Ngày 5/3, tỷ giá USD tiếp tục tăng mạnh so với hôm qua. Đặc biệt, trên thị trường tự do, giá USD tiếp tục lập kỷ lục mới lên 25.700 đồng/USD.
Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức 24.012 VNĐ/USD (tăng 8 đồng so với hôm qua). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước hiện mua vào ở mức 23.400 VNĐ/USD (không đổi) và bán ra ở mức 25.162 VNĐ/USD (tăng 8 đồng).
Tỷ giá USD hôm nay tăng nhẹ tại đa số ngân hàng. Ngân hàng Vietcombank tăng 10 đồng cả giá mua và giá bán lên mức 24.480 - 24.850 VNĐ/USD. Ngân hàng VPBank giảm 17 đồng cả giá mua và giá bán xuống mức 24.478 - 24.838 VNĐ/USD. Ngân hàng Á Châu giảm 10 đồng cả giá mua và giá bán xuống mức 24.490 - 24.840 VNĐ/USD. Ngân hàng MB tăng 5 đồng cả giá mua và giá bán lên mức 24.505 - 24.995 VNĐ/USD. Ngân hàng Techcombank tăng 5 đồng giá mua và tăng 7 đồng giá bán lên mức 24.513 - 24.845 VNĐ/USD. Ngân hàng Seabank tăng 25 đồng cả giá mua và giá bán lên mức 24.510 - 24.940 VND/USD.
Hiện giá mua vào phổ biến ở mức 25.550 đồng, tăng khoảng 50 đồng so với hôm qua. Giá bán ra tại nhiều điểm giao dịch trên thị trường phi chính thức lên đến 25.700 đồng, tăng khoảng 100 đồng so với hôm qua. Trước đó, trong ngày 4/3, giá USD tự do cũng đã tăng 100-150 đồng. Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá USD tự do đã tăng khoảng 900 đồng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Lê Thị Hương Trà - Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng - cho biết, mức giá trên là vùng giá cao nhất của giá USD trên thị trường tự do từ trước đến nay.
Theo bà Trà, nguyên nhân thứ nhất khiến USD tăng giá đó là chỉ số USD mới đây đã tăng từ 102-103 lên 104 điểm. Trong khi đó chỉ số USD quý III/2023 chỉ ở mức 100,3 điểm.
Ngoài ra, giá USD tăng mạnh cũng bị có thể ảnh hưởng nhiều bởi giá vàng. Theo thống kê của Hội đồng Vàng thế giới, trong vài năm gần đây, Việt Nam tiêu thụ khoảng 50-60 tấn vàng nguyên liệu/năm, gấp hơn 20 lần tổng lượng vàng khai thác trong nước.
"Việt Nam phải chi hàng tỷ USD/năm để nhập lượng vàng lớn, điều này cũng đã gây áp lực lên tỷ giá hối đoái. Ngoài ra, đây cũng có thể là lỗ hổng cho việc buôn lậu vàng qua biên giới. Vấn nạn vàng lậu này do đó đòi hòi sự quản lý nghiêm ngặt, chặt chẽ từ các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng, từ đó có thể mới quản lý tốt hơn cả thị trường vàng và thị trường đô la Mỹ tự do", bà Trà nói.
Bộ phận phân tích Chứng khoán PHS mới đây đã đề cập tới tình trạng găm giữ ngoại tệ trong bối cảnh đồng USD liên tục tăng tại thị trường trong nước lẫn thế giới.
Trong đánh giá về ngành ngân hàng gần cuối tháng 2 vừa qua, PHS cũng đã nhắc đến việc tín dụng còn đang tăng khá chậm và kỳ vọng sự cải thiện từ cuối quý I năm nay.
Vì vậy hệ thống ngân hàng vẫn duy trì trạng thái thặng dư thanh khoản lớn trong quý I (đặc biệt là sau khi tiền quay lại hệ thống sau dịp Tết), tạo động lực cho việc găm giữ trạng thái, theo PHS.
Bà Hoàng Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng phân tích Chứng khoán Phú Hưng (PHS) - cho biết tỷ giá thường khá ổn định giai đoạn đầu năm nhờ nguồn tiền kiều hối và FDI về khá mạnh. Tuy nhiên bối cảnh năm 2024 có nhiều khác biệt, đáng kể nhất lãi suất chênh lệch giữa USD và VNĐ đang ở mức âm trong suốt giai đoạn qua.
Ngoài ra, các doanh nghiệp thanh toán các khoản vay nước ngoài và hoạt động kết chuyển lợi nhuận về nước sở tại cũng là yếu tố góp phần.
Tuy nhiên, bà Liên vẫn cho rằng "VNĐ là đồng tiền mạnh nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực, với mức giảm 1,5%". Đồng baht của Thái Lan mất giá mạnh nhất so với đầu năm khi giảm tới 5%, kế đến là Malaysia ringgit (-3,8%), đồng won Hàn Quốc (-3,1%). Riêng Ấn Độ vẫn duy trì mức tăng giá so với USD (0,4%).