Giải mật vụ tiêm kích Argentina diệt chiến hạm Anh

Liên Xô đã cung cấp dữ liệu vệ tinh giúp tiêm kích Argentina phát hiện và đánh chìm các chiến hạm hiện đại của Anh gần quần đảo Falkland.
Tiêm kích Argentina nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ vệ tinh Liên Xô. Ảnh: Wikipedia.

Trong cuộc chiến kéo dài 10 tuần trên quần đảo Falkland đầu năm 1982, Mỹ đã cung cấp hàng loạt thông tin tình báo quan trọng, giúp Anh đánh chìm tàu tuần dương hạng nhẹ ARA General Belgrano của hải quân Argentina. Ngược lại, một số tài liệu cho thấy vệ tinh Liên Xô cũng hỗ trợ không quân Argentina trong việc đánh chìm một tàu khu trục tối tân và một tàu hàng giả dạng của Anh, theo RBTH.

Ngày 2/4/1982, quân đội Argentina bắt đầu chiến dịch tấn công quần đảo Falkland do Anh kiểm soát mà nước này gọi là Malvinas, vốn nằm cách cực nam Argentina chỉ khoảng 500 km. Ba ngày sau, London đáp trả bằng cách triển khai một nhóm tàu chiến tới Falkland.

Vào thời điểm đó, Liên Xô không ủng hộ chính quyền quân sự Argentina của tướng Leopoldo Galtieri. Tuy nhiên, cuộc chiến Falkland là cơ hội để Moscow đáp trả phương Tây, sau khi Mỹ và đồng minh viện trợ vũ khí cho các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Afghanistan để chống lại quân đội Liên Xô. Bên cạnh đó, Argentina cũng là một trong hai nước không tham gia lệnh cấm vận lương thực nhằm vào Liên Xô. Việc hỗ trợ Buenos Aires được cho là cách Moscow thể hiện lòng biết ơn.

Lãnh đạo Liên Xô quyết định cung cấp thông tin tình báo về mọi động thái của lực lượng hải quân Anh cho Argentina. Tuy nhiên, các sử gia Nga cho rằng không quân Argentina đã không thể tận dụng tối đa lợi thế này.

Quá trình hỗ trợ Argentina của vệ tinh Liên Xô

Trong cuốn sách "Fidel, bóng đá và Malvinas", nhà phân tích chính trị Sergei Briliov công bố nhiều thông tin quan trọng về cuộc chiến sau khi phỏng vấn các sĩ quan cấp cao Liên Xô.

"Người đầu tiên tôi gặp là tướng Nikolai Leonov, phó chỉ huy đơn vị phân tích của KGB trong thời gian diễn ra cuộc chiến Falkland. Ông ấy đã xác nhận việc Liên Xô triển khai nhiều vệ tinh trinh sát để gửi thông tin cho phía Argentina. Tướng Valentin Varennikov, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Liên Xô, cũng cho biết điều tương tự", ông Briliov tiết lộ.

Vệ tinh do thám Liên Xô chuẩn bị phóng lên quỹ đạo. Ảnh: RBTH.

Ngày 15/5/1982, gần 6 tuần sau khi cuộc chiến Falkland bắt đầu, Liên Xô phóng vệ tinh Kosmos-1365 lên quỹ đạo. Một số nhà phân tích cho rằng nó chỉ có nhiệm vụ duy nhất là thu thập tin tình báo hỗ trợ quân đội Argentina ở Nam Đại Tây Dương.

Các sử gia Nga nhận định dữ liệu từ vệ tinh Liên Xô đã giúp phi đội A-4 Skyhawk của Argentina đánh chìm tàu khu trục hiện đại HMS Coventry cùng 19 thành viên thủy thủ đoàn của hải quân Anh vào ngày 25/5/1982. Briliov cho rằng dữ liệu về hành trình của tàu SS Atlantic Conveyor, được Anh hoán cải từ tàu hàng thành tàu vận chuyển và triển khai máy bay, cũng được Liên Xô chuyển cho phía Argentina.

Ảnh chụp từ vệ tinh Kosmos-1365 có thể đã giúp Moscow và Buenos Aires phát hiện bản chất của SS Atlantic Conveyor. Vẻ ngoài của nó giống một tàu chở hàng thông thường, nhưng khi nhìn từ trên cao, khu vực chứa máy bay của SS Atlantic Conveyor hiện ra rất rõ. Điều này cho phép Argentina tiến hành cuộc tấn công bằng tên lửa chống hạm trong ngày 25/5/1982 nhắm vào tàu hàng giả dạng này.

Hai tiêm kích Super Etendard của không quân Argentina đã phóng hai quả tên lửa Exocet AM39 vào tàu SS Atlantic Conveyor. Cả hai quả đạn đều đánh trúng mạn trái tàu, gây cháy lớn trong khoang chứa của SS Atlantic Conveyor. Tổng cộng 6 trực thăng Westland Wessex, ba trực thăng Chinook và một chiếc Lynx bị phá hủy, 12 thủy thủ trên tàu thiệt mạng. Bản thân SS Atlantic Conveyor cũng bị hư hại nặng nề và chìm sau đó ba ngày.

Tàu SS Atlantic Conveyor bốc cháy sau khi trúng tên lửa. Ảnh: Hải quân Anh.

Sau thiệt hại của HMS Coventry và SS Atlantic, cũng như vụ đánh chìm tàu khu trục phòng không HMS Sheffield, lính Anh buộc phải hành quân bộ qua quần đảo Falkland để chiếm cảng chiến lược Stanley, thay vì triển khai chớp nhoáng bằng đường không.

Sử gia Mario Pablo Sciaroni cho rằng Kosmos-1365 không phải vệ tinh duy nhất tham gia hỗ trợ quân đội Argentina. Trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7/1982, vệ tinh do thám không ảnh Kosmos-1368 liên tục bay qua quần đảo Falkland vào lúc 11h sáng mỗi ngày ở độ cao 240 km. Cùng với đó là vệ tinh trinh sát điện tử Kosmos-1455 và radar bay Kosmos-1372.

Liên Xô cũng hỗ trợ hậu cần cho Argentina qua cầu hàng không từ Brazil. Những máy bay trinh sát tầm xa của Moscow liên tục cất cánh từ châu Phi, trong khi tàu do thám bám đuôi hạm đội Anh trên Đại Tây Dương. Một tàu Liên Xô còn tham gia hoạt động cứu người sống sót khi tàu tuần dương General Belgrano của Argentian bị chìm.

Tuy nhận được sự trợ giúp đắc lực từ tình báo Liên Xô, quân đội Argentina vẫn không thể giành được lợi thế trên chiến trường. Chiến tranh Falkland kết thúc với phần thắng áp đảo của Anh khi nước này giành lại quyền kiểm soát toàn bộ quần đảo từ tay Argentina.

Theo Theo Vnexpress