Giá cả tăng tác động mạnh tới thị trường lao động

Theo trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM (sau đây gọi tắt là trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực TP.HCM), chỉ số giá cả trong sáu tháng đầu năm 2011 tăng cao đã tác động không nhỏ đến diễn biến của thị trường lao động.

Giá cả tăng tác động mạnh tới thị trường lao động

Cung chỉ đáp ứng 60% nhu cầu lao động

Nhìn chung, nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn TP.HCM trong sáu tháng đầu năm 2011 vẫn tăng (tăng bình quân 30% so với sáu tháng cuối năm 2010). Tuy nhiên, theo trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực TP.HCM, nguồn cung nhân lực mới chỉ đáp ứng khoảng 60% so với nguồn cầu ở nhiều ngành nghề có sự thâm dụng lao động cao như Dệt may – Giày da, Marketing - Nhân viên Kinh doanh, Dịch vụ và phục vụ… Trong sáu tháng đầu năm 2011, nhu cầu về lao động phổ thông vẫn cao, chiếm trên 60% nhu cầu tuyển dụng của các ngành này.

Mặt khác, thị trường lao động sáu tháng đầu năm 2011 cũng có nhiều biến động do tác động của chỉ số giá cả, đặc biệt trong quý II/2011 thị trường lao động biến động khó kiểm soát. Một số doanh nghiệp do nhiều áp lực đã phải tinh giản bộ máy, nhân sự… không tuyển số lượng nhiều như trước đây. Sự biến động diễn ra rất rõ nét tại các Khu chế xuất - Khu công nghiệp (KCX-KCN). Sáu tháng đầu năm 2011, có khoảng 30.000 lao động thôi việc, bỏ việc trên tổng số 252.268 lao động đang làm việc tại các KCX-KCN hiện nay (chiếm gần 12%).

Chỉ số giá cả tăng cũng đã ảnh hưởng biến động lao động, đặc biệt lực lượng lao động phổ thông là đối tượng dễ bị ảnh hưởng về đời sống, dẫn đến tình trạng nhiều lao động chuyển đổi chỗ làm việc để tìm việc làm khác có thu nhập khá hơn, chính sách phúc lợi lao động tốt hơn. Do đó, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ, trả lương thấp so nhu cầu thực tế đời sống của người lao động, nên thường xuyên gặp phải sự thiếu hụt lao động.

Sáu tháng cuối năm cần 135.000 lao động

Theo trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực TP.HCM, tổng quan chung thị trường lao động TP.HCM sáu tháng cuối năm 2011 vẫn còn tiếp tục biến động (trên 20%). Đặc biệt, tiếp tục có sự chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu trình độ chuyên môn nghề và lao động phổ thông.

Trong đó, nhu cầu về lao động có trình độ chuyên môn chiếm ưu thế (trình độ đại học, cao đẳng 25%, lao động có trình độ từ sơ cấp nghề đến trung cấp 35%), lao động phổ thông chỉ chiếm khoảng trên 40% nhu cầu. Mặt khác, qua khảo sát nhu cầu tuyển dụng tại 10.696 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cho thấy nhu cầu nhân lực của TP.HCM trong sáu tháng cuối năm cần 135.000 lao động.

Riêng quý III/2011 dự kiến nhu cầu nhân lực của thành phố là 60.000 lao động. Theo nhận định thì quý III/2011, các ngành nghề thâm dụng lao động như Da giày - dệt may sẽ giảm mạnh. Nhu cầu lao động trong các ngành nghề này chỉ chiếm khoảng 40% so với nhu cầu tuyển dụng thực tế. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng chủ yếu tập trung vào các ngành: Điện tử (trên 38%), cơ khí (15%), thực phẩm, dịch vụ (12-15%).

Ngoài ra, theo dự báo, sáu tháng cuối năm, tại KCX-KCN trên địa bàn TP.HCM nhu cầu tuyển dụng tập trung các ngành như : Điện tử trên 38%, cơ khí 15%, thực phẩm, dịch vụ từ 12-15% và dệt may, các ngành nghề khác chỉ chiếm 8-11% .

Theo Đoàn Quý
Sài Gòn Tiếp Thị

Theo Tổng hợp