Không phải ngẫu nhiên mà các cự li dài của điền kinh rất “kén” vận động viên (VĐV). Quá trình tập luyện và thi đấu các cự li này luôn rất vất vả, đòi hỏi VĐV không chỉ cần sức khỏe mà cả ý chí bền bỉ, quyết tâm theo đuổi tới cùng. Không ít người mặc dù đam mê với đường chạy, nhưng phải bỏ dở giữa chừng vì không chịu được gian khổ.
Có chứng kiến các buổi tập của các VĐV, nhất là giai đoạn trước khi bước vào giải đấu mới thấm được hết những gian khổ của môn này. Thông thường, một tuần hoặc nửa tháng trước khi giải đấu diễn ra, các đoàn đã lục tục lên đường để làm quen với điều kiện thời tiết, khí hậu và địa hình nơi thi đấu. Nhiều đoàn thậm chí “ém quân” tại địa phương đăng cai tổ chức cả tháng trời.
Quá trình chuẩn bị cũng được khởi động từ trước đó rất lâu. Việc tập luyện thì đoàn nào cũng như đoàn nào, thường là đều đặn 2 buổi sáng, chiều. Sáng từ 5h HLV các đoàn đã thúc học trò dậy để chạy. VĐV đa phần là trẻ, đang tuổi ăn, tuổi ngủ nhưng tất cả đều phải răm rắp tuân thủ giờ giấc, kỷ luật tập luyện của đội. Trời nắng cũng như trời mưa, ít có chuyện VĐV kêu ca chuyện thời tiết để trốn tập.
Quá trình tập luyện đã vất vả, khi bước vào giải đấu, VĐV gần như phải vắt kiệt sức trên đường đua. Qua 55 lần tổ chức, những người theo dõi chứng kiến không ít trường hợp VĐV ngất xỉu sau khi kết thúc phần thi, phải nhờ tới sự hỗ trợ của lực lượng y tế.
Cần bổ sung năng lượng, khoáng chất
Theo Trưởng Bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT) Dương Đức Thuỷ, các cự li dài của điền kinh, đặc biệt là marathon, luôn khiến VĐV hao tổn nhiều năng lượng nhất. Ông Thủy lấy ví dụ nhiều VĐV sau khi thi đấu xong, trọng lượng cơ thể có thể giảm đến 5-7kg, trong đó phần lớn là nước.
Đối với các VĐV thế giới, do được chăm sóc tốt về điều kiện dinh dưỡng, thuốc bổ nên quá trình hồi phục sau đó chỉ mất khoảng vài ngày. Tuy nhiên, với VĐV Việt Nam thì khác. Điều kiện tài chính hạn chế khiến chế độ cho VĐV không thể theo kịp các nước khác, quá trình thi đấu lại vất vả nên việc hồi phục đòi hỏi có thể đến cả chục ngày trời. Ông Thủy vì vậy khuyến cáo, VĐV cần được hỗ trợ tốt hơn trong quá trình thi đấu, đặc biệt trong việc bổ sung năng lượng, khoáng chất.
“VĐV nước ngoài bình thường chỉ sau vài ngày có thể tham dự một giải đấu khác, nhưng VĐV Việt Nam thì cần nhiều ngày hơn. Nước uống cho VĐV trong quá trình thi đấu, vì vậy không chỉ đơn thuần để giải khát mà cần thiết phải giúp VĐV bổ sung được năng lượng. Đương nhiên trong điều kiện của chúng ta, các vấn đề này cần được cải thiện dần” - ông Thủy cho biết.
Tập luyện đã gian khổ, quá trình thi đấu cũng khốc liệt nên số VĐV trụ được lâu dài với việt dã mỗi thời điểm mỗi khác. Nhà báo kỳ cựu Nguyễn Lưu mới đây chia sẻ một thực tế, là ngày càng ít những VĐV có thể gắn bó nhiều năm trời với đường đua cự li dài, cho dù việt dã không ngừng phát triển, mở rộng thêm các nội dung, nâng cao về chất lượng chuyên môn.
Nhà báo Nguyễn Lưu lấy ví dụ các VĐV trước đây, như Bùi Lương, Đặng Thị Tèo... đều gắn bó hàng chục năm trời với việt dã. Trong khi lứa VĐV mới hiện nay, lâu như “nữ hoàng chân đất” Phạm Thị Bình cũng chỉ gắn bó với việt dã khoảng chục năm. Phạm Thị Bình đã nghỉ thi đấu, chuyển sang công tác huấn luyện ở Quảng Ngãi.
Theo ông Dương Đức Thủy, bên cạnh các vấn đề về kỹ thuật và chuyên môn, thì sự gian khó của cự li dài ở môn điền kinh đòi hỏi VĐV phải có niềm đam mê. Nếu không thực sự đam mê, ít có VĐV nào đủ sức bền để theo đuổi nghiệp đường dài.
4.000-6.000 VĐV dự thi Marathon quốc tế Đà Nẵng 2015
Dự kiến có khoảng 4.000 – 6.000 VĐV, du khách trong nước và quốc tế cùng người dân Đà Nẵng sẽ tham gia Cuộc thi Marathon quốc tế Đà Nẵng lần thứ 2-2015 vào ngày 30/8, văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng cho biết. Các VĐV thi đấu ở 3 nội dung gồm marathon (42,195 km), bán marathon (21km) và chạy 5km.
Đào Phan