thậm chí bị đình chỉ thi hoặc hủy kết quả thi), đây là một hành vi gian lận trong thi cử phải xử lý nghiêm. Còn đối với thí sinh hoàn toàn không biết được nâng điểm thì có thể để ở lại học. Có như vậy mới đảm bảo tính công bằng và hợp lý, theo tinh thần mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, ai sai, ai vi phạm người đó phải bị xử lý tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm.

Đồng thời Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thẳng thắn nhìn nhận và chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát lại tất cả các trường hợp trúng tuyển vào các trường đại học top đầu (trong đó có các trường đại học Công an, Quân đội) từ năm 2016, 2017 mà có học lực yếu, trung bình, để phát hiện có được nâng điểm bất hợp pháp không, nhằm 2 mục đích: trả lại sự công bằng cho các thi sinh tham gia dự thi qua các năm đó, loại bỏ những thí sinh không xứng đáng; đồng thời làm rõ thêm những cán bộ, công chức, viên chức vi phạm để xử lý nghiêm minh, lập lại trật tự, kỷ cương, uy tín của ngành Giáo dục, niềm tin đối với Nhân dân.
 
Chúng ta có cần bổ sung thêm chế tài để xử lý những trường hợp được gian lận như kỳ thi THPT quốc gia 2018 vừa qua không? Với những phụ huynh của thí sinh này, dư luận vẫn mong muốn sẽ phải xử lý thật nghiêm để đủ sức răn đe. Ông nghĩ sao?
 
Đề nghị Bộ GD&ĐT rà soát lại quy chế thi tuyển sinh ở tất cả các khâu, đặc biệt là cơ chế giám sát quá trinh thi và chấm thi; để kịp thời chấn chỉnh việc thực hiện pháp luật cũng như quy chế tuyển sinh; bổ sung các chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm bất kỳ một hành vi vi phạm pháp luật, quy chế tuyển sinh dù là nhỏ nhất.

Các cơ quan tiến hành tố tụng cần tiếp tục mở rộng điều tra để xử lý nghiêm những hành vi nhận hối lộ và đưa hối lộ. Nếu bố mẹ, người thân của các thí sinh được nâng điểm có hành vi hối lộ những cán bộ đang bị xử lý thì phải khởi tố về tội đưa hối lộ khi đủ yếu tố cấu thành tội phạm; trường hợp không dùng tiền hay lợi ích vật chất khác mà dùng chức vụ quyền hạn yêu cầu nâng điểm thì cần xử lý về hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạnh trong khi thi hành công vụ.