Giải thưởng Kovalevskaia năm 2021: Vinh danh nhà khoa học biến cây gia vị thành thuốc chữa bệnh

TPO - GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM) là một trong hai nữ nhà khoa học được vinh danh Giải thưởng Kovalevskaia năm nay. Bà nổi tiếng với các nghiên cứu hóa dược và phát triển thuốc, trong đó nghiên cứu thành công sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh viêm loét dạ dày từ cây gia vị ngải bún.

Sáng nay (16/5), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2021 nhân dịp kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Giải thưởng Kovalevskaia mang tên nhà toán học Nga Sophia Kovalevskaia bắt đầu trao tại Việt Nam năm 1985, là giải thưởng quốc tế đầu tiên dành cho các nhà khoa học nữ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên.

Các nhà khao học chia sẻ tại lễ trao giải sáng nay (16/5). Ảnh: Nguyễn Hoài.

Giải thưởng Kovalevskaia năm 2021 được trao cho GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai và GS.TS. NGƯT Nguyễn Minh Thủy. GS Thủy là giảng viên cao cấp Bộ môn Công nghệ Thực phẩm, Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ. Hai GS được trao giải vì những thành tích xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu khoa học tự nhiên nói riêng.

Nhà khoa học biến cây cỏ thành thuốc

Ngày 8/1/2021, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ trao bằng sáng chế cho GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai và cộng sự với công trình nghiên cứu cao thảo dược hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày và phương pháp chế tạo cao thảo dược này.

Trước đó, GS Mai cùng cộng sự thực hiện đề tài “Xây dựng quy trình chiết xuất cao định chuẩn từ củ Ngải bún và đánh giá tác dụng dược lý theo định hướng sử dụng hỗ trợ điều trị bệnh viêm loét dạ dày”. Kết quả của nghiên cứu đã định hướng cho việc sản xuất các chế phẩm hoặc thuốc điều trị bệnh viêm loét dạ dày từ dược liệu trong nước.

Với định hướng nghiên cứu hóa dược và phát triển thuốc, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai xây dựng được một nhóm nghiên cứu mạnh, triển khai thành công nhiều nghiên cứu như chiết xuất nano hỗ trợ điều trị bệnh viêm khớp từ cây Cà gai leo. Nghiên cứu thành công hợp chất có khả năng kháng ung thư và phương pháp điều chế hợp chất này, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế ngày 24/4/2020.

GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai. Ảnh: Đại học Quốc gia TPHCM.

GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai cùng cộng sự được biết đến với “Nghiên cứu phân lập các hoạt chất từ nguồn cây cỏ Việt Nam định hướng tác dụng ức chế enzyme α-glucosidase, xanthine oxidase và tyrosinase”. Từ 19 mẫu dược liệu, nhóm nghiên cứu đã phân lập và xác định cấu trúc của 228 hợp chất, trong đó có 51 hợp chất mới lần đầu tiên được phát hiện trên thế giới.

Đề tài hoàn thành giai đoạn nghiên cứu cơ bản trong việc phát hiện các hoạt chất có tác dụng ức chế enzyme α-glucosidase, xanthine oxidase và tyrosinase, làm tiền đề cho các nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ chiết xuất, tiền lâm sàng và lâm sàng để có thể phát triển thuốc điều trị các bệnh đái tháo đường, gout và sạm nám da.

Sinh năm 1974, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai hiện là Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM), Hiệu Trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐHQG TPHCM. Bà là người mở đường và hiện là Trưởng Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Hóa Dược và Phát triển thuốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.

GS Mai sở hữu thành tích nghiên cứu khủng như chủ trì và hoàn thành 14 đề tài NCKH các cấp, trong đó có 10 đề tài cấp Bộ, 4 đề tài cấp Tỉnh, công bố 135 bài báo khoa học, trong đó 75 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế và 66 bài báo quốc gia.

Người biến sản vật địa phương thành hàng hóa giá trị

GS.TS.NGƯT Nguyễn Minh Thủy là một trong hai nhà khoa học được vinh danh năm nay. Bà sinh năm 1961, là Giảng viên cao cấp Bộ môn Công nghệ Thực phẩm, Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Với hướng nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật xử lý, tồn trữ và chế biến đa dạng sản phẩm thực phẩm có giá trị chất lượng cao và an toàn từ các loại nông sản nhiệt đới sau thu hoạch, nhiều sản vật địa phương, qua nghiên cứu của bà trở thành các sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao.

Những nghiên cứu nổi bật của bà như “Đánh giá chất lượng mía cây tỉnh Hậu Giang và giải pháp làm giảm tổn thất hàm lượng đường sau thu hoạch”, “Sản xuất rượu vang thốt nốt từ các giống men thuần chủng phân lập từ thốt nốt tự hiên ở huyện Tri Tôn, Tịnh Biên An Giang”, “Nghiên cứu chế biến đa dạng các sản phẩm từ khóm Cầu Đúc Hậu Giang và tận dụng phế liệu cho quá trình trích ly enzyme bromelin”, “Nghiên cứu mô hình chế biến một số sản phẩm từ hành tím an toàn và đảm bảo khả năng tiêu thụ”.

GS Nguyễn Minh Thủy.

Nhờ những nghiên cứu của bà, nhiều công nghệ đã được chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp như “Công nghệ sản xuất rượu vang Sim rừng”, “Công nghệ lọc và làm trong rượu vang Sim”, “Công nghệ sản xuất Sữa hạt sen”.

Trong hơn 38 năm theo con đường nghiên cứu, GS Thủy sở hữu gia tài nghiên cứu khá đồ sợ với 50 bài báo khoa học trong các Tạp chí Quốc tế có uy tín (ISI, SCOPUS, ISSN). Bà cũng có 107 bài báo khoa học trong các Tạp chí Quốc gia, 18 công trình khoa học trong các Kỷ yếu Hội nghị quốc tế.

Tại lễ trao giải sáng nay, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai chia sẻ, con đường nghiên cứu của bà gặp nhiều khó khăn, gần như bắt đầu từ con số 0 khi từ Nhật Bản về nước sau thời gian học TS. Dù vậy, bà chia sẻ, sự cố gắng và nghị lực vượt khó đã giúp bà đạt được thành tựu ngày hôm nay.

GS Minh Thủy cũng chia sẻ con đường nghiên cứu của bà gặp không ít chông gai. “Tôi thường tự trấn an mình rằng người ta làm được thì mình cũng làm được. Qua hành trình của mình tôi thấy, nếu chúng ta có đủ niềm tin, sự quyết tâm, có niềm đam mê, có trách nhiệm với cộng đồng và cả nỗ lực vượt qua chính mình, chúng ta sẽ thành công”, GS Thủy nói.