Đầu tháng 4, Công ty Cổ phần Đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam thông báo về việc hỗ trợ giảm giá SGK bộ sách Cánh Diều năm học 2024-2025. Thông báo đã gửi đến sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố, các cơ sở giáo dục phổ thông trên toàn quốc với nội dung: “Hỗ trợ giảm 20% giá bìa đối với sở GD&ĐT mua sách Cánh Diều trang bị cho thư viện trường học hoặc cá nhân, đơn vị mua sách tặng cho thư viện để học sinh dùng chung”.
Ngoài ra, công ty này có chính sách tặng sách cho học sinh nghèo, học sinh vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và thư viện nội trú trên cả nước; giảm giá SGK Cánh Diều từ lớp 1 đến lớp 12 cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn khi mua tại trường, bao gồm cả mua lẻ và mua bộ. Yêu cầu để được giảm giá là danh sách học sinh đăng ký mua phải được hiệu trưởng xác nhận.
Công ty Cổ phần Đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam thông tin thêm, ngoài giảm giá SGK vào thư viện, đơn vị đã phát triển hệ sinh thái bộ sách điện tử, học liệu để phụ huynh, học sinh, giáo viên có thể dùng sách miễn phí. Được biết, giá của bộ sách mới lớp 5, lớp 9, lớp 12 áp dụng cho năm học mới hiện đang kê khai với Bộ Tài chính.
Tương tự, NXB Giáo dục Việt Nam phát đi thông báo điều chỉnh giảm giá bán SGK trong năm học mới. Theo đó, giá bìa bộ SGK “Kết nối tri thức với cuộc sống” giảm 9,6%; giá bìa bộ SGK “Chân trời sáng tạo” giảm 11,2%. Trong những chi phí mà NXB này rà soát để giảm giá có 2 khoản mục quan trọng, đó là chi phí tổ chức bản thảo sản lượng phát hành thực tế lớn hơn dự kiến và chi phí lưu thông tiết giảm giúp giảm 2,5% giá bìa. Giá các bộ sách đã hoàn thành thủ tục kê khai với Bộ Tài chính. “Đây là nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống NXBGDVN để có giá SGK ở mức thấp nhất, vì mục tiêu hỗ trợ học sinh và giáo viên, đảm bảo an sinh xã hội”, NXB Giáo dục Việt Nam nêu.
Năm học mới, khoảng 20 triệu học sinh đến trường ở các cấp học, phụ huynh phải bỏ tiền mua số lượng SGK rất lớn đáp ứng nhu cầu học tập. Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, đơn vị đã triển khai thảo luận với các cơ quan liên quan, trao đổi với các nhà xuất bản để xác định giá SGK gồm những khoản chi phí nào cấu thành phù hợp với thị trường và điều kiện chi trả của người dân một cách hài hòa, hợp lý.
Không ngẫu nhiên mà các NXB đưa ra chính sách điều chỉnh giá trước thềm năm học mới. Trước đó, Chính phủ đã yêu cầu Bộ GD&ĐT phối hợp các đơn vị ban hành hướng dẫn về phương pháp định giá SGK, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ chi phí xuất bản, phát hành để giảm giá sách.
Giảm chiết khấu, giảm giá thành
Năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có báo cáo kết quả giám sát về đổi mới chương trình, SGK, trong đó khẳng định, giá các bộ sách theo chương trình mới cao, tăng 2-4 lần giá SGK Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Mặc dù có nhiều nhà xuất bản tham gia làm SGK, có nhiều bộ sách nhưng giá không giảm, mà thực tế đang tăng.
Giá SGK môn tiếng Anh cao hơn nhiều so với các môn học còn lại nhưng không sử dụng được nhiều lần. Chi phí phát hành SGK cao, chưa hợp lý so với các mặt hàng thiết yếu. Mức tối đa phí phát hành (chiết khấu) sách theo chương trình mới cho các đơn vị đầu mối phát hành phục vụ năm học 2022-2023, đối với SGK là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35%.
Lí giải về việc giá SGK mới tăng cao hơn sách cũ, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, Phó tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam cho rằng, đối với sách mới, giá nguyên vật liệu, công in, nhuận bút; chi phí giới thiệu, tập huấn giáo viên... đều cao hơn trước. Việc biên soạn theo định hướng phát triển năng lực nên SGK mới có khổ sách lớn hơn, chất lượng in ấn cao hơn so với SGK cũ. Khi thực hiện xã hội hóa, có nhiều bộ SGK nên sản lượng phát hành của mỗi tên sách giảm dẫn tới các chi phí nhuận bút, tổ chức bản thảo, bản quyền phân bổ trên mỗi bản sách sẽ tăng lên.
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cho biết, hằng năm nhà trường chỉ mua rất ít SGK bổ sung vào thư viện nên chi phí không đáng kể vì sách này chỉ nhằm cho giáo viên tham khảo, một số học sinh thiếu sách mượn học. Ở vùng điều kiện thuận lợi, đa số học sinh đều được trang bị SGK đầy đủ.
Về giá bán SGK đầu năm học mới, theo ông Lâm, Bộ Tài chính phải là đơn vị “trọng tài”, có tính toán các chi phí để đưa ra mức giá hợp lý. SGK hằng năm bán cho số lượng đông đảo học sinh, là mặt hàng đặc thù nên cơ quan quản lý không thể khuyến khích hay kêu gọi giảm giá tùy vào từng NXB.
“Nếu rà soát chặt chẽ các khâu, tính đúng công thức, độ biến động sẽ ra giá giảm tối thiểu cần thiết là bao nhiêu. Vấn đề nằm ở chi phí chiết khấu cao sẽ cõng theo giá sách bán ra cao, do đó nếu rút gọn được các khâu phát hành chi phí chiết khấu sẽ giảm rất nhiều”, ông Lâm nói.
PGS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư cho rằng, vấn đề giá bán SGK năm nào cũng gây tranh cãi vì người bán sẽ muốn bán giá cao, tối ưu hóa lợi nhuận trong khi người mua là dân nghèo, khó khăn, áp lực. Ở các nước có nền giáo dục tốt, nhà nước bỏ tiền ra biên soạn bộ SGK cho học sinh dùng miễn phí. Khi có chủ trương cho các đơn vị, cá nhân cùng biên soạn SGK, cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm trong việc đảm bảo chất lượng các đầu sách cũng như giá bán, khi đó mới đảm bảo quyền lợi của người dân.