Giải mã thời Tam quốc: Tôn Kiên và thực hư chuyện ngọc tỷ

TPO - Cuộc chiến với Đổng Trác đã giúp nâng tầm vóc của Tôn Kiên lên hàng một năng thần. Tham gia liên quân phạt Đổng, Tôn Kiên đã cho cả thiên hạ thấy rằng, thế nào mới là một trung thần mẫu mực, thế nào mới là một thần tử đúng nghĩa.
Trong liên quân Quan Đông chỉ có hai người thật lòng muốn đánh Đổng Trác trừ hại cho thiên hạ là Tôn Kiên và Tào Tháo.

Phê Viên Thuật, diệt Vương Duệ, chém Trương Tư


Trong liên quân Quan Đông chỉ có hai người thật lòng muốn đánh Đổng Trác trừ hại cho thiên hạ là Tôn Kiên và Tào Tháo, nhưng hai người này cũng gặp không ít gian nan. Nếu như Tào Tháo hô hào không được ai hưởng ứng, xuất kế đánh địch không có ai ủng hộ, bị đám chư hầu “chỉ biết nói suông” kia làm cho tức chết, thì Tôn Kiên cũng không khá hơn. Ông bị đám người cùng trận tuyến khinh thường coi rẻ, không cấp quân lương, không hỗ trợ.

Thế nhưng cách mà Tào-Tôn phản ứng lại cũng khác nhau. Tào Tháo nói không ai nghe cũng không biết làm sao, thua trận thì quay về căn cứ. Còn Tôn Kiên thua thì phải đánh cho thắng mới dừng, kẻ nào không chịu hỗ trợ, không chịu phối hợp thì phê bình nghiêm khắc, thậm chí tiêu diệt!

Tác phong táo bạo quyết đoán và triệt để này chính là đặc trưng của Tôn Kiên, mà sau này cũng được Tôn gia kế thừa. Viên huyện lại mười bảy tuổi Tôn Kiên ở sông Tiền Đường năm nào dám một mình hù dọa cả trăm tên hải tặc, viên Tư mã Tôn Văn Đài dũng cảm xung phong leo lên thành trì phá giặc làm gương cho binh sĩ, cũng phảng phất cái oai hùng dũng liệt của Tiểu Bá Vương Tôn Sách một ngựa một thương tung hoành Giang Đông sau này.

Với cá tính quyết liệt và triệt để đó, ai dám cản trở quyết tâm của Tôn Kiên đương nhiên sẽ bị tiêu diệt. Thứ sử Kinh Châu Vương Duệ dám “nói năng vô lễ”, Thái thú Nam Dương Trương Tư “đường xá chưa tu sửa, quân tư trang không đầy đủ”, “không cấp quân lương” [1], đều bị Kiên giết chết. Một kẻ có quyền lực khác, quân hàm rất cao, gia thế rất mạnh là Hậu Tướng quân Viên Thuật cũng bị Kiên phê bình nghiêm khắc.

Vốn là sau Tôn Kiên khi đại phá Đổng Trác, chém đầu Hoa Hùng ở Dương Nhân, thì Viên Thuật nghe lời gièm pha của người khác nên không chuyển quân lương cho Kiên nữa. Tôn Kiên hết sức quyết liệt và khẩn trương, ngay trong đêm phi ngựa hơn trăm dặm (hơn 50 km) về Lỗ Dương trách cứ Viên Thuật, lời lẽ hết sức minh bạch rõ ràng: “Ta sở dĩ đem thân xông xáo chẳng hề đoái hoài đến mình” như vậy là có hai lí do: “trên vì quốc gia đánh giặc”, mà “dưới vì tư thù của gia tộc tướng quân” (Đổng Trác nghe tin Viên Thiệu là thủ lĩnh quân Quan Đông liền giết hết họ hàng của Thiệu và Thuật, trong đó có cả Thái phó Viên Ngỗi). Ấy vậy mà “tướng quân lại nghe lời gièm, khiến chúng ta ngờ vực lẫn nhau” [1]. Phê bình có tình có lý như thế khiến Viên Thuật không nói gì được, đành “rất áy náy” mà điều phát quân lương trở lại cho Kiên.

