Giải mã bí ẩn bé trai chỉ ăn gạo sống

Những ngày qua, câu chuyện về em bé chỉ thích ăn gạo sống và uống sữa mà vẫn phát triển bình thường, đang là thông tin được giới truyền thông chú ý.

Giải mã bí ẩn bé trai chỉ ăn gạo sống

> Chuyện kỳ lạ về cậu bé chỉ thích ăn gạo sống 

Những ngày qua, câu chuyện về em bé chỉ thích ăn gạo sống và uống sữa mà vẫn phát triển bình thường, đang là thông tin được giới truyền thông chú ý.

Bé Tấn Bảo lấy gạo sống ăn thay cơm.
 

Một câu hỏi được đặt ra là, phải chăng bé Huỳnh Tấn Bảo là trường hợp đặc biệt hiếm có ở Việt Nam cũng như trên thế giới?

Khỏe mạnh nhờ gạo sống?

Về ấp Tịnh Mỹ, xã Tịnh Thới, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, hỏi bé Huỳnh Tấn Bảo thì hầu như ai cũng biết, bởi cậu bé lên 6 tuổi của vợ chồng anh Huỳnh Thanh Tân (36 tuổi) và chị Nguyễn Phượng Huỳnh (31 tuổi) đang trở thành “người nổi tiếng” tại đây. Không còn là những tin đồn khi chính thức gia đình bé Bảo thừa nhận, cậu bé này bắt đầu ăn gạo sống thay cơm khi được khoảng 1 tuổi. “Lúc đầu, Bảo đến mở nắp lu gạo, tôi tưởng bé lấy gạo ra nghịch. Nhưng bé lấy gạo bỏ vào miệng nhai rồi nuốt ngay, cứ như vậy cháu bốc từng nắm lớn trong bàn tay và cho vào mồm ăn... ngon lành”, chị Huỳnh nhớ lại lần đầu tiên cậu con trai của mình ăn gạo sống.

Câu chuyện về bé Bảo còn kỳ lạ hơn khi ngoài gạo sống, Tấn Bảo không ăn bất kỳ loại thịt cá hay thực phẩm khác đã được nấu chín. Bé không ăn ngày 3 bữa chính như mọi người mà ăn nhiều lần trong ngày mỗi khi thấy đói. Ngoài gạo, bé Bảo chỉ thích ăn các loại bánh snack, uống sữa và nước mía. Bé cũng rất ít ăn trái cây. “Gạo của Tấn Bảo ăn phải để riêng. Nếu để chung với gạo của gia đình là bé chê hôi, không ăn. Tôi không biết bé ăn mỗi ngày bao nhiêu gạo nhưng cứ vài ngày phải mua 1kg gạo để riêng cho bé ăn. Riêng sữa tươi thì một tuần phải mua một thùng 48 gói”, chị Huỳnh cho biết về cách nuôi cậu con trai đặc biệt của mình.

Chị Huỳnh cho biết thêm, vợ chồng đã có 2 con, thế nên chị đặt vòng tránh thai nhưng không ngờ lại có thai và sinh thêm bé Tấn Bảo. “Tôi quyết định không sinh thêm, nhưng không hiểu sao lại mang thai Bảo, vậy là vợ chồng tôi lại để đẻ do không muốn phá thai”, chị Huỳnh nói. Khi được 6 tháng tuổi, bé Tấn Bảo đã phải nằm viện. Lúc đó, chị Huỳnh quấy bột cho bé Bảo ăn dặm, nhưng ăn được một lát, bé ói ra hết. Bị liên tục 2 ngày, gia đình đưa bé Bảo vào BV, được bác sĩ chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột phải nằm viện hơn một tháng.

Về nhà, người mẹ không dám cho con ăn nữa mà chỉ cho uống sữa. Cứ như vậy đến lúc bé Bảo được 14 tháng tuổi, gia đình cho ăn cơm, cá đã nấu chín, bé Tấn Bảo lại tiếp tục bị ói, sốt nóng phải đi nằm viện hơn một tuần. Tuy nhiên, gia đình cho biết, từ khi bé ăn gạo sống cho đến nay, rất ít bệnh vặt và đi tiêu vẫn tốt. Hiện tại, bé Tấn Bảo đã học xong lớp mẫu giáo và chuẩn bị vào học lớp 1. Khi học tại trường mầm non, phần dinh dưỡng “đặc biệt” của Bảo là nhúm gạo sống mang từ nhà đi. Vì không ăn như các bé khác, nhà trường không thu tiền phần dinh dưỡng của bé.

Không phải trường hợp duy nhất

Trên thế giới đã ghi nhận các trường hợp tương tự như Tấn Bảo. Trước đây, tại Indonesia đã có trường hợp tương tự xảy ra đối với chị Indrayani ở Surabaya. Trong thời kỳ mang thai, chị Indrayani bất ngờ nghén ăn “gạo sống” cứ như vậy trong suốt thời gian mang thai cho đến khi sinh, chị Indrayani chỉ ăn gạo sống và uống nước lọc. Thậm chí sau khi sinh con, người phụ nữ này vẫn chỉ thích chế độ dinh dưỡng đặc biệt này. Chị Indrayani không thể ăn được bất kỳ loại thực phẩm nào khác, cứ mỗi lần đưa thực phẩm được nấu chín lên miệng là chị đều cảm thấy buồn nôn. Tính tới thời điểm hiện tại, chị Indrayani đã sống mà không cần ăn cơm giống người bình thường trong vòng 10 năm trời. Lý giải cho hiện tượng trên, Tiến sĩ Rudiyanti của BV Premier Bintaro, Jakarta giải thích, phụ nữ mang thai thường thích ăn các loại thực phẩm có axit, tươi hoặc cay.

