Vàng miếng hiệu Phượng Hoàng PNJ-DAB của Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, niêm yết lúc 9 giờ 44, là 43,62 – 43,72 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Hệ thống Sacombank công bố giá vàng miếng hiệu SBJ, cùng thời điểm, mua – bán tương ứng 43,32 – 43,82 triệu đồng/lượng.
Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn công bố giá vàng SJC, lúc 9 giờ 30, mua vào 43,62 triệu đồng/lượng, bán ra 43,82 triệu đồng/lượng.
Tại Hà Nội, giá SJC niêm yết tại Công ty Vàng bạc Đá quý Doji giữa buổi sáng là 43,72 – 43,82 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). So với cùng thời điểm hôm qua, vàng hiện tăng nhẹ từ 10.000 đến 50.000 đồng/lượng.
Vàng thế giới đêm qua giảm xuống mức thấp nhất trong chín tuần, theo đà đi xuống của thị trường hàng hóa và chứng khoán toàn cầu, sau khi Trung Quốc công bố chỉ số sản xuất thấp hơn mong đợi, khiến thị trường thất vọng.
Khép phiên giao dịch đêm 22-3 tại Mỹ, vàng giao tháng tư giảm 7,8 USD (tương đương 0,5%), còn 1.642,50USD/Oz – mức thấp nhất từ ngày 13-1, trước khi phục hồi nhẹ lên vùng 1.646USD/Oz trong phiên giao dịch sáng nay tại thị trường châu Á.
Chứng khoán toàn cầu mất điểm sau khi các thống kê mới nhất cho thấy, đơn hàng nhà máy tháng hai của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong bốn tháng.
Trung Quốc hiện là quốc gia tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên nhiều nhất thế giới, nên bất cứ dấu hiệu tiêu cực nào từ quốc gia này cũng ảnh hưởng xấu lên thị trường hàng hóa toàn cầu.
Đầu tuần này, vàng cùng nhiều loại hàng hóa khác đều chịu áp lực giảm sau khi một quan chức cấp cao trong ngành khai khoáng thế giới tiết lộ nhu cầu tiêu thụ sắt tại Trung Quốc đang chậm lại.
Đồng USD tăng cũng tác động tiêu cực lên giá kim loại quý. Chỉ số ICE đo lường sức mạnh đồng USD so với sáu loại tiền tệ cơ bản khác hôm qua tăng từ 79,654 lên 79,783.