Bộ Tài chính vừa có báo cáo tình hình thu, chi ngân sách nhà nước 15 ngày đầu tháng 1/2023. Theo đó, tổng số thu ngân sách nhà nước trong 15 ngày đầu tiên của năm 2023 đạt 42.680 tỷ đồng, bằng 2,6% dự toán.
Một trong những điểm tích cực của thu ngân sách nhà nước là giá dầu thô xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 86 USD/thùng, cao hơn 16 USD/thùng so với dự toán. Năm 2023, ngành dầu khí Việt Nam đặt mục tiêu khai thác 9,29 triệu tấn dầu thô, cao hơn 520.000 tấn so với kế hoạch năm 2022. Nếu duy trì được giá xuất khẩu cao như những ngày đầu năm 2023, nguồn thu từ dầu thô vào ngân sách nhà nước sẽ tiếp tục bội thu.
Năm 2022, thu từ dầu thô đã góp phần giúp thu ngân sách nhà nước vượt 21% dự toán. Năm 2022, biến động địa chính trị trên thế giới khiến giá dầu thô tăng vọt, giá dầu thô xuất khẩu của Việt Nam trung bình 105 USD/thùng. Giá dầu thô tăng góp phần giúp thu ngân sách nhà nước từ dầu thô vượt 176% dự toán.
Trong năm 2022, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khai thác trong nước gần 9 triệu tấn dầu thô. Cùng với đó, PVN nộp ngân sách hơn 170.000 tỷ đồng.
Là quốc gia xuất khẩu dầu thô nhưng hằng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu dầu thô cho 2 nhà máy lọc dầu trong nước và nhập khẩu thêm khoảng gần 40% lượng xăng dầu để tiêu dùng trong nước. Trước đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2021 Việt Nam nhập 9,9 triệu tấn dầu thô, trị giá 5,1 tỷ USD và xuất khẩu 3,1 triệu tấn dầu thô.
Lý giải về việc Việt Nam không để nguồn dầu thô khai thác được để sử dụng trong nước mà xuất khẩu, chuyên gia Đào Nhật Đình - Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - cho biết, mỗi mỏ khai thác cho ra một loại dầu thô khác nhau về tính chất vật lý, thành phần hóa học. Thông thường, dầu thô được chia thành dầu ngọt và dầu chua (dựa trên hàm lượng lưu huỳnh) và dầu nặng, dầu nhẹ (dựa trên tỷ trọng của dầu). Trong khi đó, mỗi nhà máy lọc dầu được thiết kế để lọc một loại dầu nhất định, hoặc một hỗn hợp dầu có tính chất nhất định vì vậy việc nhập khẩu dầu để lọc trong nước là cần thiết.