Nhưng, một số phụ nữ mang thai lại có thói quen ăn các thực phẩm ít phổ biến. Nhai gạo sống là một ví dụ. Và cứ như vậy thói quen này được duy trì cho đến sau khi sinh. Nhưng có một điểm khiến Tiến sĩ Rudiyanti cảm thấy lo lắng cho sức khỏe của chị Indrayani đó là việc gạo sống có thể đã bị nhiễm vi khuẩn từ môi trường xung quanh, nếu ăn mà không loại trừ vi khuẩn dịch bệnh trước có thể gây ra bệnh tiêu chảy. Bên cạnh đó việc đang mang thai mà ăn gạo sống cũng không tốt cho sức khỏe cũng như dinh dưỡng cho thai nhi.

Có lẽ câu chuyện của chị Indrayani có thể giải thích được, nhưng trường hợp của cậu bé Rogerio, tại Philippines thì cho đến nay cũng chưa có lời giải. Bắt đầu cơn nghiện ăn gạo sống từ khi lên 2 tuổi, cậu bé Rogerio không còn khoái bất kỳ món ăn nào khác như những người bình thường. Đã có lần gia đình ép cậu bé phải ăn cơm như mọi người, nhưng sau lần đó cậu bé đã bị đau bụng tưởng mất mạng. Kể từ đấy, gia đình chỉ dám cho Rogerio ăn gạo sống và uống nước lã. Dù không đạt đủ chiều cao, cân nặng như bạn bè cùng trang lứa, nhưng đến nay dù đã 10 tuổi Rogerio được cho là vẫn phát triển ở mức chấp nhận được dù lượng dinh dưỡng hấp thụ hàng ngày của em không đạt mức tối thiểu. Ông Phillip, cha của Rogerio cho biết, gia đình đã từng nhiều lần thử thay đổi món khoái khẩu của em, nhưng kết quả đều không được. “Rogerio chỉ cần gạo và nước, vậy là đủ đối với nó, chúng tôi đã đưa cháu đi khám tại nhiều nơi, nhưng không ai có thể lý giải nổi cơn thèm gạo của Rogerio…”, ông Phillip chia sẻ. Tính tới thời điểm hiện tại, Rogerio đã có 8 năm ăn gạo sống liên tục, và con số này có lẽ sẽ không dừng lại tại đó khi mà lượng gạo sống hàng ngày được cậu bé này tiêu thụ vẫn không ngừng tăng lên.

Những lời đồn thổi và lý giải khoa học

Trở lại câu chuyện của cậu bé Tấn Bảo, chỉ thích ăn gạo sống, nhiều người hàng xóm cũng đã xì xầm to nhỏ khi cho rằng: “Có con ăn gạo sống sẽ nghèo mạt kiếp” hay “con ăn gạo sống không khác gì dị nhân, sẽ chỉ mang điềm gở cho gia đình mà thôi”. Thậm chí có người còn cho rằng bé Bảo không phải người bình thường, mà là “người giời” được phái xuống trần gian để trừng trị những tội lỗi do gia đình gây ra từ… kiếp trước khiến vợ chồng chị Huỳnh không khỏi ưu tư.

Nhưng cũng có nhiều người bảo, bé Tấn Bảo ăn gạo sống, không ăn được thịt cá là “điềm lành” báo hiệu sự sung túc, giàu có cho gia đình sau này với ý nghĩa gia đình lúc nào cũng đề huề, thóc gạo đầy bồ. Mặc dù, xuất hiện những lời đồn thổi thiếu căn cứ xung quanh câu chuyện bé Tấn Bảo chỉ ăn gạo sống không ăn cơm, nhưng gia đình chị Huỳnh vẫn không lo lắng bằng việc tìm nguyên nhân vì sao bé Bảo lại có sở thích kỳ lạ đến như vậy trong suốt một thời gian dài.

Để lý giải cho hiện tượng này, bác sĩ Ngô Thị Kiều Nga, Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Đa khoa Đồng Tháp cho hay, trên thế giới có người thèm ăn những thứ phi thực phẩm, có rất ít hoặc hoàn toàn không có giá trị dinh dưỡng, như đất sét, đinh, cát, phấn, phân gà... “Các bác sĩ chuyên khoa vẫn chưa tìm được nguyên nhân và lời giải thuyết phục cho chứng bệnh lỳ lạ này. Nhưng đây không phải là trường hợp hiếm trên thế giới”, bà Nga nói. Bà Nga cho biết, gạo sống là thứ có nhiều tinh bột sống, cơ thể không có men (enzym) để tiêu hóa loại này. Vì vậy, ăn gạo sống như bé Bảo có thể bị rối loạn tiêu hóa, khó tiêu, không hấp thụ được chất dinh dưỡng.

Nhưng bù lại cháu Bảo uống được sữa rất nhiều, đây là nguồn cung cấp dinh dưỡng cho cháu. Đồng quan điểm trên, bác sĩ Trần Quốc Vĩnh, khoa Nội soi tiêu hóa BV Đa khoa Quốc tế Yersin (TP HCM) nói, câu chuyện của bé Tấn Bảo hết sức kỳ lạ, trong khi y học còn đang tìm hiểu nguyên nhân của việc này thì có thể kết luận việc ăn gạo sống không hề có lợi gì cho sức khỏe, “có thể cơ thể Bảo “lọc” được nhiều chất dinh dưỡng từ gạo, nhưng có lẽ không có sữa thì Tấn Bảo không thể phát triển được như bạn bè cùng trang lứa”, ông Vĩnh nhấn mạnh.

Theo Thái Yên
Pháp luật Xã hội

Theo Đăng lại