> Lạc lối vì cha mẹ thiếu quan tâm
Phương pháp dạy con của Amy Chua có phải là đặc trưng của các bậc phụ huynh phương Đông?
Phương pháp dạy con của Amy Chua không phải là đại diện cho phương Đông hay phương Tây. Cuộc sống hiện đại, Đông hay Tây, mỗi nơi đều gặp những khó khăn nhất định trong việc giáo dục con cái. Vì thế, không thể đưa ra một phương pháp cụ thể để áp dụng.
Giáo dục con không thể áp dụng phương pháp này hay khước từ phương pháp kia một cách máy móc, mù quáng mà phải cân nhắc và tìm hiểu xem chúng có hiệu quả không. Làm cha mẹ tốt thật khó. Chúng ta rất dễ bị mắc sai lầm trong hành trình giáo dục con.
Ông đánh giá thế nào về phương pháp của Amy Chua? Đâu là điểm mạnh, điểm yếu?
Điểm mạnh nhất là dạy con chú trọng những môn khó, đòi hỏi trí thông minh, tính kiên trì, chăm chỉ để lĩnh hội. Tuy nhiên, Amy Chua nhầm lẫn giữa khái niệm thành công và địa vị xã hội. Địa vị thường đi liền với thanh danh còn thành công là đạt được cái gì đó trong mục tiêu đề ra. Amy Chua luôn hướng con đến thanh danh, địa vị xã hội. Điều này không hề tốt cho con trẻ, nó sẽ tạo áp lực về thành tích hơn là mục đích hướng tới.
Trong dạy con, người Việt Nam có câu “thương cho roi cho vọt”. Ông nghĩ sao về điều này?
Chúng ta không thể giáo dục con theo cách nhào nặn, khuôn khổ. Không nên đặt ra định mức cho con là dành bao nhiêu thời gian học, chơi, không nên nói cái gì hoàn toàn đúng hoặc hoàn toàn sai. Cha mẹ cũng không nên ép con thực hiện như một cái máy.
Amy Chua đưa ra quy định khắt khe, buộc hai cô con gái phải thực hiện và bà đã thành công. Tuy nhiên, những đứa trẻ được dạy theo khuôn phép của cha mẹ hổ liệu ứng phó được với các vấn đề nóng bỏng của cuộc sống hiện đại hay không là một vấn đề khác.
Ông có lời khuyên nào dành riêng cho các bậc cha mẹ Việt Nam?
Phương pháp của mẹ hổ cho thấy sự yêu thương vô bờ của người mẹ dành cho con. Phụ nữ Việt Nam cũng là những con người như thế. Như nhiều cha mẹ Việt Nam đã biết, con trẻ phải được đào tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh để sau này giành lấy những vị trí tốt trong xã hội.
Tuy nhiên, không nên áp dụng cứng nhắc một phương pháp. Lớp trẻ Việt Nam rất nhiều tiềm năng, các bậc phụ huynh nên định hướng con trẻ có bước đi vững chắc bằng phương pháp phù hợp.
Vậy để dạy con trẻ thành công, đặc biệt là để trở thành công dân toàn cầu, theo GS điều gì quan trọng nhất?
Dạy con không phải là một cuộc nghiên cứu hay thử nghiệm. Vì thế chúng ta không nên thắc mắc quá nhiều về phương pháp nào phù hợp hay không phù hợp mà nên đặt câu hỏi: người trẻ thời đại toàn cầu hóa cần học điều gì? Theo tôi, họ cần học các giá trị sống và cần sự học, cần độc lập suy nghĩ.
“Khúc chiến ca của mẹ hổ” (Battle Hymn of Tiger Mother) là cuốn hồi ký của Amy Chua, 49 tuổi, giảng viên Trường Yale (Mỹ). Bằng cách dạy con hà khắc (không cho xem ti vi, không chơi điện tử, không tham gia hoạt động ngoại khóa, không chơi nhạc cụ nào khác ngoài piano và violon…), Amy Chua đã đào tạo con gái lớn trở thành thần đồng piano và đỗ liền hai trường ĐH danh tiếng Harvard và Yale; còn cô em thành nghệ sĩ violin tài năng.
“Tôi là mẹ của hai đứa con trai và rất nghiêm khắc. Đến thời điểm này, hai con trai tôi vẫn ngoan, học giỏi. Tuy nhiên, tôi thấy mình không thể duy trì kỷ luật thép trong cả quãng thời gian dài như Amy Chua. Tôi cũng không thể bắt ép con thực hiện mọi việc theo ý muốn của mình bởi khi ép con làm những việc mà chúng không thích, tôi cảm thấy đau lòng”.
“Con gái tôi bước sang tuổi 18, tôi nghiêm khắc tuyên bố con phải tự ra ngoài kiếm tiền nuôi sống bản thân. Con gái tôi phản ứng quyết liệt, giận dỗi bỏ nhà đi, cho rằng tôi quá nhẫn tâm với nó. Hôm sau nó tự tìm về.
Sau khi nghe tôi giảng giải, nó đã hiểu ra rằng, điều tôi nói chỉ là muốn rèn cho nó tính tự lập, muốn cho nó động lực phấn đấu chứ không phải ghét bỏ. Tự lập là nguyên tắc dạy con của tôi. Đôi khi vì nguyên tắc đó mà tôi gây căng thẳng với con. Tôi bỏ công đi học hỏi kinh nghiệm dạy con để mềm mỏng hơn, gần gũi con hơn”.
Lưu Trinh thực hiện