Kể từ 16/3 tới, giá bán lẻ điện bình quân của Việt Nam tăng 7,5%, đạt mức 1.622,05 đồng/kWh.
Trên cơ sở này, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 2256 hôm 12/3, đã đưa ra biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt.
Theo đó, tỷ lệ phần trăm để tính giá bán lẻ cụ thể cho từng khách hàng đã có sự thay đổi nhỏ: Các hộ dân dùng 100 kWh điện trở xuống được ưu đãi hơn, mức tăng giá từ 6,9% đến dưới 7,5%. Nếu dùng trên 100kWh, các hộ sẽ chịu mức tăng cao hơn mức 7,5%.
Cụ thể, giá điện ở bậc 1 chỉ mất 1.484 đồng/kWh, lợi hơn 8 đồng/kWh so với tỷ lệ đáng lẽ phải bằng 92% giá bình quân. Giá điện bậc 2 cũng có lợi tương tự.
Giá điện bậc cao nhất là 2.587 đồng/kWh, tăng thêm 8 đồng/kWh so với tỷ lệ đáng lẽ chỉ bằng 157% giá bình quân.
Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cho biết, hiện điện sinh hoạt chiếm 29% tổng sản lượng tiêu thụ điện trên toàn quốc.
Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt năm 2015.
Trong đó, các hộ dùng dưới 50 kWh chiếm 11%, các hộ dùng từ 51 đến dưới 100 kWh chiếm 5,79%.
Các hộ dân tiêu thụ điện từ 101-200 kWh chiếm 2,59%. Các hộ dân dùng từ 200 kWh đến 300 kWh chiếm 2,4%.
Các hộ dân dùng từ 300 kWh đến dưới 400 kWh chiếm 1,1%. Hộ dùng trên 400kWh điện chiếm 2%.
Với cách tính này, các hộ dân dùng nhiều điện, đa số ở khu vực thành thị sẽ chịu tác động tăng giá điện mạnh hơn so với các hộ khu vực nông thôn, vùng sâu, xa.
Đây là lần thứ 10 Việt Nam tăng giá điện trong 8 năm qua. Trong đó, mức tăng 7,5% lần này là mức cao so với bốn lần liên tục vừa qua, chỉ tăng 5% mỗi đợt.
Đợt tăng giá điện này sẽ giúp tăng doanh thu của EVN thêm 13.000 tỷ đồng.