Trong phiên giao dịch sáng 17/9, Reuters ghi nhận giá vàng giao ngay giảm 0,06% xuống 2.580,51 USD/ounce. Giá vàng giảm nhẹ sau khi thị trường ghi nhận mức tăng liên tục. Ở phiên giao dịch ngày 16/9, giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 2.585,54 USD/ounce, sau khi đạt mức cao nhất mọi thời đại là 2.588,81 USD vào đầu phiên.
Theo đánh giá của Tim Waterer - chuyên gia phân tích thị trường tại KCM Trade, nhiều khả năng vàng đạt mức 2.700 USD/ounce vào cuối năm nếu giá vàng đi theo lộ trình như hiện tại.
Về thị trường nhiên liệu, giá dầu thô Brent tương lai tăng 0,18% lên 72,89 USD/thùng. Giá dầu thô Mỹ tương lai tăng 0,43% lên 70,40 USD/thùng.
Trong khi đó, giá cổ phiếu ở châu Á liên tục biến động. Chỉ số MSCI rộng nhất về cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản chỉ tăng 0,1%.
Nikkei của Nhật Bản giảm 0,6% do bị ảnh hưởng mức giảm của các cổ phiếu công nghệ tại Phố Wall.
Giá cổ phiếu tương lai S&P 500 và Nasdaq lần lượt giảm 0,12% và 0,05%, trong khi giá cổ phiếu tương lai EUROSTOXX 50 và FTSE đều tăng hơn 0,3%, đánh dấu mức biến động trái chiều.
Theo chuyên gia, kỳ nghỉ lễ kéo dài ở Trung Quốc và Hàn Quốc khiến các điều kiện giao dịch kém sôi động. Trong khi đó, các nhà đầu tư tập trung vào quyết định của Fed, giữa lúc tỷ lệ cược việc cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản tăng.
Hiện, thị trường định giá có đến 67% khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất sau khi kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ ngày 18/9. Những ngày qua, hàng loạt báo cáo cho thấy triển vọng nới lỏng lãi suất.
Neil Shearing - chuyên gia kinh tế tại Capital Economics - cho biết: "Việc cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản trong tuần này dựa trên quan điểm cho rằng lãi suất cao hơn nhiều so với ước tính. Các quan chức trước đó duy trì chính sách trì hoãn, tạo rủi ro cho nền kinh tế. Việc trì hoãn là rào cản lớn đối với việc cắt giảm lãi suất".
Chuyên gia cho rằng sự không chắc chắn về quy mô cắt giảm lãi suất từ đầu năm đến nay là một trong những nguyên nhân khiến giá vàng và cổ phiếu thế giới chao đảo.