Có thể nói trong liên quân phạt Đổng khi đó, Tôn Kiên đã tỏa sáng rực rỡ, không chỉ nhờ võ công mà còn do văn chí, lên ngựa không chỉ biết đánh thắng, xuống ngựa còn biết tạo lập chuẩn mực, chỉ ra cái sai, phê bình góp ý. Kiên đã cho cả thiên hạ thấy rằng, thế nào mới là một trung thần mẫu mực, thế nào mới là một thần tử đúng nghĩa.

Nếu như Tào Tháo trong giai đoạn này còn được đánh giá là năng thần, Tôn Kiên tại sao không thể là năng thần?

Tôn Kiên rõ ràng chính là một năng thần mẫu mực. Chỉ là ông ta gặp chút rắc rối về vấn đề ngọc tỉ.

Thực hư chuyện ngọc tỉ

Đổng Trác cầu hòa với Tôn Kiên không xong, bèn rút khỏi Lạc Dương chạy về Trường An. Trước khi đi Trác còn làm một chuyện tệ hại là “đốt cháy cung thất, đào bới lăng mộ, lấy hết vật báu”, khiến cho “cựu kinh rỗng không hoang tàn, trong vòng mấy trăm dặm không hề có khói lửa”. Vị trung thần Tôn Kiên vào Lạc Dương nhìn thấy cảnh ấy, không cầm lòng được đã “buồn bã rơi nước mắt”, rồi sau đó Kiên “tu bổ lăng mộ”, “quét dọn tông miếu”, “sửa sang lại việc tế tự” [1]. Tôn Kiên đã làm tất cả những gì có thể để vãn hồi lại mặt mũi cho một vương triều Hán vốn đã bị Đổng Trác tàn phá đến không còn chút thể diện. Đó cũng là hoàn cảnh của câu chuyện ngọc tỉ.

“Tam Quốc Chí - Tôn Phá Lỗ, Thảo Nghịch truyện” có trích một đoạn từ “Ngô thư” nói quân của Tôn Kiên tìm thấy trong giếng Chân Quan một cái “ấn ngọc truyền quốc” có khắc tám chữ “Thụ mệnh vu thiên, ký thọ vĩnh xương” [2]; cũng trích “Sơn Dương công tái ký” nói rằng khi Viên Thuật sắp tiếm hiệu, đã uy hiếp mẹ của Kiên để đoạt lấy ấn ngọc này. Như vậy, câu chuyện Tôn Kiên âm thầm chiếm giữ ngọc tỉ phải chăng là có thật?

Phần “chú” của Bùi Tùng Chi trong Tam Quốc Chí còn cung cấp tài liệu từ nhiều nguồn khác. Chẳng hạn, sách “Chí lâm” của Ngu Hỷ chép rằng ấn ngọc của Thiên tử thật ra có đến sáu cái, chữ khắc trên đó lần lượt là “Hoàng đế chi tỉ”, “Hoàng đế hành tỉ”, “Hoàng đế tín tỉ”, “Thiên tử chi tỉ”, “Thiên tử hành tỉ”, “Thiên tử tín tỉ”. Như vậy số lượng và chữ khắc trên ngọc tỉ đều khác so với ấn ngọc mà Tôn Kiên thu được, liệu ấn mà Tôn Kiên thu được có đúng là ngọc tỉ hay chỉ là một loại ấn khác?

Sách “Hán cung” của họ Ứng thì chữ khắc trên ngọc tỉ truyền quốc lại là “Thụ mệnh vu thiên, ký thọ thả khang” [3], cũng khác với cái ấn ở Lạc Dương, vậy có phải Tôn Kiên đã bị oan?

Chính vì sự việc còn không rõ ràng, các sách chép khác nhau, nên Trần Thọ trong phần chính văn của Tam Quốc Chí đã không đưa chi tiết Tôn Kiên giấu ngọc tỉ vào trong bộ sử này. Thực hư ra sao, có lẽ khó có đáp án chính xác. Nhưng trong phần “chú” của Tam Quốc Chí, Bùi Tùng Chi có bàn về dữ liệu trong “Ngô thư” (bộ sử về nhà Ngô) rằng “Sử quan nước Ngô muốn làm rạng rỡ cho nước mình, nhưng chẳng biết là đã làm tổn hại đến cái đức tốt của Kiên” (tức là có khả năng “Ngô thư” đã thêm thắt chi tiết ngọc tỉ vào – NV), có thể xem là một lí giải phù hợp vậy.

