Giá dầu giảm 1 USD, ngân sách mất 1.000 tỷ đồng

TPO - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Nguyễn Văn Nên cho biết như vậy tại buổi họp báo về phiên họp thường kỳ tháng 11/2014 của Chính phủ. Do vậy, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tính toán cụ thể tác động của việc này đối với hàng loạt chỉ số kinh tế vĩ mô để chuẩn bị phương án điều hành phù hợp, tránh bị động.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên chủ trì phiên họp báo Chính phủ tháng 11/2014. Ảnh: Chinhphu.vn

Ngân sách có thể hụt thu 20.000 tỷ đồng do giá dầu

Thông báo nhanh kết quả phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, tại cuộc họp, các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2014 tiếp tục đạt kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. 

Đặc biệt, phát triển doanh nghiệp đã có khởi sắc hơn, số doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn phải tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động giảm 1,5% so với tháng trước. DN thành lập mới trong tháng 11 tăng 13,7% với số vốn tăng trên 20% so với tháng trước.  

Tuy nhiên, tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý các thành viên Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội đã xuất hiện một số yếu tố mới cần xem xét, đánh giá đầy đủ để đưa ra các quyết sách phù hợp. 

Đó là chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 giảm âm và cả năm 2014 dự kiến sẽ tăng thấp, ở mức khoảng 3%. Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân của tình hình này do kinh tế khó khăn, tổng cầu yếu, sức mua thấp, có nguy cơ giảm phát. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, qua thảo luận, các thành viên Chính phủ khẳng định, không có biểu hiện của giảm phát bởi kinh tế vẫn tăng trưởng khá. Nguyên nhân chủ yếu của lạm phát tăng thấp do giá đầu vào (giá xăng, giá gas) giảm mạnh trong thời gian qua, không phải do tổng cầu yếu.

Ngoài ra, yếu tố đáng lưu ý là việc giá xăng dầu thế giới tiếp tục giảm mạnh. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải tính toán cụ thể tác động của việc này đối với hàng loạt chỉ số kinh tế vĩ mô như giá cả, lạm phát, xuất nhập khẩu, tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách Nhà nước..., từ đó chuẩn bị phương án điều hành phù hợp, tránh bị động.

 Trả lời báo chí về giải pháp cân đối thu chi ngân sách khi giá dầu giảm mạnh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết thêm, hiện nay, giá dầu giảm nhanh, theo dự báo của các chuyên gia, có thể tăng lại khoảng giữa năm 2015, nhưng đó chỉ là dự báo và tình hình vẫn đang diễn biến phức tạp. 

Trong khi đó, Chính phủ báo cáo kế hoạch cân đối ngân sách ra Quốc hội dự tính giá dầu 100 USD/thùng. Tới giờ này, giá đã giảm khoảng 30 USD và con số có thể còn thay đổi. 

“Chúng ta cứ tính rằng, mỗi 1 USD giảm thì ngân sách mất 1.000 tỷ và như thế nếu năm 2015 giá dầu xuống trên dưới 80 USD/thùng, chúng ta mất 20.000 tỷ đồng”, ông Nên cho biết.

Trước tình hình này, tại phiên họp này, Bộ Tài chính đã có tính toán các phương án để bù đắp khoản hụt thu đó. Hiện nay, có rất nhiều điểm khai thác với giá thành từ 35 - 40 cho tới 70 USD/thùng. 

“Thủ tướng đã chỉ đạo xem xét lại những mỏ dầu có giá thành cao, tính toán không khai thác lúc này, chỉ khai thác những mỏ dầu có thể đem lại lợi nhuận tương đối. Đồng thời, tính toán cân đối các nguồn khác để bù đắp số hụt có thể xảy ra. Đến giờ này, có thể tạm yên tâm rằng, phương án bù đắp của Bộ Tài chính đưa ra là khả thi”, Bộ trưởng Nên khẳng định.

Năm 2015 kết thúc đàm phán TPP

Trả lời về phương án, lộ trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, đàm phán TPP đã trải qua hơn 20 phiên chính thức, nhiều phiên đàm phán giữa kỳ, giữa các nhóm nhỏ. 

Đặc biệt đã trải qua 5 phiên đàm phán cấp Bộ trưởng, gần đây nhất đàm phán Bộ trưởng được tổ chức tại Australia. 

Ngay sau đó, các lãnh đạo đã gặp bên lề Hội nghị Cấp cao APEC tại Bắc Kinh thống nhất quyết tâm sớm hoàn thành quá trình đàm phán.

Lãnh đạo các quốc gia không đưa ra thời hạn cụ thể, nhưng Tuyên bố các nhà lãnh đạo cho thấy tinh thần quyết tâm và khẩn trương giao nhiệm vụ cụ thể hướng đến kết thúc đàm phán trong thời gian sớm nhất có thể.

“Đêm 1/12, đoàn Việt Nam sẽ lên đường tham dự đàm phán cấp trưởng đoàn tại Washington DC, tập trung một số nội dung tương đối phức tạp là: Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), môi trường, mở cửa thị trường hàng hóa, đặc biệt là đàm phán về quy tắc xuất xứ. 

Nhiều khả năng trong tháng 1/2015 sẽ có vòng đàm phán nữa, bàn tiếp các vấn đề khó như sở hữu trí tuệ, đưa lên các Bộ trưởng một phương án cả gói để kết thúc đàm phán sớm nhất trong năm 2015”, ông Khánh cho biết.

Về giá cước vận tải, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, đã yêu cầu các địa phương tiếp tục yêu cầu DN vận tải kê khai giảm giá cước vận tải phù hợp với giá xăng dầu, cần thiết thì thành lập đoàn thanh tra;  xem xét bổ sung dịch vụ kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải vào danh mục dịch vụ thực hiện kê khai giá tại địa phương nếu thấy cần thiết trên cơ sở tình hình thực tế tại địa phương; kiên quyết dừng các trường hợp kê khai giá không phù hợp với tác động của yếu tố hình thành giá, xử lý nghiêm các trường hợp chậm giảm giá cước khi giá nhiên liệu giảm sâu...

Năm 2015 tiếp tục không tăng biên chế

Về tổ chức, bộ máy, Chính phủ thống nhất năm 2015 trước mắt chưa thể giảm được ngay thì cũng không tăng biên chế. Còn với những biên chế giảm tự nhiên (nghỉ hưu) thì các đơn vị có thể bổ sung để bảo đảm công việc, cân đối điều hành trong phạm vi từng đơn vị nhưng cũng không quá 50% số đã nghỉ hưu, 50% biên chế còn lại phục vụ cho yêu cầu, nhiệm vụ mới phát sinh.