> Từ 1-6, giá điện theo cơ chế thị trường
Nhiều loại giá
Theo một chuyên gia ngành điện, khái niệm giá điện theo thị trường cạnh tranh trong trường hợp này chưa đúng, vì hiện mới chỉ có một người mua, một người bán làm sao cạnh tranh được. Nhiều người mua, nhiều người bán thì mới là thị trường cạnh tranh.
Hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa tách được chi phí phát điện vào các giờ cao điểm, giờ thấp điểm, giờ ban đêm. Còn nếu đúng theo giá thị trường ngành điện sẽ phải chia nhỏ nhiều mức giá theo các thời điểm khác nhau trong ngày để tính. Các nước đã áp dụng mô hình này từ lâu.
Ngoài ra, để giá theo thị trường, sẽ phải tách giá thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện dầu tính riêng. EVN đang chiếm thị phần lớn nhất sẽ phải thực hiện theo hai cách bán. Bán riêng từng loại điện (thủy điện, nhiệt điện…) hoặc bán đổ đồng bình quân các loại điện.
“Nếu mùa khô năm nay mà phải chạy dầu phát điện nhiều thì giá điện sẽ tăng cao hơn. Theo cơ chế này, giá điện bình thường chỉ tăng mạnh vào mùa hè còn mùa mưa, thủy điện chạy nhiều thì phải giảm giá bán điện. Các đơn vị phát điện phải giảm chi phí, giảm tổn hao trước khi tính tới đề xuất tăng giá điện. Từ khi quỹ bình ổn giá xăng vào hoạt động, giá xăng dầu tăng nhiều hơn giảm. Vì vậy, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cần kiểm soát chặt chứ không thể để cho doanh nghiệp bán giá cao, kiếm lời” - Chuyên gia này nói.
Tại cuộc họp về thị trường điện cạnh tranh do Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Trần Hữu Nam, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng, cho rằng việc tính đầu vào nguyên liệu theo giá thị trường thì dễ, và công khai được, nhưng giá tính theo công suất nhà máy rất khó, mỗi nhà máy đầu tư một công nghệ khác nhau sẽ không biết lấy gì làm chuẩn.
Khó kỳ vọng giảm giá
Trao đổi với Tiền Phong, TS Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng, cho rằng thị trường điện cạnh tranh chưa có, vẫn độc quyền một người bán, một người mua. Thị trường cạnh tranh là thị trường phải có dự phòng nguồn điện khoảng 20%, trong khi ở ta hiện vẫn chưa đủ điện để cấp. Việc cho điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường trước khi có thị trường điện cạnh tranh theo đúng nghĩa là bước đi hơi nhanh.
Theo ông Hiến, có bất cập là hiện nay Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, Công ty Mua bán điện cũng đều thuộc EVN. Điều này khiến nhân lực của ngành điện vượt quá tiêu chuẩn rất nhiều.
“Ở các nước người ta chỉ tính 2 hoặc 2,5 người/MW công suất lắp đặt trong khi ở EVN hiện từ 4,5 - 6 người/MW công suất đặt. Chỉ tính riêng phần trả lương của EVN trong giá điện hiện nay cũng là không công bằng. Đây là điều cần xem lại. Cần có sự kiểm toán chi phí sản xuất điện của EVN”- Ông đề xuất.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, nên lập Quỹ Bình ổn giá điện tương tự như việc hình thành và hoạt động của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu theo quy định trong Nghị định 84 của Chính phủ. Điểm khác trong cách điều hành giá xăng dầu là các doanh nghiệp đều có thể đề xuất tăng giá trong khi theo quyết định về điều chỉnh giá bán điện thì EVN là đầu mối đề xuất việc tăng giảm giá bán điện. Bộ Công Thương và Tài chính chỉ là cơ quan giám sát và quyết định việc tăng giá nếu vượt quá 5%.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Tiền Phong gần đây, lãnh đạo một công ty thủy điện lớn trực thuộc EVN, khẳng định: Nếu cạnh tranh về giá thì EVN sẽ luôn thắng do hầu hết các nhà máy thủy điện lớn của tập đoàn đã hết khấu hao. Có những thời điểm mùa mưa, nhà máy phát điện miễn phí 3 tháng liên tiếp cho EVN. Còn các tháng khác giá bán điện chỉ mang tính nội bộ ở mức 180 đồng đến 200 đồng/kWh thì khó có doanh nghiệp nào khác ngoài ngành điện có thể cạnh tranh được.
Ông Nguyễn Văn Phan - Giám đốc Cty CP VRG - Bảo Lộc thuộc Tập đoàn Cao Su, chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Bảo Lộc ( sông La Ngà, xã Hòa Nam - huyện Di Linh:
- Tôi lấy làm lạ về việc điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường có hiệu lực từ 1-6. Gọi là cơ chế thị trường tại sao chỉ công khai giá bán mà không công khai giá mua? Công bằng minh bạch mà sao lại ép nhà đầu tư phải chịu đựng tình trạng thua lỗ? Không có đầu vào thì sao có đầu ra? Không có người sản xuất điện thì làm sao có điện?
Ông Trương Công Hồng - trưởng phòng Quản lý Năng Lượng Sở Công thương Đắk Lắk, gia đình có nhà máy thủy điện Đray Hling 3:
- Với Quyết định mới của Thủ tướng, EVN sẽ đưa giá điện tiến gần đến giá thị trường. Tuy nhiên không biết EVN sẽ điều chỉnh giá mua điện theo tiêu chí đó, để nhà đầu tư đủ bù đắp chi phí và tái sản xuất không.
Các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ phải bán điện với giá 400-607đ/Kwh, mà Cục Điều tiết với EVN vẫn không có ý kiến điều chỉnh giá mua điện. Chuyển theo cơ chế thị trường mà kinh doanh không có lãi, thì nhà đầu tư sống sao nổi.