Tiên chủ của Giang Đông

Tôn Kiên từng một lần rơi nước mắt khi chứng kiến đô thành Lạc Dương bị Đổng Trác tàn phá. Còn có lần thứ hai “mãnh hổ Giang Đông” này rơi lệ, là khi Viên Thiệu phái người đến đánh Kiên để tranh giành Dự Châu. Đổng tặc ở Trường An còn chưa phá được thì các chư hầu đã lo vun vén cơ đồ riêng, khiến cho Kiên phải bùi ngùi mà than rằng: “Cùng cất nghĩa binh, cứu giúp xã tắc. Nghịch tặc sắp bị phá mà mọi người như thế, ta sẽ hợp sức với ai đây!”.

Mười tám lộ chư hầu phạt Đổng là một cột mốc khiến cho nhiều người lột bỏ lớp mặt nạ, cũng sẽ khiến cho nhiều người thay đổi tâm tư. Tào Tháo từ một năng thần dần dần biến thành gian hùng. Viên Thiệu, Viên Thuật vốn mang danh trung thần rồi sẽ từ từ hóa thành kiêu hùng, bộc lộ dã tâm. Còn Tôn Kiên – một anh hùng đúng nghĩa cho đến thời điểm ấy, lại bối rối không biết về đâu, theo ai. Và cũng tại thời điểm ấy, Kiên bất hạnh qua đời, chết vì trúng phục binh của Hoàng Tổ khi dám “một mình một ngựa” [1] đi qua Hiện Sơn. Chiến tướng “lấy một cản trăm” năm xưa nay phải bỏ mình cũng vì sự táo bạo đã thành thói quen đó, cái chết ấy cũng không khác chuyện Tôn Sách sau này đi một mình rồi bị ám sát là bao. Dũng cảm quyết đoán, đến mức liều lĩnh khích liệt, để rồi chết trẻ, sự nghiệp dang dở, để lại bao nuối tiếc… âu cũng là một loại lựa chọn, một kiểu số phận của hai cha con Tôn Kiên – Tôn Sách vậy.

“Cùng cấp nghĩa binh, cứu giúp xã tắc. Nghịch tặc sắp bị phá mà mọi người như thế, ta sẽ hợp sức với ai đây!”

Tôn Kiên chết nhưng cơ nghiệp Giang Đông lại chỉ mới bắt đầu. Mãnh hổ mất đi nhưng vẫn còn đó bộ khúc và tướng sĩ trung thành. Chính lực lượng này sẽ là tiền đề cho Tôn Sách chinh phạt khắp miền Đông Nam về sau. Danh tiếng và uy vọng của Tôn Kiên cũng chính là cơ sở để người tài theo về với Tôn gia. Cơ nghiệp Giang Đông đã được xây nên từ những viên gạch đầu tiên như thế.

Đất Giang Đông không chỉ có mãnh hổ Tôn Kiên, Tiểu Bá Vương Tôn Sách hay Ngô chủ Tôn Quyền, mà còn có một Tôn Thượng Hương tuyệt sắc và cũng không kém phần oai hùng, về sau được gả cho chủ nhân Thục Hán – Lưu Bị. Cuộc hôn nhân này có gì đặc biệt? Đón xem kỳ tới: Hôn nhân Tôn - Lưu: “Chồng gì anh, vợ gì tôi?”

Chú thích và tham khảo:

[1] Tam Quốc Chí – Tôn Phá Lỗ, Thảo Nghịch truyện (NXB Văn học 2016, Bùi Thông dịch, Phạm Thành Long hiệu đính).

[2] Tức “nhận mệnh trời ban, thọ lâu vĩnh viễn”.

[3] Tức “nhận mệnh trời ban, thọ lâu khỏe mạnh”.