> 'Đời xe ôm' của anh cử nhân thất nghiệp
> Những nghề dễ bị gắn mác 'hư hỏng'
Vấp ngã
Thụ án tại Trại giam Thanh Xuân (Bộ Công an) được gần 8 năm, phạm nhân Bùi Văn Chung (SN 1983, quê ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) chưa lúc nào thôi nuối tiếc những năm tháng ngọt ngào đã qua, khi đó anh ta có trong tay mọi thứ.
Năm 2005, sau khi tốt nghiệp một trường Trung học công nghiệp, Chung cùng bạn bè đứng lên thành lập công ty cổ phần có số vốn điều lệ gần 5 tỷ đồng trước sự tự hào của cả cha lẫn mẹ.
Những người bạn của Chung chia nhau giữ các chức vụ quan trọng trong công ty khi tất cả còn quá trẻ, thiếu kinh nghiệm và khả năng chuyên môn.
Chung giữ chức vụ giám đốc, còn người bạn tên Phạm Văn Hùng với trình độ lớp 7 được giao giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị; Nguyễn Quốc Hội, sinh viên một trường Đại học dân lập ở Hải Phòng được 8 tháng thì bỏ học giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị…
Với đội ngũ lãnh đạo trẻ người, non kinh nghiệm, thiếu chuyên môn, Chung và bộ “bậu xậu” của mình đã thất bại trên thương trường. Rồi Chung gây ra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên đã phải vào trại giam "bóc lịch".
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, mặc dù không có chức năng đưa người đi xuất khẩu lao động, nhưng Chung và đồng bọn đã thu 70.000 USD của 35 bị hại, hứa hẹn sẽ đưa họ đi lao động tại Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc với mức lương hấp dẫn 5.000 đến 8.000 USD.
Để khuyếch trương thanh thế và thu lời bất chính, Chung chỉ đạo nhân viên công ty treo cờ của nhiều nước Asean, thuê trụ sở công ty rộng rãi, sang trọng với đội ngũ nhân viên ăn vận lịch sự. Riêng giám đốc Chung lúc nào cũng đi xe hơi bóng nhoáng…
Người lao động đến công ty nộp hồ sơ phải đặt cọc ngay 1.000 đến 2.000 USD tiền ăn ở đi lại, phí đào tạo 3 triệu đồng và nhận được lời hứa sau 1 tháng sẽ được xuất ngoại làm việc.
Vậy nhưng nhiều người đã phải ngậm đắng nuốt cay bởi sau khi đóng tiền hơn 3 tháng mà vẫn chưa thực hiện được giấc mơ xuất ngoại như lời hứa. “Tiền mất, tật mang”, chỉ đến khi Chung bị cơ quan công an bắt giữ, nhiều người mới ngã ngửa biết mình đã bị lừa.
Hối hận
Nhận án tù, sau gần 8 năm trả án, chưa lúc nào Chung hết hối hận vì những gì mình đã gây ra.
“Lần gặp bố gần đây nhất, em thấy bố già và yếu đi rất nhiều. Bố em là quân nhân về hưu, sức khoẻ yếu nên hiếm khi đi xa nhà. Em vào tù, bố phải lê thân già đến thăm, em hối hận quá”, Chung tâm sự.
Nhớ lại những ngày tháng còn được tự do, Chung càng hối tiếc. Khi còn là giám đốc, tuổi trẻ, ô tô bóng nhoáng, Chung hạnh phúc với cô bạn gái kề bên. Kể về người yêu, Chung xúc động, ngừng lời, cố ngăn dòng nước mắt trực chảy tràn.
Nhiều năm đã trôi qua, nhưng Chung vẫn bám lấy những kỷ niệm, hình bóng xưa như một cái phao để níu lấy những lúc chán chường nhất.
Yêu nhau từ hồi học cấp ba, lúc đó Chung đang học lớp 12, còn bạn gái học lớp 10. Khi Chung thành danh, hai người ước nguyện nên duyên vợ chồng. Nhưng gây án, Chung đã đánh mất tất cả.
Ngày Chung mới nhập trại, nam phạm nhân này vẫn đều đặn nhận được thư của bạn gái động viên, thăm hỏi, hứa hẹn đợi chờ người yêu ra tù sẽ làm lễ cưới.
Nhưng rồi tình cảm giữa hai bên dần nhạt nhòa theo năm tháng Chung phải ngồi tù. Một ngày, Chung nhận được thư người yêu. Bức thư đã làm trái tim Chung tan nát, khổ đau suốt thời gian dài.
Chung kể: “Trong thư cô ấy nói đã tốt nghiệp đại học, đang bị gia đình gây sức ép lấy một người đàn ông làm nghề kinh doanh phụ tùng xe máy làm chồng. Mặc dù vẫn còn yêu em, nhưng cô ấy không dám trái lời bố mẹ”.
Không hề trách người yêu, Chung chỉ thấy ân hận vì những gì mình đã gây ra.
Sau tất cả những vấp ngã, Chung vẫn luôn tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp đang chờ đón mình.
Phạm nhân này chia sẻ: “Tính em thích kinh doanh. Sau khi mãn hạn tù, em sẽ kinh doanh bất động sản với mấy đứa bạn học thời phổ thông. Em tin mình sẽ làm được điều đó”.
Theo T.Nhung
Vietnamnet