Bệnh nhi Trần Ngọc A, 9 tuổi, ở Tiên Lữ, Hưng Yên, mắc bệnh suy tủy nặng đã được cứu sống nhờ ghép tế bào gốc tạo máu (ghép tủy) thành công. TS Dương Bá Trực, Khoa Huyết học và truyền máu (BV Nhi T.Ư) cho biết, bệnh nhân A. được phát hiện suy tủy nặng từ tháng 10/2013.
Các bác sĩ đã cho bệnh nhi làm xét nghiệm hòa hợp mô cho kết quả hòa hợp HLA với em ruột là Trần Ngọc G, 6 tuổi. Nếu được ghép thì A có cơ hội khỏi bệnh, nhưng ca ghép chưa được thực hiện vì thiếu kinh phí. Từ đó A đã phải đến truyền hồng cầu và tiểu cầu nhiều lần để duy trì cuộc sống và chờ cơ hội ghép tế bào gốc tạo máu.
Bác sĩ Trực cho biết: “Qua trao đổi với các bác sĩ của Viện Huyết học Truyền máu T.Ư, chúng tôi biết Viện Huyết học đang triển khai ghép tế bào gốc tạo máu cho trẻ em và có khả năng quyên góp kinh phí để thực hiện cho những ca đầu tiên. Cháu A. đã được chuyển từ BV Nhi sang Viện Huyết học Truyền máu T.Ư để thực hiện ca ghép”.
Việc quan trọng là lấy tủy xương của cháu G. để truyền cho bệnh nhân A. khá khó khăn vì G mới nặng 16kg do đó phải lấy tối đa tủy xương của G. mới có thể đủ số lượng tế bào gốc tạo máu để ghép cho A.
Các bác sĩ có kinh nghiệm nhất trong ghép tủy đã họp bàn các phương án chi tiết. Ngày 9/3/2014, ca lấy tủy thu hoạch tế bào gốc tạo máu đã thành công tốt đẹp, sau 1 giờ gây mê, các bác sĩ đã lấy đủ số lượng tủy để truyền. Cháu G. đã khỏe mạnh, ra viện sau đó hơn 1 ngày.
Đây là ca ghép không phù hợp nhóm máu (người cho nhóm máu A, người nhận nhóm máu O), khối lượng tủy xương cần xử lý loại hồng cầu. Đây là một công việc rất tỉ mỉ, đòi hỏi kĩ năng và kiến thức vững vàng. Công việc đã hoàn thành sau 4 giờ làm việc liên tục của các chuyên gia truyền máu. Sau 10 ngày ghép, bệnh nhân có tình trạng ổn định, số lượng bạch cầu bắt đầu tăng dần.
Trước đó hơn một tuần, BV Nhi T.Ư đã ghép tế bào gốc tạo máu điều trị thành công cho một bệnh nhân Thalassemia. Đó là trường hợp ghép tế bào gốc tạo máu điều trị bệnh nhân Thalassemia thứ 10 tại BV Nhi.